Ông đánh giá thế nào về tiến trình cổ phần hóa (CPH) trong năm 2014?
Đánh giá tổng quan về CPH DNNN trong năm vừa qua, con số DN được CPH cho thấy sự thành công nhất định. Kết quả này được thị trường đón nhận tích cực, vì có một số mặt hàng tương đối chất lượng như Vietnam Airlines, Vinatex, Sasco...
Xu hướng chung là rất nhiều quỹ đầu tư đã tham gia đấu giá, rất nhiều nhóm NĐT tham gia đầu tư, tăng tỷ lệ sở hữu trên sàn. Thậm chí, Nhà nước bán được giá rất cao. Ví dụ như Sasco IPO với giá trúng rất cao, 19.000 đồng/cổ phiếu trong khi giá khởi điểm là 12.000 đồng/cổ phiếu; hoặc đạm Cà Mau IPO bán hết, số lượng đặt hàng cao hơn số lượng đấu giá… Đó là những thành công.
Còn với Vietnam Airlines, phải chăng lượng bán ít nên thành công dễ dàng như một số ý kiến, thưa ông?
Về trường hợp Vietnam Airlines, chúng tôi đánh giá IPO vừa qua là thành công. Thực ra, hiện Nhà nước vẫn đang quy định sở hữu NĐT nước ngoài không quá tỷ lệ chi phối, vì vậy việc đưa ra bán cổ phần lần đầu ít hay nhiều không phải yếu tố quá quan trọng trong việc thành công của đợt IPO. Vì theo tôi, yếu tố quyết định thành công hay không là món hàng đưa ra chất lượng như thế nào, mức giá có tương xứng với chất lượng, còn tỷ lệ ít hay nhiều không quyết định tới việc khách hàng tham gia.
Ví dụ như sợi Thế Kỷ vừa rồi khối lượng đưa ra 11,8% nhưng bán hết và giá cao hơn giá khởi điểm tương đối nhiều… Được sự quan tâm của các NĐT, tổ chức, nên tỷ lệ sở hữu không phải là yếu tố quá quyết định. Vietnam Airlines cũng vậy, mức giá khởi điểm hơn 22.000 đồng/cổ phiếu mà giá đặt mua cao nhất lên tới hơn 33.000 đồng/cổ phiếu, rõ ràng NĐT đánh giá đây là cổ phiếu có triển vọng.
Chất lượng hàng hóa và tiềm năng của DN vẫn là điều cơ bản để NĐT đánh giá
Kịch bản sang năm CPH mạnh hơn và giả sử nới tỷ lệ sở hữu của NĐT nước ngoài cao hơn thì sự quan tâm của NĐT như thế nào?
Theo nhận định của chúng tôi, các đợt IPO tiếp theo vẫn sẽ được hỗ trợ bởi chính sách tiền tệ và sự ổn định của TTCK. Thế nên, việc Nhà nước đẩy mạnh IPO cũng là quyết định hợp lý ở thời điểm hiện tại. Còn nhận định về việc các NĐT có hào hứng hay không thì theo tôi nghĩ nó vẫn phải phụ thuộc chất lượng DN đưa ra đấu giá.
Về câu chuyện NĐT nước ngoài, họ vẫn chờ đợi mặt hàng có chất lượng cao để hấp thụ lượng vốn lớn. Cụ thể là họ chờ đợi để tham gia vào những ngành nghề có tính chất quyết định, ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế, như MobiFone, hay các công ty lớn khác. Còn đương nhiên về khối lượng, nếu đưa ra thị trường nhiều quá cũng đòi hỏi sức cầu tăng tương ứng thì giá mới tốt, chứ nếu cung nhiều quá mà cầu không có những biện pháp hỗ trợ, ví dụ TTCK có cú sốc thì mức giá khó tốt như trong năm 2014.
Năm 2015, lượng cung tăng nhiều hơn, đòi hỏi những mặt hàng chất lượng hơn nữa. Nếu không, nó sẽ chỉ dừng lại ở việc tư hữu hoá, những người chơi đã ở sẵn trong DN rồi họ tham gia mua nốt cổ phần, còn các mặt hàng chất lượng thì NĐT vẫn chờ đợi Nhà nước đưa ra.
Theo ông, còn rào cản nào nữa?
Theo tôi, rào cản lớn nhất của việc mua hay không vẫn là quay lại chất lượng hàng hoá, tiềm năng phát triển của DN. Còn về pháp lý, các điều kiện pháp lý hiện nay cũng đã đầy đủ, chỉ còn vướng mắc về sở hữu của NĐT nước ngoài, lộ trình nới room lùi sang năm 2015. Nốt cái đó nữa thì các điều kiện cho CPH có thể xem là đầy đủ.
Ông Phạm Lưu Hưng, Phó giám đốc Bộ phận Phân tích & Tư vấn Khách hàng tổ chức, CTCP Chứng khoán Sài Gòn - SSI: Hạn chế lớn nhất vẫn là thiếu thông tin Chuyển biến rõ nét nhất của quá trình CPH DNNN trong năm 2014 là việc đã có nhiều DN lớn như Vietnam Airlines, Vinatex, Vocarimex, Cảng Hải Phòng, Viglacera, Đạm Cà Mau… tiến hành IPO. Dù tỷ lệ bán được có khác nhau, nhưng điều này cũng thể hiện quyết tâm lớn từ phía Chính phủ. Các DNNN này đều có những vị thế quan trọng nhất định trong nền kinh tế và thu hút được sự quan tâm từ phía NĐT. Về mặt hạn chế, chúng tôi cho rằng hạn chế lớn nhất vẫn là việc thiếu thông tin cụ thể đến các NĐT, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài. Một số IPO có thời gian đăng ký gấp gáp, không đủ thời gian để các NĐT tổ chức có thể tham gia, do quy trình đầu tư của họ cần nhiều thời gian và thủ tục. Dù có ý kiến cho rằng số cổ phiếu lên sàn chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ, như Vietnam Airlines chẳng hạn, song theo chúng tôi lượng cổ phiếu bán ra trong IPO không phải là số lượng nhỏ. Tất nhiên vẫn có những NĐT muốn mua chi phối, tuy nhiên lượng cổ phiếu bán ra vẫn phải tuân thủ theo quy định về sắp xếp các DNNN của Thủ tướng Chính phủ. Theo chúng tôi, yếu tố quan trọng với mọi cổ phiếu niêm yết, không chỉ với DNNN, liên quan đến sự minh bạch trong công bố thông tin, quản trị DN, chất lượng và triển vọng phát triển DN… chứ không hoàn toàn là việc tỷ lệ cổ phần mang ra đấu giá lớn hay nhỏ. Trong năm tới, CPH tiếp tục đẩy nhanh, sự quan tâm của NĐT lớn sẽ tăng lên, đặc biệt đối với các NĐT hoạt động cùng ngành với DN IPO. Trường hợp lượng hàng cung ứng ra nhiều, chúng tôi nghĩ câu chuyện cung cầu sẽ luôn được xử lý bằng giá cả. Một mức giá hợp lý sẽ giúp cho quá trình CPH thành công. |