Ảnh TTXVN
Sự “thiếu chuyên nghiệp” ấy được Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) Đặng Quyết Tiến nhắc tới không chỉ một lần trong những trải lòng với báo chí ngày đầu năm 2015, thời điểm hạn chót cho tiến độ cổ phần hoá 432 doanh nghiệp đã cận kề.
- Mặc dù đã tăng tốc khá nhanh trong năm 2014 nhưng tiến độ cổ phần hoá hết 432 doanh nghiệp trong năm 2015 vẫn đang bị coi là "dồn toa." Ông đánh giá sao về vấn đề này?
Ông Đặng Quyết Tiến:Thực tế, năm 2014, kết quả tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, đặc biệt là cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước đã có chuyển biến vượt bậc so với những năm gần đây. Theo báo cáo, chúng ta đã sắp xếp 167 doanh nghiệp, tăng gấp 1,65 lần năm 2013; trong đó, cổ phần hóa 143 doanh nghiệp, tăng gấp gần 2 lần năm 2013.
Theo tôi, trong một năm đạt được kết quả như trên là tích cực nhưng cả giai đoạn thì chưa đảm bảo và trong số 432 doanh nghiệp phải cả phần hoá thì vẫn còn trên 200 doanh nghiệp phải làm xong trong năm nay.
Điều hạn chế ở đây là các doanh nghiệp chưa chủ động trong việc phối hợp ban chỉ đạo và các bộ chuyên ngành để xử lý các vấn đề tồn tại trước khi cổ phần hoá. Ngoài ra, nhiều đơn vị cũng chưa chủ động xây dựng hình ảnh, tiến hành tổ chức giới thiệu đề án cổ phần hoá để kêu gọi nhà đầu tư. Điều này dẫn tới quá trình chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) thời gian qua mới tập trung nhà đầu tư trong nước mà chưa có nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.
Thậm chí, nhiều nhà đầu tư nước ngoài thông qua các tổ chức quốc tế và các diễn đàn, hiệp hội ở Mỹ, châu Âu muốn tham dự qua trình cổ phần hoá trong nước nhưng thông tin không có. Điều này liên quan tới việc doanh nghiệp ta khi tiến hành cổ phần hoá công bố thông tin ra sao để họ tiếp cận chậm. Hạn chế của chúng ta là các đơn vị tư vấn cũng như doanh nghiệp triển khai thiếu chuyên nghiệp và chưa thực sự theo thị trường.
Rõ ràng, cơ hội thì có nhưng hấp dẫn được đối tác hay không phải do người bán tạo ra nữa chứ không phải do ngành nghề. IPO các doanh nghiệp thuộc ngành nghề lớn mà người ta chưa tới hợp tác vì mình chưa thực sự minh bạch và mở lòng.
- Vậy mục tiêu cổ phần hoá hết 432 doanh nghiệp vào năm nay liệu có khả thi, thưa ông?
Ông Đặng Quyết Tiến:Đây là kế hoạch phải làm và không phải Đảng và Chính phủ mới đưa ra năm nay mà đã giao từ năm 2011. Thực tế, khi thực hiện kế hoạch này vướng trở ngại, Thủ tướng đã giao thêm giải pháp và quyết sách quyết liệt. Một trong những giải pháp đó là khi thấy cổ phần hoá chưa hiệu quả thì ta sắp xếp chuyển thành công ty cổ phần, rồi sau đó mạnh dạn mời cổ đông chiến lược, thay đổi công nghệ doanh nghiệp, minh bạch thông tin. Giải pháp này khiến tiến độ IPO nhanh hơn.
Bởi thế, năm 2015 chúng ta phải chịu áp lực lớn về số lượng nhưng giải pháp đã có, còn lại là việc tổ chức thực hiện ra sao thôi. Tôi cho rằng, quan trọng là tạo được cho người đứng đầu doanh nghiệp thấy trách nhiệm của mình và tạo ý thức cổ phần hoá. Nếu ta quyết liệt thì khó tới đâu cũng làm được.
Tôi cho rằng, IPO không phải làm bằng mọi giá mà phải có lộ trình rõ ràng. Doanh nghiệp có phương án hiệu quả rồi thì IPO và phải qua rà soát kỹ. Doanh nghiệp nào khó khăn, chưa đảm bảo IPO cho kết quả cao thì phải làm từng bước, như tôi đã nói ở trên, trước hết là chuyến sang công ty cổ phần, tìm cổ đông chiến lược rồi mới cổ phần hoá.
- Theo ông, chúng ta cần giải pháp nào quyết liệt hơn trong thời gian tới để hoàn thành kế hoạch trên?
Ông Đặng Quyết Tiến:Trong năm 2014, về khuôn khổ thể chế để tiến hành cổ phần hoá, chúng ta đã "mở" hết, nên bây giờ chỉ còn những giải pháp mang tính kỹ thuật như rút ngắn thời gian thẩm định hồ sơ, tư vấn, đưa ra quy định mang tính khuyến khích, bắt buộc, đảm bảo giá trị IPO là thật chứ không phải bong bóng.
Chúng ta phải có nhóm kỹ thuật để thẩm định xem những thông tin có minh bạch không và để thăm dò xem thị trường có mặn mà không. Nếu thị trường không mặn mà, chúng ta phải dừng lại để chuẩn bị kỹ hơn như quảng bá hình ảnh, tìm cổ đông thực sự, hay nói cách khác là phải đi "chào hàng."
Với doanh nghiệp lớn, muốn cổ phần hoá thành công thì trước hết bước chuẩn bị phải tốt, thậm chí là có thể phải dừng tiến độ IPO để mời cổ đông chiến lược để tăng giá trị của mình trước rồi mới IPO.
- Tuy nhiên, nhiều ý kiến vẫn lo ngại về việc cổ phần hoá theo "phong trào," và doanh nghiệp vẫn hoạt động kém sau quá trình trên. Giải pháp nào để giám sát các doanh nghiệp sau khi cổ phần hoá, thưa ông?
Ông Đặng Quyết Tiến:Theo tôi, sau cổ phần hoá, đa số doanh nghiệp sẽ hoạt động tốt vì đồng tiền của họ sẽ gắn với hoạt động của chính mình. Một số doanh nghiệp cổ phần hoá chạy theo phong trào, hình thức, tức là không chuẩn bị định hướng phát triển mà chỉ là "bình mới, rượu cũ" sẽ khó tránh khỏi phá sản, giải thể. Ngược lại, với những doanh nghiệp cổ phần hoá theo đúng quy trình thì tôi nghĩ rằng sẽ hoạt động tốt và đứng vững trong thị trường.
Về vấn đề này, Chính phủ cũng tập trung giải pháp để quản trị với doanh nghiệp sau khi cổ phần hoá. Theo đó, các doanh nghiệp bắt buộc phải minh bạch tài chính, công khai chiến lược phát triển, kế hoạch hoạt động hàng năm… để các cổ đông, nhà đầu tư kiểm tra, thị trường giám sát. Nếu doanh nghiệp muốn công khai được thì rõ ràng phải có bộ máy quản trị tốt, nếu không thì rất khó để làm việc này. Đó là cảnh báo cũng như thông điệp của Chính phủ.
- Xin cám ơn ông!