OGC: Khuyến nghị theo dõi
CTCK Vietcombank (VCBS)
Theo bao cáo tài chính hợp nhất quý II/2014, OGC đạt 737,7 tỷ đồng doanh thu thuần (+60,3% so với cùng kỳ năm ngoái) và 38,7 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (-53,6% so với cùng kỳ năm ngoái). Trong đó: doanh thu mảng bất động sản là 154,9 tỷ đồng (+101% so với cùng kỳ năm ngoái); doanh thu mảng kinh doanh khách sạn tiếp tục duy trì ổn định với 89,9 tỷ đồng (-6,5% so với cùng kỳ năm ngoái); mảng hoạt động chứng khoán mang mang lại 51,3 tỷ đồng doanh thu (+68,8% so với cùng kỳ năm ngoái); doanh thu các mảng hoạt động thương mại dịch vụ đạt 442,1 tỷ đồng (+77,9% so với cùng kỳ năm ngoái).
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2014, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 1379,9 (+83,2% so với cùng kỳ năm ngoái) và 39,6 tỷ đồng(-23,7% so với cùng kỳ năm ngoái) hoàn thành 32,2% kế hoạch doanh thu và 15,8% kế hoạch lợi nhuận sau thuế năm 2014.
Mặc dù doanh thu thuần các mảng hoạt động tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm 2014, tỷ suất lợi nhuận ròng của OGC lại suy giảm, chỉ đạt 2,87% - thấp hơn mức 6,89% cùng kỳ năm ngoái. Điều này là do: (1) giá vốn hàng bán tăng đáng kể, khiến tỷ suất lợi nhuận gộp giảm từ mức xuống còn 23,6% so với mức 29,3% cùng kì năm ngoái; (2) Thu nhập ròng từ hoạt động tài chính tăng 3,5 lần yoy đạt 145,5 tỷ đồng, tỷ trọng chi phí quản lý/doanh thu thuần giảm từ 14% 6 tháng đầu năm 2013 xuống còn 11,9% 6 tháng đầu năm 2014, nhưng không đủ bù đắp sự tăng lên đột biến của chi phí bán hàng, đạt 220 tỷ đồng (+ 3,7 lần yoy, bằng 16% doanh thu thuần).
Cuối quý II/2014, tổng tài sản của OGC đạt 13.475 tỷ đồng (+18% so với đầu năm), trong đó tiền và tương đương tiền là 996,8 tỷ đồng(+122,7% so với đầu năm), các khoản phải thu là 6.541,7 tỷ đồng (bao gồm cả khoản phải thu ngắn hạn và dài hạn, +12,8% so với cùng kỳ năm ngoái).
Đáng chú ý làmột số khoảnđầu tư ngắn hạn vào các công ty liên kết đã được chuyển đổi thành phải thu dài hạn và có hơn 3.284 tỷ đồng phải thu là các khoản ứng trước theo các hợp đồng liên doanh liên kết với các công ty khác. Khả năng thu hồi tiền từ các khoản mục này sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào việc tiến độ thực hiện các dự án mà Tỷ lệ Nợ/tổng tài sản đang ở mức 70,1% (+8,6% so với đầu năm), tỷ lệ Nợ chịu lãi/ tổng tài sản là 22,4% (-16,4% so với đầu năm). Nợ ngắn hạn đạt 3.814 tỷ đồng, nhiều khả năng sẽ phải thanh toán vào cuối năm 2014 và đầu năm 2015.
Với 997 tỷ đồng tiền và tương đương tiền hiện có và 1.525 tỷ đồng đầu tư tài chính có khả năng sẽ được thu hồi một phần trong năm nay, chúng tôi cho rằng áp lực trả nợ ngắn hạn của OGC vẫn còn lớn.
Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động sản xuất kinh doanh tăng đột biến, đạt kết quả dương 1.187 tỷ đồng so với mức âm 223 tỷ đồng cùng kì năm ngoái. Điều này là do (1) sự tăng lên trong khoản mục khách hàng ứng trước tiền hàng (+657 tỷ đồng), nhiều khả năng là nguồn tiền thu về từ dự án Starcity; (2) việc gia tăng các khoản chiếm dụng vốn từ phía các đối tác. Dòng tiền đầu tư tài chính tiếp tục là gánh nặng đối với OGC khi ngốn đến 1.353 tỷ đồng, chủ yếu phản ảnh dòng tiền rót vào các dự án liên doanh với các công ty liên quan, trong đó có thể kể đến Vneco Hà Nội (nắm giữ 4,83% cổ phần của OGC, đang đồng triển khai dự án StarCity Lê Văn Lương với tổng mức đầu tư 1000 tỷ đồng) và công ty TNHH VNT.
Mặc dù dòng tiền từ hoạt động động kinh doanh không đủ bù đắp dòng tiền ra từ hoạt động tài chính nhưng nhờ 715,5 tỷ đồng dòng tiền thuần từ hoạt động tài chính, lưu chuyển tiền thuần trong kì của OGC đạt dương 549 tỷ đồng (cùng kì năm ngoái âm 50 tỷ đồng).
Chúng tôi cho rằng khả năng lớn là OGC sẽ bàn giao được gần như toàn bộ các căn hộ thuộc dự án StarCity Lê Văn Lương trong quý III và quý IV năm nay, ghi nhận khoảng 1.110 tỷ đồng- đây cũng là nguồn thu chính của mảng KD BĐS của Tập đoàn trong năm 2014. Với quan điểm thận trọng, chúng tôi giả định trong quý III và quý IV/2014 các mảng hoạt động còn lại sẽ mang lại mức doanh thu như năm 2013 (nửa đầu năm 2014 doanh thu các mảng hoạt động đã tăng lên đáng kể).
Việc chuyển nhượng 5 triệu cổ phiếu PVR và 12 triệu cổ phiếu OCH sẽ phụ thuộc nhiều vào mức giá mà công ty thỏa thuận được, nếu các giao dịch này thành công, OGC có thể sẽ ghi nhận 350 tỷ đồng thu nhập tài chính. Theo đó VCBS dự phóng, doanh thu và lợi nhuận sau thuế cho cổ đông công ty mẹ của OGC đạt 3.935 tỷ đồng (hoàn thành 92% kế hoạch doanh thu) và 244 tỷ đồng (hoàn thành -2,8% kế hoạch lợi nhuận sau thuế). EPS trailing là 216 đồng, EPS forward đạt 813 đồng. Với mức giá ngày 29.08.2014 là 11.800 đồng/ cổ phiếu, P/E trailing là 54,6 lần - cao hơn nhiều so với P/E trung bình ngành đang đạt 15.x
Quan điểm đầu tư: OGC là một doanh nghiệp có quy mô tổng tài sản và vốn chủ sở hữu thuộc nhóm các doanh nghiệp BĐS lớn trên thị trường, với quỹ đất rộng tại các vị trí đắc địa, chúng tôi vẫn đánh giá cao tiềm năng của công ty trong dài hạn. Tuy nhiên hoạt động đầu tư của công ty khá dàn trải, và chưa phát huy được thế mạnh trong các mảng hoạt động, cơ cấu nguồn vốn vẫn tiềm ẩn rủi ro, đặc biệt, áp lực trả nợ và chi phí lãi vay vẫn lớn. Do đó chúng tôi khuyến nghị THEO DÕI đối với cổ phiếu OGC.
MSN: Khuyến nghị theo dõi
CTCK Vietcombank (VCBS)
Tập đoàn Masan đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II với kết quả kinh doanh sụt giảm khá mạnh. Cụ thể lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông Công ty mẹ bị âm 227 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (-267% so với cùng kỳ năm ngoái), và lũy kế 6 tháng đầu năm 2014, con số lỗ lên tới 333 tỷ đồng (-344% so với cùng kỳ năm ngoái). Nguyên nhân chính là do doanh thu từ dự án Núi Pháo chưa đủ bù đắp cho chi phí trong giai đoạn đầu trong khi chi phí thuộc ngành hàng tiêu dùng để phục vụ chiến lược phát triển và tái cơ cấu các dòng sản phẩm đang tăng mạnh
Doanh thu tăng trưởng đột biến nhờ xuất hiện thêm đóng góp từ dự án Núi Pháo. Trong quý II, doanh thu thuần tăng trưởng mạnh 51% so với cùng kỳ năm ngoái đạt 4.124 tỷ đồng giúp lũy kế 6 tháng đạt 6.839 tỷ đồng, tăng 60% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh doanh thu từ ngành hàng tiêu dùng tăng trưởng tốt 33% so với cùng kỳ năm ngoái, động lực tăng còn đến từ doanh thu từ dự án Núi Pháo tăng mạnh và đóng góp 1.145 tỷ đồng, tương đương chiếm khoảng 17% doanh thu thuần.
