Tại Hội nghị phổ biến một số chính sách về thoái vốn, bán cổ phần của DNNN do Bộ Tài chính phối hợp với Ủy ban Chứng khoán và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội đã tổ chức ngày 9/10, số liệu cho thấy đã có 92 DNNN được sắp xếp trong 9 tháng đầu năm 2014, trong đó có 71 doanh nghiệp được cổ phần hóa.
|
Con số trên thể hiện sự tăng tốc mạnh trong quý 3/2014, vì trong 6 tháng đầu năm nay mới chỉ có 31 DNNN hoàn thành việc chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO).
Sự tăng tốc đó còn thể hiện khi so sánh với các năm trước, khi quá trình cổ phần hóa có vẻ diễn ra một cách thụ động. Năm 2011 cổ phần hóa được 12 doanh nghiệp nhà nước, năm 2012 được 13 doanh nghiệp và năm 2013 được 74 doanh nghiệp - tổng cộng 99 DNNN được cổ phần hóa trong 3 năm.
Như vậy, số doanh nghiệp được cổ phần hóa trong 9 tháng đầu năm nay đã xấp xỉ bằng số doanh nghiệp được cổ phần hóa trong cả năm 2013.
Theo kế hoạch, Việt Nam sẽ thực hiện cổ phần hóa tới 432 doanh nghiệp chỉ riêng trong 2 năm 2014-2015, phản ánh quyết tâm cao của Chính phủ trong việc thực hiện mục tiêu tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước.
Xu thế cổ phần hóa sẽ mạnh mẽ hơn
Trao đổi với phóng viên NDH.VN bên lề cuộc hội thảo “Gateway to Vietnam” do CTCP Chứng khoán Sài Gòn tổ chức gần đây, Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực nhận định tiến trình cổ phần hóa giờ đây bắt đầu sẽ mạnh hơn.
Ông giải thích rằng trước đây chúng ta cũng có yêu cầu các doanh nghiệp trong vòng 1 năm IPO phải niêm yết, nhưng nhiều doanh nghiệp chưa thực hiện đầy đủ, nghiêm túc.
Thứ nữa là thị trường chứng khoán thời đó nó rất xấu. Năm ngoái thị trường vẫn chưa khởi sắc nên các doanh nghiệp chưa muốn niêm yết. Nhưng năm nay thị trường đã khả quan hơn, với việc chỉ số VN-Index đã tăng trên 20%, nên nhiều doanh nghiệp đang quan tâm đến niêm yết hơn.
Một yếu tố nữa là Chính phủ bây giờ bắt buộc các doanh nghiệp phải niêm yết, để tạo sự minh bạch, để có thể huy động vốn từ công chúng, nên xu thế cổ phần hóa sắp tới sẽ mạnh mẽ hơn.
Nguyên nhân cổ phần hóa chậm
Lý giải cho việc tiến trình cổ phần hóa diễn ra chậm trước đây, TS. Cấn Văn Lực cho rằng mặc dù cơ chế, chính sách đến thời điểm hiện nay đã khá đầy đủ, nhưng cơ bản việc thực hiện ở dưới vẫn còn lúng túng và chưa thực sự mạnh mẽ.
“Chủ doanh nghiệp nhiều khi chưa quyết tâm, sự đồng thuận của cán bộ công nhân viên tại tổ chức đó chưa cao, các bộ ngành chủ quản chưa chỉ đạo quyết liệt, nên có bộ cổ phần hóa rất nhanh như Bộ Giao thông Vận tải, nhưng có bộ cổ phần hóa rất chậm,” ông giải thích.
“Tôi nghĩ là thời gian tới theo chỉ đạo của Chính phủ thì lộ trình cổ phần hóa sẽ được đẩy nhanh hơn,” ông nói, bổ sung thêm rằng các chỉ tiêu, lộ trình, chế tài đều đã có rồi.
Còn theo giải thích của ông Sandeep Mahajan, chuyên gia kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam, thì trong 1-2 năm qua, do niềm tin của khu vực tư nhân trên toàn thế giới, trong đó có cả Việt Nam, bị xuống thấp, nên nhu cầu mua cổ phần ở các doanh nghiệp không được cao lắm.
Ông cho rằng việc tái cấu trúc các DNNN (và các ngân hàng) chưa bao giờ là một quy trình dễ dàng.
“Nó là quy trình phức tạp, đòi hỏi phải có luật, có chính sách được ban hành, và đòi hỏi phải có 1 thị trường mạnh để các doanh nghiệp có thể bán được cổ phần khi đưa ra thị trường,” ông Sandeep nói khi trả lời câu hỏi của phóng viên NDH.VN bên lề sự kiện công bố báo cáo Cập nhật Kinh tế Khu vực Đông Á-Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 6/10 vừa qua.
Ông khuyến nghị Chính phủ cần cải thiện hơn nữa về mặt thông tin, như đưa ra các thông tin về doanh nghiệp được cổ phần hóa, những thông tin về khu vực ngân hàng, tình hình về tài chính, về kiểm toán…
“Đây là những yếu tố quan trọng nhà đầu tư muốn xem xét khi khi cân nhắc mua cổ phần ở các doanh nghiệp. Họ cần thấy được được thông tin về tình hình tài chính, hiệu quả hoạt động của các công ty và các ngân hàng mà họ đang định mua cổ phần.”
Do đó, vị chuyên gia này cho rằng Chính phủ Việt Nam cần phải cải thiện hơn nữa về mặt chính sách để tạo thông tin tốt hơn.