Về cuối phiên giao dịch, áp lực bán vẫn tỏ ra khá mạnh đặc biệt là ở nhóm dầu khí. Các cổ phiếu dầu khí là GAS, PVD, PVS, PGS… vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục mà vẫn tiếp tục lao dốc mạnh ở phiên hôm nay. Trong đó, GAS giảm 1.000 đồng xuống 37.400 đồng/CP. PXS đã bị kéo xuống mức giá sàn, PVD giảm 900 đồng xuống 27.700 đồng/CP.
Đáng chú ý, động lực giảm điểm của thị trường trong phiên hôm nay không chỉ tập trung vào nhóm cổ phiếu dầu khí mà còn lan rộng tới các cổ phiếu trụ cột khác như BVH, STB, MSN… Đáng chú ý, BVH kết thúc phiên giao dịch giảm mạnh 1.600 đồng xuống 49.400 đồng/CP. MSN tiếp tục giảm 1.500 đồng xuống 69.500 đồng/CP. STB cũng giảm mạnh 300 đồng xuống 11.700 đồng/CP.
Mặc dù khá nhiều cổ phiếu trụ cột sụt giảm mạnh, tuy nhiên, thị trường trong phiên hôm nay không giảm quá sâu là nhờ có lực đỡ khá lớn từ một vài cổ phiếu dẫn dắt như SSI, KDC, EIB, VNM, VCB… Trong đó, EIB tiếp tục tang mạnh 600 đồng lên 11.500 đồng/CP. SSI tăng 500 đồng lên 22.900 đồng/CP và khớp lệnh gần 3,5 triệu đơn vị. KDC phiên hôm nay cũng tăng mạnh 900 đồng lên 29.200 đồng/CP và khớp lệnh hơn 1,9 triệu đơn vị.
Ở nhóm cổ phiếu có tính chất đầu cơ, mã FLC phiên hôm nay tăng mạnh 300 đồng lên 8.000 đồng/CP và khớp lệnh mạnh nhất thị trường, đạt gần 12 triệu đơn vị. OGC tăng kịch trần và khớp lệnh hơn 5,2 triệu đơn vị, trong khi vẫn dư mua giá trần hơn 2 triệu đơn vị.
Giao dịch trên thị trường phiên hôm nay diễn ra không thực sự mạnh về mặt khớp lệnh. Tổng giá trị giao dịch trên hai sàn HOSE và HNX đạt gần 2.500 tỷ đồng, nhưng có tới 800 tỷ đồng là của giao dịch thỏa thuận. Đáng chú ý, về cuối phiên giao dịch, MSN đã nâng lương thỏa thuận lên thành hơn 3,8 triệu cổ phiếu, trị giá tới gần 276 tỷ đồng. EIB thỏa thuận hơn 4 triệu cổ phiếu, tương ứng hơn 46,6 tỷ đồng. SHB thỏa thuận 5,28 triệu cổ phiếu, tương ứng gần 33,8 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số VN-Index giảm 1,21 điểm (-0,21%) xuống 562,22 điểm. Toàn sàn có 108 mã tăng, 106 mã giảm và 95 mã đứng giá.
Chỉ số HNX-Index cũng giảm 0,46 điểm (-0,59%) xuống 78,75 điểm. Toàn sàn có 71 mã tăng, 104 mã giảm và 198 mã đứng giá.
Phiên sáng nay, với những diễn biến tiêu cực từ giá dầu thế giới, hàng loạt các cổ phiếu dầu khí trên thị trường như GAS, PVD, PXS, PVS… đều đã giảm khá sâu. Trong đó, GAS giảm tới 1.100 đồng xuống 37.300 đồng/CP. PVD giảm 600 đồng xuống 28.000 đồng/CP. PVS giảm 500 đồng xuống 17.100 đồng/CP.
Bên cạnh đó, trên thị trường vẫn còn khá nhiều cổ phiếu lớn như CTG, STB, MSN, ACB… chìm trong sắc đỏ và tạo áp lực khá lớn khiến cả hai chỉ số đều đã lùi xuống dưới mốc tham chiếu. Khép phiên sáng, MSN giảm 1.500 đồng xuống 69.500 đồng/CP. Sau phiên tăng trần cuối tuần trước, STB giảm mạnh trở lại 400 đồng xuống 11.600 đồng/CP.
Chiều ngược lại, sắc xanh vẫn được duy trì tốt trên một số cổ phiếu lớn khác như BID, DPM, EIB, VCB, SSI, DBC… Đáng chú ý, EIB tăng 600 đồng lên 11.500 đồng/CP và khớp lệnh được trên 1 triệu đơn vị. Có thời điểm trong phiên sáng, EIB tiếp tục được kéo lên mức giá trần (11.600 đồng/CP).
Hai mã HPG và HHS vẫn duy trì được đà tăng tương đối tốt nhờ vào việc được quỹ ETF VNM thêm vào danh mục. Trong khi đó, IJC đã giảm mạnh 400 đồng xuống còn 7.100 đồng/CP.
Giao dịch trên thị trường trong phiên sáng nay diễn ra vẫn khá ảm đạm. Dòng tiền trong phiên vẫn chỉ tập trung vào một vào mã vừa và nhỏ như FLC, HHS, KSQ… Trong đó, FLC tăng 200 đồng lên 7.900 đồng/CP và khớp lệnh mạnh nhất thị trường, đạt hơn 6 triệu đơn vị. KSQ bất ngờ tăng kịch trần và vươn lên khớp lệnh mạnh nhất sàn HNX, đạt hơn 1,9 triệu đơn vị.