Cụ thể, doanh thu ngành hàng gia vị, thực phẩm tiện lợi và cà phê trong nước tăng lần lượt 25%; 24% và 63% so với cùng kỳ. Trong đó các nhãn hàng mì ăn liền của MSN tiếp tục tăng trưởng nhờ gia tăng thị phần tại tất cả các phân khúc: Omachi (phân khúc cao cấp); Kokomi (phân khúc phổ thông),và Sagami (phân khúc trung cấp). Đặc biệt Tập đoàn Masan còn tung ra hàng loạt các sản phẩm mới bao gồm nước tăng lực vị cà phê Wake-Up 247, nước uống isotonic Aktiva và nước tăng lực Storm để tấn công vào thị trường đồ uống không cồn trị giá 2,5 tỷ USD. Tập đoàn kỳ vọng sẽ đạt được sự tăng trưởng thị phần đáng kể đối với ngành hàng này trong những quý tới.
Chi phí tăng mạnh trong kỳ. Cụ thể trong Quý II, chi phí giá vốn hàng bán tăng khoảng 59% chủ yếu là do hạch toán chi phí khấu hao từ dự án mỏ Núi Pháo khiến biên lợi nhuận gộp giảm chỉ đạt 37% thấp hơn mức 41% của quý II/2013. Tổng chi phí khấu hao trong 6 tháng tăng mạnh lên mức 707 tỷ đồng, tăng gấp 3,3 lần so với cùng kỳ năm trước.
Từ đó kéo biên lợi nhuận ròng của lũy kế 6 tháng giảm về mức tương đương năm cũ, chỉ khoảng 38% trong khi biên lợi nhuận của ngành hàng tiêu dùng đã từng đạt khá cao trong quý I/2014 khoảng 40%. Ngoài ra, các chi phí khác cũng tăng mạnh, đặc biệt chi phí bán hàng tăng đến 87% để tài trợ cho hoạt động quảng cáo khuyến mãi đối với ngành hàng tiêu dùng. Đặc biệt chi phí lãi vay tăng gấp gần 6 lần do tiền lãi vay từ dự án Núi pháo không còn được vốn hóa.
Lợi nhuận từ công ty liên kết đã dương trở lại sau nhiều quý bị âm liên tiếp chủ yếu nhờ kết quả hoạt động của Techcombank (TCB) được cải thiện. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm 2014 của TCB đạt 948 tỷ đồng (+45% so với cùng kỳ năm ngoái, 80% kế hoạch), đóng góp khoảng 42 tỷ đồng, chiếm 18% tổng lợi nhuận trước thuế của Tập đoàn.
Mặc dù xuất hiện một vài tín hiệu lạc quan nhưng nhìn chung kết quả kinh doanh của MSN vẫn đang diễn biến khá tiêu cực. Lợi nhuận trước thuế của Masan trong quý II vẫn giảm mạnh chỉ thu về 98 tỷ đồng, tương đương 1/5 so với cùng kỳ và lũy kế 6 tháng đầu năm 2014 giảm 59% chỉ đạt 237 tỷ đồng. Do đó việc tiết kiệm 33 tỷ đồng chi phí thuế so với cùng kỳ cũng không giúp cho MSN thoát lỗ trong khi đó phần lợi ích của CĐTS vẫn thu về khoản lợi nhuận 160 tỷ đồng.
