Có doanh nghiệp tranh mua cổ phần khi vừa mở bán
Theo Bộ trưởng Giao thông vận tải Đinh La Thăng, năm 2014 Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã CPH được 48 DN. Quý I/2015, 24 DN đã cơ bản xác định giá trị DN, thành lập Ban chỉ đạo CPH tại 28 DN… Bộ GTVT cũng đã xây dựng phương án thoái vốn ở 2 tổng công ty là Cenco 1 và Cenco 4 và đang trình CP xem xét thoái vốn Nhà nước còn lại tại 8 tổng công ty.
9 tháng cuối năm, dự kiến bộ này sẽ CPH 100% số DNNN còn lại mà Nhà nước không cần giữ vốn. Theo ông Thăng, hết năm 2015, chỉ còn 16 DNNN trong lĩnh vực công ích, gồm bảo đảm hàng hải, quản lý bay, đường sắt… Nhiệm vụ nặng nề, nhưng bộ này sẽ thoái hết vốn Nhà nước tại các tổng công ty mạnh, DN lớn.
Bộ trưởng Đinh La Thăng: Sau CPH, người có tài thì vẫn đảm bảo vị trí công việc, không có tài thì chịu làm việc khác thôi |
“Hiện phương án xin thoái 80% vốn Nhà nước tại cảng Hải Phòng, cảng Sài Gòn, Bộ GTVT đã trình Thủ tướng Chính phủ và rất mong sẽ được sớm phê duyệt”- Bộ trưởng Thăng “sốt ruột” trước việc thoái vốn tại 2 cảng lớn nhất nước này.
Nói về tình hình CPH tại các đơn vị thuộc ngành giao thông, Bộ trưởng Thăng hồ hởi, “tình hình sản xuất kinh doanh của DN đã tốt hơn nhiều sau CPH. Đặc biệt, tại những DN trước đây luôn diễn kiện cáo, nhưng sau CPH cứ mồng 10 hàng tháng là trả lương cho người lao động, hiện tượng kiện cáo này đã không còn.
Hay như tại một số đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc ngành giao thông như Bệnh viện GTVT, trước khi quyết định bán cổ phần, từ lãnh đạo tới cán bộ nhân viên ai nấy đều lo lắng, tâm tư “liệu cổ phần bán ra có ai mua?”, rồi lương sau khi bệnh viện CPH sẽ giảm đi… Vậy nhưng thực tế lại diễn ra ngược lại.
“Khi vừa có thông báo bán cổ phần đã tranh nhau đăng ký mua. Không những thế đã có những cam kết đưa ra, sau khi CPH lương cán bộ nhân viên ở đây từ hộ lý tới Giám đốc sẽ tăng gấp đôi, bình quân mức 20 triệu đồng/tháng. Trước đó thì từ Giám đốc, Phó giám đốc chỉ số mất chức thôi, bây giờ thì yên tâm. Người có tài thì vẫn đảm bảo vị trí công việc, không có tài thì chịu làm việc khác thôi”- Bộ trưởng Thăng chia sẻ.
Khẳng định quyết tâm CPH các đơn vị sự nghiệp công lập trong ngành giao thông như y tế, giáo dục, trường học… Bộ trưởng Thăng bình luận, “chỉ CPH quyết liệt các đơn vị trên mới giảm được biên chế, nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm tiêu cực…”.
Nhà đầu tư muốn mua trọn lô, 51% cổ phần Nhà nước
Tuy đang rốt ráo thúc đẩy quá trình CPH các DN, nhưng vị “tư lệnh” ngành giao thông cũng “kêu” về những vướng mắc khiến việc CPH đang diễn ra chậm hơn dự tính. Ông nhấn mạnh tới quy chế, quy định về việc bán trọn lô cổ phần cho nhà đầu tư hiện vẫn chưa rõ ràng.
“Với các DN lớn bán cổ phần lẻ tẻ thì sẽ rất lâu mới hoàn thành CPH, nên bán theo trọn lô cổ phần cho nhà đầu tư, như thế vừa lựa chọn được nhà đầu tư lớn có tầm vào DN, vừa đẩy nhanh việc CPH”- Bộ trưởng Thăng bày tỏ.
Ngành giao thông muốn thoái 80% vốn Nhà nước tại cảng Hải Phòng |
Bộ trưởng mạnh dạn đề nghị Chính phủ cho phép Bộ GTVT chủ động đàm phán và lựa chọn nhà đầu tư để bán trọn lô cổ phần cho nhà đầu tư và bán trọn lô 100% cổ phần Nhà nước tại Tổng công ty Công nghiệp ô tô Việt Nam, Cienco 5, Cienco 6…. theo các tiêu chí về vốn, năng lực, kinh nghiệm… Và cũng không quên “thúc giục” các bộ, ngành liên quan sớm hoàn hiện quy định về bán trọn lô cổ phần cho nhà đầu tư.
Thậm chí DN còn vướng cơ chế khi nhà đầu tư muốn mua nhiều hơn số cổ phần được cho phép, tới 51% cổ phần, nhưng theo luật quy định lại chỉ được mua 49% là tối đa. Ông Lê Minh Chuẩn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam dẫn chứng: “Hiện nay có những đơn vị báo bán 49% nhưng khách hàng yêu cầu phải bán cao hơn, đòi mua 51%”. Theo ông Chuẩn, Nhà nước cần phải "mở" hơn, nếu không để nhà đầu tư tham gia quản trị, việc cổ phần hóa sẽ rất chậm.
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng nói thẳng, CPH mà chỉ bán vài phần trăm vốn Nhà nước thì chỉ mất thời gian, không hiệu quả. Nên bán trên 51%, thậm chí cả 100% với những đơn vị không cần nắm cổ phần nào hết của Nhà nước.
Về quan điểm bán trọn lô cổ phần cho nhà đầu tư, ông Vũ Bằng – Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng, bán trọn lô rất quan trọng để tạo được sự thay đổi trong quản trị DN. “Các bộ nên thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm để đánh giá và ban hành quy chế đấu giá trọn lô mẫu” – ông Bằng nói.
Ngoài ra, điều mà nhà đầu tư đang quan tâm, theo ông Bằng, là họ cần lịch biểu rõ ràng hơn nữa để chủ động lựa chọn, nên công bố thông tin sớm hơn nhiều thì thu hút vốn tốt hơn.
Cùng với đó cần thể chế hóa, buộc các DNNN gắn đấu giá với giao dịch niêm yết trên thị trường chứng khoán để dễ dàng chuyển nhượng. Chứ lâu nay vẫn tồn tại tình trạng, DN đấu giá xong riết rồi mới đưa lên sàn giao dịch thì đọng vốn. Vì thế, cũng cần có chế tài xử lý đối với DN CPH xong nhưng thờ ơ, không niêm yết giao dịch trên sàn chứng khoán.