Đó là ý kiến thẳng thắn của PGS.TS Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công thương) khi bàn về vấn đề cổ phần hóa Tổng Vinafood 2.
Vẫn độc quyền
Theo chỉ đạo, Vinafood 2 sẽ phải xây dựng phương án cổ phần hóa để trình Thủ tướng phê duyệt. Việc cổ phần hóa phải được thực hiện trong giai đoạn 2014-2015.
Trong phương án này, Nhà nước sẽ nắm giữ trên 65% vốn điều lệ. Ngoài ra, Vinafood 2 phải thực hiện thoái vốn tại các doanh nghiệp như: Công ty cổ phần Tô Châu, Lương thực Quảng Ngãi, Hoàn Mỹ, Lương thực Đà Nẵng, Nông sản thực phẩm An Giang.
PGS.TS Nguyễn Văn Nam tỏ ra không mấy lạc quan trước thông tin trên và cho rằng việc cổ phần hóa không ảnh hưởng gì đến vị thế độc quyền trong xuất khẩu gạo với rất nhiều ưu đãi của Vinafood 2. Những doanh nghiệp tư nhân kinh doanh gạo thực thụ vẫn rất khó chen chân được vào Vinafood 2.
Các chuyên gia hy vọng, việc cổ phần hóa Vinafood 2 sẽ làm thay đổi chính sách kinh doanh của doanh nghiệp này |
"Cổ phần hóa mà Nhà nước vẫn giữ trên 65% vốn điều lệ thì Vinafood 2 vẫn là của Nhà nước, vẫn là công ty lớn độc quyền xuất khẩu gạo. Khoảng 35% vốn điều lệ còn lại, các cổ đông chiến lược đã chiếm vài chục phần trăm, còn cổ đông đại chúng, những nhà đầu tư nhỏ lẻ giỏi lắm chỉ được 5-10%", ông nói.
Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại thẳng thắn: "Cổ phần hóa ở Việt Nam chỉ hô hào như thế nhưng vẫn chỉ là gãi ngứa mà thôi. Gọi là trước sức ép của quốc tế thì hô lên vậy chứ thực chất nhà nước vẫn chi phối. Từ một chỗ doanh nghiệp của Nhà nước, giờ cổ phần hóa thì mấy ông quản lý dễ chia chác hơn. Như hãng hàng không Vietnam Airlines đó thôi, cổ phần hóa mà Nhà nước vẫn nắm giữ 75% vốn điều lệ thì chẳng thay đổi được gì".
Dù vậy, ông Nam vẫn đặt hy vọng rằng, việc cổ phần hóa Vinafood 2 sẽ làm thay đổi phương thức kinh doanh của đơn vị này, từ doanh nghiệp nhà nước kinh doanh nửa vời chuyển sang kinh doanh cạnh tranh thực sự bởi lâu nay, Vinafood 2 vẫn không được coi là nhà buôn thực sự, họ là do Nhà nước đi buôn nên chẳng quan tâm giá đắt hay rẻ.
Đồng quan điểm với ông Nam, PGS.TS Nguyễn Ngọc Đệ, Phó trưởng khoa Phát triển Nông thôn, Đại học Cần Thơ cũng cho rằng, việc cổ phần hóa Vinafood 2 dù có tiến bộ chút đỉnh nhưng có lẽ cũng không làm thay đổi gì nhiều.
"Cổ phần hóa chỉ giúp cải thiện trong nội bộ Vinafood 2 mà thôi, tức có thể hy vọng rằng nó cải thiện chính sách và phương án kinh doanh của Vinafood 2".
Về việc các doanh nghiệp khác có thể nắm giữ cổ phần của một trong những công ty lương thực lớn nhất Việt Nam, theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Đệ, nếu có thì rất ít, nó tùy thuộc vào chính sách cổ phần hóa của Nhà nước như thế nào, quy định sòng phẳng tất cả mọi người đều có quyền mua cổ phần như nhau hay lại giới hạn đối tượng mua.
"Tuy nhiên, chắc chắn chính sách kinh doanh của Vinafood 2 rồi đây sẽ thay đổi theo hướng sòng phẳng và đúng nghĩa hơn bởi nó có sự tham gia đóng góp của các cổ đông ngoài Nhà nước. Do ảnh hưởng tới quyền lợi, lợi nhuận của các cổ đông nên mọi phương án kinh doanh của Vinafood 2 phải được cân nhắc kỹ càng hơn chứ không phải chỉ nhắm vào những mục tiêu khác nữa. Nhiều khi, vì mục tiêu chính trị, Vinafood 2 phải hy sinh lợi nhuận, đặc biệt là đối với mấy thị trường mục tiêu", ông Đệ cho biết.
Không liên quan đến thị phần xuất khẩu
Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại và Phó trưởng khoa Phát triển Nông thôn, Đại học Cần Thơ đều khẳng định, việc cổ phần hóa Vinafood 2 không liên quan đến việc các doanh nghiệp tư nhân có chen chân được vào thị phần xuất khẩu gạo của Vinafood 2 hay không.
Theo đó, PGS.TS Nguyễn Văn Nam cho biết, quyền xuất khẩu gạo của các doanh nghiệp được quy định trong nghị định 109/2010/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo, trong đó có những yêu cầu về vốn liếng, lời lãi, kho chứa...
Còn PGS.TS Nguyễn Ngọc Đệ đánh giá: "Vinafood 2 có còn độc quyền xuất khẩu gạo nữa hay không là do Nhà nước giao cho đơn vị này quyền hạn tới mức nào thôi. Nó phụ thuộc vào chính sách vĩ mô của Nhà nước".
Ông Đệ cho rằng, khó khăn lớn nhất của Vinafood 2 khi cổ phần hóa chính là vùng nguyên liệu. Từ trước tới nay, theo phân công của Nhà nước, Vinafood 2 phụ trách miền Nam, Vinafood 1 phụ trách miền Bắc. Tuy nhiên, Vinafood 1 không có nguyên liệu nên phải vào ĐBSCL mua gạo. Khi cổ phần hóa, Vinafood 2 sẽ phải cạnh tranh vùng nguyên liệu với Vinafood 1, nhất là khi ảnh hưởng của Nhà nước giảm đi thì ai làm tốt hơn, có chiến lược kinh doanh tốt hơn sẽ thắng.
Theo chỉ đạo, đến hết năm 2015 Vinafood 2 phải hoàn thành cổ phần hóa trong bối cảnh nhiều công ty con của doanh nghiệp này đang bị thua lỗ nặng. Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Đệ nếu làm gấp, Vinafood 2 vẫn có thể cán đích đúng thời gian bởi họ có thuận lợi là các doanh nghiệp tư nhân trước giờ bị hai tổng công ty lương thực "đè" cả về vốn lẫn ưu đãi, sẽ bỏ vốn ra mua lại mấy công ty con của Vinafood 2 để có thể tham gia thị trường cạnh tranh với nhiều thế mạnh hơn.