Kết quả, lợi nhuận của cổ đông của công ty mẹ bị âm lần lượt tới 227 tỷ đồng trong quý II và 333 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2014. Theo đó tỷ lệ hoàn thành kế hoạch của MSN khá thấp. Tại ĐHCĐ 2014, Công ty đặt kế hoạch kinh doanh 2014 theo hai kịch bản theo 2 hướng thận trọng và lạc quan. Tuy nhiên tính đến hết 6 tháng đầu năm 2014, so với kế hoạch thận trọng MSN cũng mới chỉ lần lượt đạt 33% kế hoạch doanh thu thuần, 19% kế hoạch lợi nhuận sau thuế * (dữ liệu pro forma đã được điều chỉnh để phản ánh kết quả kinh doanh trong điều kiện bình thường bằng cách loại bỏ tác động của phân bổ lợi thế thương mại). Một lần nữa, chúng tôi cho rằng kế hoạch này khá thách thức đối với MSN.
Sự thay đổi đáng chú ý diễn ra trong nội bộ cơ cấu tài sản cố định khi chi phí xây dựng cơ bản dở dang giảm mạnh 88% từ mức 20 ngàn tỷ đồng xuống chỉ còn 2.399 tỷ đồng. Thay vào đó, tài sản cố định hữu hình tăng gấp 10 lần là kết quả của việc đưa dự án Núi pháo chính thức đi vào hoạt động. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến cho kết quả kinh doanh của MSN sụt giảm khá mạnh trong quý 2 như đã phân tích phía trên
Cấu trúc vốn vẫn nghiêng nhiều về nợ tuy nhiên cơ cấu đã phần nào được lành mạnh hóa nhờ chuyển các khoản vay từ ngắn hạn sang dài hạn. Cụ thể, tỷ lệ nợ vay ngắn hạn/tổng NV giảm từ 14% xuống còn 5% trong khi tỷ lệ vay nợ dài hạn/tổng nguồn vốn tăng từ 29% lên 39%. Trong đó chiếm tỷ trọng 71% nợ vay dài hạn là 11.500 tỷ đồng trái phiếu có đảm bảo, và tương ứng phát sinh khoản lãi vay khá lớn khoảng 457 tỷ đồng trong kỳ.
MSN là tập đoàn kinh tế tư nhân hàng đầu của Việt Nam hiện nay với chiến lược phát triển tập trung chủ yếu vào ngành hàng tiêu dùng. Thế mạnh về thương hiệu, quản trị và khả năng đàm phán trong các thương vụ M&A lớn trong thời gian đã thể hiện và càng khẳng định thêm sức mạnh của MSN. Tuy nhiên kết quả kinh doanh hiện nay đang bị tác động khá mạnh bởi mảng khai thác và kinh doanh khoáng sản do mới bước vào giai đoạn đầu và chi phí còn khá cao. Chúng tôi kỳ vọng vào những kết quả khả quan hơn từ dự án Núi Pháo vào hai quý cuối năm. Do đó vào thời điểm hiện nay chúng tôi khuyến nghị THEO DÕI đối với cổ phiếu này.
DBC: Khuyến nghị nắm giữ
CTCK Vietcombank (VCBS)
Chúng tôi xin được cập nhật một số thông tin về hoạt động kinh doanh và triển vọng tăng trưởng của DBC như sau:
DBC vẫn đang được hưởng lợi từ giá ngô xuống thấp. Ngô chiếm tới 45% nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi của DBC, trong đó 70% nguyên liệu ngô được nhập khẩu. Do đó giá nguyên liệu ngô trên thị trường thế giới ảnh hưởng rất lớn đến chi phí giá vốn hàng bán của DBC. Giá ngô xuống thấp kể từ đầu năm 2014 và hiện tại đang ở mức thấp nhất trong vòng 4 năm trở lại đây nên lợi nhuận của DBC trong các tháng cuối năm được dự báo sẽ tăng cao. Hiện tại giá ngô mà DBC đang sử dụng có giá khoảng 6.000 đồng/kg (~ 290 USD/tấn).
