Nhận định này đã phản ánh thực tế khó khăn tại nhiều DN, nhất là các tổng công ty (TCT), tập đoàn khi phải gấp rút thực hiện CPH trong năm 2015.
Xử lý tồn tại tài chính: Điệp khúc… chờ
Thực tế cho thấy, việc xử lý tồn tại và làm lành mạnh hóa tình hình tài chính của DN trước khi CPH là một bước quan trọng. Do tính chất phức tạp, việc này thường mất nhiều thời gian, đồng thời với cơ chế trách nhiệm tập thể, mọi vấn đề liên quan đến xử lý nợ, thoái vốn Nhà nước còn phụ thuộc vào thị trường không hề dễ dàng. Việc cơ quan quản lý liên tục có hàng loạt thông tư nhằm bổ sung hoàn thiện các quy định liên quan đến vấn đề này đã cho thấy điều đó, chẳng hạn như các Thông tư số 76/2002/TT-BTC, 126/2004/TT-BTC, 146/2007/TT-BTC…
Tổng kết 10 năm đổi mới DN Nhà nước (DNNN) vào năm 2011, theo báo cáo của Chính phủ, các DN đã được xử lý xóa nợ ngân hàng, nợ ngân sách Nhà nước 1.500 tỷ đồng; xử lý nợ phải thu khó đòi 6.679 tỷ đồng, các khoản giảm trừ vào vốn Nhà nước (ưu đãi cho người lao động, xử lý lỗ…) là 7.432 tỷ đồng… Tuy nhiên, đó là thời điểm các DNNN CPH đa phần thuộc diện quy mô nhỏ, chưa có tình trạng DN đầu tư ngoài ngành tràn lan kéo theo công nợ lớn. Nhìn vào danh sách những tập đoàn, TCT thuộc diện CPH năm 2015, có không ít DN đang chịu áp lực lớn về tái cơ cấu trước khi CPH. Đơn cử trường hợp TCT Sông Đà, tổng nhu cầu vốn để thực hiện tái cấu trúc tài chính toàn TCT theo tính toán sơ bộ lên tới gần 5.000 tỷ đồng, trong đó riêng tái cơ cấu các khoản nợ vay chiếm gần một nửa. Và nếu không thực hiện xong các phần việc trên, Sông Đà khó có thể thực hiện CPH.
Định giá: Căng thẳng và kéo dài
Một trong những vấn đề các DN e ngại nhất là định giá DN. Với các DN quy mô nhỏ, sau khi thuê tư vấn độc lập để định giá, công việc không quá phức tạp. Tuy nhiên, với tập đoàn, TCT có tài sản lớn, đang gặp không ít khó khăn. Một cán bộ thành viên Ban Chỉ đạo CPH TCT Xây dựng và Phát triển Hạ tầng (Licogi) cho hay, TCT có nhiều đơn vị thành viên (gần 15 DN), tài sản, dự án trên khắp cả nước nên quá trình định giá DN mất thời gian và kéo dài. Đơn cử, chỉ tính riêng các dự án cần xác định thủ tục, giấy phép liên quan đến đất đai, sau khi kiểm kê xong, DN phải chờ xin ý kiến chính quyền các địa phương về phần tài sản khi định giá đất DN sau CPH.
Việc xác định giá trị tài sản đầu tư tài chính cũng là khâu phức tạp không kém. Với các DN, công ty con đã lên sàn, giá cổ phiếu sẽ là căn cứ để tính giá trị. Tuy nhiên, với những DN chưa lên sàn, việc này vẫn khá lúng túng. Nếu lấy theo giá trị sổ sách, có những DN thực lực cao hơn hẳn DN đang niêm yết trên sàn, nhưng giá lại chỉ bằng 20 - 25%. Chính vì sự khập khiễng này nên có trường hợp TCT đưa định giá DN lên bộ chủ quản, Bộ rất e ngại và không dám thông qua.
Việc xác định giá trị tài sản vô hình như thương hiệu hay lợi thế kinh doanh hiện cũng chưa có hướng dẫn cụ thể. Chính vì vậy, theo lãnh đạo một DNNN, tại công ty này, người ta cộng hết chi phí đi công tác nước ngoài, chi phí tiếp khách… vào lợi thế kinh doanh! Ở một số DN được coi là "nhạy cảm", tức là có quyền sử dụng đất ở nhiều vị trí đắc địa tại các TP lớn, Nhà nước có thể loại một số khu đất ra khỏi định giá DN và yêu cầu bàn giao về cho đơn vị chủ quản trước CPH. Song có những DN được tính giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị DN lại bị đẩy lên quá cao khiến giá cổ phần của DN không hấp dẫn nhà đầu tư (NĐT) và thiếu căn cứ để thuyết phục NĐT.
Có DN lại gặp phải tình trạng, tài sản công nợ loại ra khỏi giá trị DN sau khi ký biên bản bàn giao trên sổ sách cho Công ty Mua bán nợ, nhưng chưa tiếp nhận thực tế. Do vậy, DN vẫn tiếp tục phải quản lý, phát sinh chi phí và không giải phóng được mặt bằng cho sản xuất, kinh doanh.
Hậu cổ phần hóa: Nhiều băn khoăn
Do những khó khăn, tồn tại trong công tác xử lý tài chính như đã đề cập, nhiều DN đã chuyển đổi thành công ty cổ phần (CTCP) được 2 - 3 năm nhưng vẫn chưa hoàn tất công tác quyết toán tại thời điểm được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh để chính thức bàn giao sang CTCP - thủ tục quan trọng để DN có thể thực hiện niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán tập trung. Để việc bàn giao vốn diễn ra suôn sẻ, theo ông Ninh Văn Quỳnh - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), ý thức về việc làm sạch các vấn đề tài chính phải có ngay từ khi DN bắt đầu triển khai CPH. Tuy nhiên, điều này cũng không đơn giản, cũng giống như việc bàn giao vốn tại những đơn vị có tình hình tài chính, công nợ phức tạp. Chẳng hạn như các TCT xây dựng công trình giao thông (Cienco) của Bộ GTVT, tuy đã chuyển sang hoạt động theo hình thức CTCP được hơn nửa năm nhưng hiện vẫn đang trong quá trình thực hiện các thủ tục, chưa thể bàn giao vốn cho CTCP.
Một vấn đề khiến thị trường cũng như cơ quan quản lý quan ngại là quản trị DNNN sau CPH không có bước tiến đáng kể. Đây là một điểm yếu mà Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh nêu ra trong Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII. Phương thức hoạt động, quản lý của các đơn vị mà Nhà nước giữ cổ phần chi phối về cơ bản vẫn chưa được đổi mới, vẫn hành xử theo cơ chế cũ của DNNN trước đây và có lúc đã làm ảnh hưởng đến niềm tin của NĐT. Thành viên HĐQT các DN ngành dầu khí đang niêm yết trên thị trường chứng khoán đa phần là người do PVN đề cử là một ví dụ.
Việc lạm dụng mệnh lệnh hành chính của các công ty mẹ vào các công ty con trực thuộc tập đoàn, TCT cũng là một nguyên nhân gây mất lòng tin của các NĐT vào các DN cổ phần đã niêm yết, và việc này tạo hiệu ứng xấu ảnh hưởng tới những DN khác.