Cải thiện công tác quản trị của doanh nghiệp sau CPH là một trong những yếu tố quan trọng Không nên chạy theo tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước bằng mọi giá mà cần tập trung vào tái cơ cấu doanh nghiệp. Đó là đề nghị của TS. Trần Tiến Cường trong kiến nghị gửi tới Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Lo nếu ép tiến độ TS. Trần Tiến Cường vốn là Trưởng ban Đổi mới doanh nghiệp của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương trước khi về hưu, là người chắp bút cho rất nhiều văn bản liên quan đến doanh nghiệp nhà nước, từ hàng chục năm trước. Hiện tại, ông đang là chuyên gia tư vấn về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Bởi vậy, việc ông Cường lên tiếng lo ngại về sức ép tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước mà khoảng 260 trong số 289 doanh nghiệp trong danh sách cổ phần hóa của năm 2015 đang phải gánh trong khoảng thời gian còn lại của năm 2015 là điều đáng để lưu tâm. Nếu nhìn vào kết quả cổ phần hóa những năm trước, lo ngại này hoàn toàn có lý. Ba năm 2011-2013 mới cổ phần hóa được 99 doanh nghiệp. Năm 2014, với hàng loạt các chính sách , giải pháp thúc ép mới chỉ có thêm được 143 doanh nghiệp hoàn tất quá trình cổ phần hóa. Riêng quý 1/2015 cũng mới thực hiện đấu giá cổ phần lần đầu (IPO) gần 30 doanh nghiệp. Điểm thuận của năm 2015 là hầu hết doanh nghiệp trong danh sách trên đều đã vào thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp. Nhiều liệu pháp mạnh như gắn trách nhiệm của lãnh đạo với tiến độ cổ phần hóa, cho phép bán cổ phần trọn lô… đã và đang được đưa ra. Đặc biệt, danh sách 81 doanh nghiệp đã xác định xong giá trị doanh nghiệp cũng như các thông tin liên quan cũng đang được Bộ Tài chính hứa là sẽ công khai để thu hút sự quan tâm của giới đầu tư, nhất là các nhà đầu tư chiến lược. Nhưng ông Cường vẫn không khỏi lo lắng. "Thách thức kép là vừa phải hoàn thành tiến độ và kế hoạch, vừa phải đảm bảo chất lượng. Mà nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến chất lượng cổ phần hóa là tạo ra động lực nhờ đổi mới quản trị doanh nghiệp và sự đột phá do có sự tham gia của cổ đông chiến lược. Tôi chưa nhìn thấy rõ nhân tố và sự đột phá này", ông Cường lý giải.
Đặc biệt với các doanh nghiệp trong danh sách cổ phần hóa gần đây và sắp tới là những doanh nghiệp quy mô lớn, các tổng công ty, tập đoàn với tổ chức, bộ máy phức tạp hơn, cần nhiều thời gian hơn cho quá trình sắp xếp, tái cơ cấu đi liền với cổ phần hóa. Các doanh nghiệp này sẽ phải sắp xếp lại sản xuất, tái cơ cấu ngành nghề kinh doanh, thoái vốn đầu tư ngoài ngành kinh doanh chính, cơ cấu lại tổ chức, bộ máy…"Cũng không tránh khỏi trường hợp các doanh nghiệp quy mô lớn có thể cần phải xử lý các vấn đề để gia tăng giá trị doanh nghiệp trước khi cổ phần hóa như tái cơ cấu và lành mạnh hóa tài chính . Việc này không thể làm nhanh được", ông Cường nói. Áp lực nhà đầu tư chiến lược Lượng cổ phần chào bán bị ế tới 99% của Công ty mẹ - Công ty TNHH MTV Tổng công ty Điện lực - Vinacomin thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam trong đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng giữa tháng 4 vừa rồi không phải là trường hợp cá biệt. Việc có tới 258/259 nhà đầu tư cá nhân trúng thầu, không có cổ đông chiến lược trong đợt IPO này cũng vậy, không phải cá biệt. Ông Đặng Đức Long, Vụ trưởng Vụ Đổi mới doanh nghiệp (Bộ Xây dựng) gọi tình trạng doanh nghiệp cổ phần hóa với 98% vốn nhà nước, 2% vốn góp của người lao động trong doanh nghiệp là "công ty cổ phần nhưng không đại chúng". "Nhiều doanh nghiệp cổ phần của ngành xây dựng rơi vào tình trạng này", ông Long thừa nhận. Đương nhiên, với các doanh nghiệp cổ phần dạng này, tỷ lệ vốn nhà nước trong doanh nghiệp sau cổ phần hóa còn rất lớn, nên dù không muốn, cổ đông nhà nước sẽ có quyền chi phối. Nhưng, quyền lực và đặc điểm chi phối của cổ đông nhà nước tự nó đã ngăn cản sự tham gia của cổ đông chiến lược. Khi nhà đầu tư chiến lược nhận thấy họ không có vị trí, không có tiếng nói tại doanh nghiệp họ đầu tư thì họ khó có thể tham gia để chia sẻ ý tưởng , phương pháp quản trị, hoạt động đầu tư, công nghệ… để tạo ra những thay đổi mang tầm chiến lược đối với doanh nghiệp. "Thậm chí, lại có tình trạng các doanh nghiệp gần như của nhà nước này thua lỗ mà lương của ban điều hành cứ tăng vùn vụt. Hỏi thì đại hội đồng cổ đông nhất trí rồi", ông Long chia sẻ. Đối với những doanh nghiệp này, rất khó tìm kiếm cổ đông chiến lược để thay thế vai trò thụ động của cổ đông nhà nước nếu không có những cách tiếp cận mới. Đây là lý do ông Cường cho rằng, cần xác định cổ phần hóa không phải chỉ để chuyển doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần, kết thúc ở việc đăng ký là doanh nghiệp cổ phần mà là một quá trình. "Cổ phần hóa vẫn còn tiếp diễn sau khi doanh nghiệp đã chuyển sang mô hình công ty cổ phần, bao gồm cả thoái vốn nhà nước, cải thiện quản trị doanh nghiệp, hiện đại hóa công ty cổ phần. Dựa trên quan điểm phát triển doanh nghiệp, mục tiêu cổ phần hóa là để thực hiện chế độ công ty ở doanh nghiệp sau cổ phần hóa", ông Cường khẳng định và cho rằng, cần có sự quan tâm đúng mức đến các doanh nghiệp sau cổ phần hóa và quản trị doanh nghiệp của các doanh nghiệp này. Hiện nay, có rất ít văn bản hướng dẫn và chỉ đạo triển khai, cũng như rất ít nỗ lực thực hiện nhằm cải thiện quản trị doanh nghiệp tại các doanh nghiệp có cổ phần chi phối hay kiểm soát của Nhà nước ở giai đoạn sau cổ phần hóa. |