Sản lượng thức ăn chăn nuôi vẫn có sự tăng trưởng tốt. Sản lượng tiêu thụ thức ăn chăn nuôi đạt 87.000-90.000 tấn/quý trong 2 quý đầu năm 2014. Như vậy tính cho 6 tháng đầu năm, DBC đã bán được khoảng 180.000 tấn, chiếm 52% tổng sản lượng tiêu thụ năm 2013 và hoàn thành 45% kế hoạch năm 2014. Gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với đề nghị của Bộ Tài chính về việc mặt hàng thức ăn chăn nuôi sản xuất công nghiệp không phải chịu thuế VAT (mức thuế VAT đang áp dụng là 5%). Nhờ đó, giá thức ăn chăn nuôi sẽ giảm để khuyến khích ngành chăn nuôi và sản lượng tiêu thụ của các công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi như DBC được kỳ vọng sẽ tăng trưởng tốt.
Hoạt động bất động sản vẫn chưa có khả năng ghi nhận doanh thu trong năm nay. Về dự án Khu đô thị Đền Đô, từ tháng 4/2014, phần chuyển nhượng lại cho đối tác (chiếm 50% tổng dự án) bắt đầu được mở bán. Phần chuyển nhượng này đã được DBC bán cho đối tác với giá cố định và đã ghi nhận trong năm 2012. Do đó mức giá bán và tiến độ bán hàng của đối tác sẽ không ảnh hưởng đến lợi nhuận của DBC. Ngoài ra, 50% còn lại của dự án mà DBC quản lý chưa bán được do thị trường vẫn còn khó khăn. Về dự án khu công nghiệp Quế Võ 3, hiện tại DBC đang tổ chức đầu thầu để xây dựng nhà máy nước, đồng thời công ty cũng đang đang xây dựng các tuyến đường kết nối cổng với các khu chính.
Hiện tại, DBC đang làm hồ sơ thành lập doanh nghiệp công nghệ cao tại 6 công ty chăn nuôi gia công với tỷ suất thuế ưu đãi. Nếu quyết định thành lập này được ký thì thuế suất của các công ty chăn nuôi gia công này là 20% trong 15 năm sau khi có lãi, trong đó công ty được được miễn 4 năm đầu, và giảm 50% thuế trong 9 năm tiếp theo. Với hoạt động chăn nuôi gia công, chế biến thực phẩm đang dần hồi phục và bắt đầu có lãi gộp trong năm 2014 thì việc miễn thuế suất trong những năm đầu mang lại lợi thế rất lớn cho DBC.
DBC có kế hoạch đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi mới. Với sản lượng sản xuất khoảng 30.000 tấn thức ăn chăn nuôi hàng tháng, nhà máy hiện tại đang gần đạt công suất tối đa. Nếu sản lượng thức ăn tăng lên tiếp thì nhiều khả năng công nhân phải sản xuất 3 ca/ngày. Do đó Ban giám đốc DBC đang có kế hoạch sẽ xây dựng nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi mới tại Hoàn Sơn - Bắc Ninh trong năm 2015-2016 để đáp ứng nhu cầu tăng cao.
Lũy kế 6 tháng năm 2014, DBC có doanh thu thuần đạt 2.410 tỷ đồng (+7,6% so với cùng kỳ năm ngoái, hoàn thành 42% kế hoạch năm) và lợi nhuận sau thuế đạt hơn 52 tỷ đồng (+21% so với cùng kỳ năm ngoái, hoàn thành 25% kế hoạch năm). Chúng tôi cho rằng mặc dù kết quả kinh doanh trong 6 tháng đầu năm 2014 không cao như kỳ vọng nhưng với một số thông tin tích cực nêu trên chúng tôi giữ quan điểm về khả năng hoàn thành kế hoạch của DBC trong năm nay. Theo đó DBC có khả năng sẽ đạt 210 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, EPS khoảng 3.340 đồng/CP, theo đó P/E forward ở mức 7,3 lần, không quá cao. Chúng tôi khuyến nghị NẮM GIỮ với cp DBC.