Bên cạnh giao dịch thỏa thuận của DXP, phiên sáng nay thị trường còn đón nhận những giao dịch thỏa thuận với khối lượng lớn của các mã là GMD (1,25 triệu cổ phiếu, trị giá 52,125 tỷ đồng), HSG (1 triệu cổ phiếu, trị giá 35 tỷ đồng), MSN (2,15 triệu cổ phiếu, 155,3 tỷ đồng), PTC (1,1 triệu cổ phiếu, 10,34 tỷ đồng).
Chốt phiên sáng, chỉ số VN-Index giảm nhẹ 0,9 điểm (-0,16%) xuống còn 562,53 điểm. Toàn sàn có 86 mã tăng, 101 mã giảm và 122 mã đứng giá. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 49,4 triệu cổ phiếu, tương ứng hơn 962 tỷ đồng.
Chỉ số HNX-Index cũng giảm 0,58 điểm (-0,73%) xuống 78,63 điểm. Toàn sàn có 54 mã tăng, 86 mã giảm và 233 mã đứng giá. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 21,4 triệu cổ phiếu, tương ứng gần 112 tỷ đồng.
Thị trường tiếp tục bước vào phiên giao dịch đầu tuần mới với trạng thái giằng co. Hiện tại, một số cổ phiếu trụ cột trên thị trường như BVH, VIC, VNM… chỉ đang giao dịch chậm chạp ở mức giá tham chiếu. Trong khi đó, các cổ phiếu như DPM, SSI, FPT, EIB, KDC, VCB… đã đồng loạt tăng giá. Đáng chú ý, sau phiên tăng trần cuối tuần trước, EIB tiếp tục tăng 600 đồng lên 11.500 đồng/CP. SSI bật tăng mạnh 500 đồng lên 22.900 đồng/CP. KDC cũng đang tăng 300 đồng lên 28.600 đồng/CP.
Chiều ngược lại, sắc đỏ đã bao trùm lên các cổ phiếu là GAS, GMD, STB, PVD, PVS, PGS… Trong đó, GAS giảm 700 đồng xuống 37.700 đồng/CP. PVD giảm 500 đồng xuống 28.100 đồng/CP. PVS cũng giảm 17.400 đồng/CP. Việc các cổ phiếu dầu khí trên thị trường tiếp tục sụt giảm cũng là điều không quá khó hiểu khi mà những diễn biến của giá dầu thế giới vẫn chưa được tích cực trở lại. Được biết, giá dầu thô giảm hơn 10% trong tuần qua, khiến dầu Brent rơi xuống dưới ngưỡng 38 USD lần đầu tiên kể từ năm 2008, còn dầu WTI xuống dưới 36 USD.
Cuối tuần qua, quỹ ETF Market Vector Vietnam ETF (V.N.M) chính thức công bố kỳ đảo danh mục quý IV/2015. Theo đó, V.N.M đã loại cổ phiếu IJC và một cổ phiếu nước ngoài ra khỏi danh mục, đồng thời bổ sung hai cổ phiếu là HHS và HPG. Thông tin trên ngay lập tức ảnh hưởng tích cực tới ba cổ phiếu trên. Trong đó, HPG tăng mạnh 900 đồng lên 30.700 đồng/CP. HHS tăng 400 đồng lên 15.800 đồng/CP. Trong khi đó, IJC giảm 300 đồng xuống 7.200 đồng/CP và khớp lệnh mạnh nhất sàn HOSE, đạt hơn 1,35 triệu đơn vị.
Giao dịch trên thị trường đang diễn ra ảm đạm, đáng chú ý, sàn HNX xuất hiện lệnh thỏa thuận lên tới 1,9 triệu cổ phiếu DXP ở mức giá 58.000 đồng/CP. Được biết, ông Trần Việt Hùng - Tổng Giám đốc của CTCP Cảng Đoạn Xá (mã DXP - HNX) đã đăng ký bán toàn bộ 1,9 triệu cổ phiếu DXP (tương ứng tỷ lệ 24,13%) với mục đích là chuyển chuyển tài sản sang CTCP Tratimex P&L để tiện quản lý. Giao dịch dự kiến được thực hiện từ 10/12/2015 đến 6/1/2016 thông qua phương thức thỏa thuận và khớp lệnh.
Sau 30 phút giao dịch, chỉ số VN-Index tăng 1,27 điểm (0,23%) lên 564,7 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 9,5 triệu cổ phiếu, tương ứng hơn 169 tỷ đồng.
Chỉ số HNX-Index cùng thời điểm giảm nhẹ 0,01 điểm (-0,02%) xuống 79,2 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạthơn 6,6 triệu cổ phiếu, tương ứng hơn 156,7 tỷ đồng.
Với những thông tin và diễn biến như vừa qua, VCBS tiếp tục duy trì quan điểm thận trọng với thị trường. Trong tuần giao dịch sắp tới, VCBS chưa nhìn thấy điểm tựa hay động lực đáng kể nào cho khả năng phục hồi bền vững của chỉ số. Ở chiều ngược lại, thị trường nhiều khả năng sẽ tiếp tục bị tâm lý thận trọng chi phối khi cuộc họp của FED, với kỳ vọng quyết định tăng lãi suất sẽ được đưa ra, đang đến rất gần. Ngoài ra, thị trường có thể ghi nhận giao dịch sôi động ở một số cổ phiếu trong danh mục của hai ETF ngoại, VNM và FTSE, trong tuần cuối của kỳ tái cơ cấu danh mục tháng 12, tuy nhiên, VCBS không đánh giá cao tiềm năng lợi nhuận trong ngắn hạn từ động thái kể trên của hai quỹ. Như vậy, VCBS tiếp tục khuyến nghị các nhà đầu tư thận trọng quan sát thị trường với tỷ lệ tiền mặt cao trong danh mục.
>>> Xem thêm: [Review ETF] Market Vector Vietnam ETF thêm HHS và HPG, loại IJC