DHC: Khuyến nghị tích cực
CTCK Bảo Việt (BVSC)
Chúng tôi khuyến nghị OUTPERFORM cổ phiếu DHC với giá mục tiêu 23.900 đồng/cổ phiếu theo phương pháp định giá FCFF và phương pháp so sánh. DHC có một số điểm nhấn đầu tư chính:
Kết quả kinh doanh năm 2014 tăng trưởng ấn tượng cả về doanh thu và lợi nhuận. Ước tính cả năm 2014, Công ty có thể đạt doanh thu 548 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 45 tỷ đồng, lần lượt tăng 21% và 66% so với năm 2013. So với kế hoạch năm, kết quả ước tính của năm 2014 vượt 14% về doanh thu và 6% về lợi nhuận.
Năm 2014, Công ty dự kiến trả cổ tức tối thiểu 12% nhưng chúng tôi kỳ vọng với kết quả kinh doanh khả quan như hiện nay có thể DHC sẽ tăng tỷ lệ trả cổ tức. Với mức cổ tức 12%, suất cổ tức của Công ở mức 6,5%.
Cổ phiếu DHC hiện đang giao dịch ở mức P/E forward 2014 là 6,15 lần, gần tương đương với P/E trung bình ngành khoảng 6,5 lần nhưng thấp hơn P/E trung bình của VNIndex là 14,37 lần.
Nhu cầu giấy bao bì tăng trưởng nhanh và được hưởng lợi gián tiếp khi Việt Nam gia nhập TTP. Bình quân trong 5 năm qua, tốc độ tăng trưởng của ngành giấy cao hơn 1,5 lần so với tốc độ tăng của GDP. Do đó, với tốc độ tăng GDP dự báo trong 5 năm tới khoảng trên 6% (theo BMI) thì tốc độ tăng trưởng của ngành giấy ước tính khoảng 9%/năm.
Công ty đang trong qúa trình tăng trưởng về quy mô, sau năm 2017 công suất của DHC sẽ tăng gấp 3 lần so với hiện nay. Riêng 2 năm 2015 và 2016, DHC sẽ chủ yếu khai thác tốt năng lực sản xuất hiện có và tăng doanh thu bằng việc tăng giá trị cho sản phẩm đầu ra. Doanh thu trong 5 năm tới bình quân tăng trưởng 15%/năm.
Tuy nhiên, với vai trò là m ột ngành công nghiệp phụ trợ, ngành bao bì nói chung và DHC nói riêng chắc chắn sẽ chịu những tác động trực tiếp từ tình hình kinh doanh của ngành công nghiệp chế biến. Bên cạnh đó, với mức độ hấp dẫn của ngành giấy sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp giấy đầu tư tăng công suất và thu hút thêm doanh nghiệp nước ngoài tham gia vào ngành, do đó cạnh tranh trong ngành sẽ gia tăng.
TRA: PE 2014 khoảng 13x
CTCK Maybank KimEng (MBKE)
Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2014 mặc dù vẫn giảm, tuy nhiên đã có cải thiện hơn so với mức giảm 33,3% và 43,8% so với cùng kỳ năm ngoái của doanh thu và lợi nhuận sau thuế quý I/2014. Điều này là nhờ kết quả kinh doanh quý II/2014 tốt hơn, với doanh thu tăng 3,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Biên lợi nhuận gộp 6 tháng đầu năm 2014 không thay đổi nhiều so với cùng kỳ, ở mức 41%. Chi phí tài chính ròng giảm đáng kể từ mức 12,9 tỷ trong 6 tháng đầu năm 2013 xuống còn 0,5 tỷ trong 6 tháng đầu năm 2014 nhờ lãi vay giảm. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế vẫn giảm mạnh hơn doanh thu, tới 21,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân chủ yếu do tỷ lệ chi phí sản xuất và quản lý/doanh thu tăng 1,8 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái, lên 28,6% trong 6 tháng đầu năm 2014. Trước áp lực cạnh tranh, đặc biệt là với các nhà sản xuất đông dược nhỏ lẻ vốn có lợi thế hơn về CPSX, TRA đã bắt đầu thay đổi chính sách bán hàng theo hướng gia tăng chiết khấu cho nhà phân phối. Người Việt Nam có thói quen mua thuốc tại quầy theo tư vấn của người bán. Do vậy, một tỷ lệ chiết khấu hấp dẫn có khả năng thúc đẩy doanh số của sản phẩm đó so với sản phẩm khác cùng loại nhưng có mức chiết khấu thấp hơn.
Chính sách bán hàng mới nếu đi đúng hướng thì cũng cần có thời gian để có thể tạo ra hiệu quả. Trong khi đó, áp lực cạnh tranh trong phân khúc đông dược thì ngày càng trở nên gay gắt. Do vậy, theo chúng tôi, ít nhất là đến hết 2014, TRA sẽ vẫn còn khó khăn. Chúng tôi điều chỉnh giảm dự báo doanh thu và lợi nhuận 2014 của TRA 1.851 và 156 tỷ xuống 1.682 tỷ (không đổi so với 2013) và 142 tỷ (-5,2% so với cùng kỳ năm ngoái). Theo đó, EPS 2014 ước ở mức 5.740 đồng/cp, tương đương với PE 2014 khoảng 13x, so với bình quân ngành 11x.
SBT: EPS năm 2014 ước đạt 1.075 đồng/CP
CTCK Maybank KimEng (MBKE)
CTCP Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (SBT) sẽ tổ chức ĐHCĐ thường niên niên độ 2014. Thời gian tổ chức dự kiến vào 13h ngày 17/9/2014. Vấn đề nổi bật sẽ trình tại đại hội là phương án sát nhập với CTCP đường nhiệt điện Gia Lai (SEC). Theo đó, SBT sẽ phát hành thêm cổ phiếu để hoán đổi toàn bộ cổ phần đang lưu hành của SEC. Mô hình hoạt động dự kiến của SBT và SEC là công ty mẹ - công ty con.
Cụ thể, SBT sẽ phát hành thêm 38,99 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu của SEC để hoán đổi lấy 100% tổng số cổ phần của SEC, tương ứng tỷ lệ 1:1,05. Sau khi hoàn tất, vốn điều lệ của SBT sẽ tăng lên 1.865 tỷ đồng, +25,6%.
Hiện Tập đoàn Thành Thành Công (TTC) đang nắm cổ phần tại SBT và SEC với tỷ lệ sở hữu (trực tiếp và gián tiếp) lần lượt là 72% và 69%. Ngoài việc hỗ trợ kinh doanh của 2 công ty, thì việc sát nhập sẽ nâng tỷ lệ sở hữu của TTC cũng như quyền kiểm soát tại SBT lên 76%. Thêm vào đó, SEC là doanh nghiệp đường có hệ thống phân phối mạnh tại khu vực Tây Nguyên, nơi mà thị phần của SBT còn rất khiêm tốn. Qua sát nhập, SBT có thể mở rộng thi phần, tăng doanh số đi cùng với tiết kiệm chi phí nhờ lợi thế về quy mô.
Theo tờ trình cổ đông, SBT đưa ra kế hoạch 2015 (1/7/2014 - 30/6/2015) với tổng doanh thu 2.000 tỷ đồng, -13% so với cùng kỳ năm ngoái và lợi nhuận trước thuế 176 tỷ đồng, -27% so với cùng kỳ năm ngoái. Các chỉ tiêu này có chiều hướng tích cực do SBT đưa ra kế hoạch trong bối cảnh giá đường thế giới và trong nước vẫn có xu hướng giảm. Giá bán đường tháng 8 giảm thêm khoảng 100 đồng/kg so với tháng trước và lượng đường tồn kho tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái.
Với tiêu chí đạt mục tiêu kế hoạch sát thực tế, chúng tôi cho rằng 2015 vẫn còn khó khăn cho SBT. Thêm vào đó, thương vụ sát nhập có thể mất nhiều thời gian và việc tăng vốn điều lệ cũng sẽ tạo áp lực chi trả cổ tức cho SBT trong ngắn hạn. Với kế hoạch lợi nhuận 2014 như trên, chúng tôi ước tính EPS 2014 đạt 1.075 đồng, tương ứng PE 11x, tương đương trung bình ngành. Ngoài ra, chúng tôi cũng kỳ vọng sau khi phương sát nhập được thông qua, SBT sẽ điều chỉnh kế hoạch doanh thu và lợi nhuận.