Có nên tiếp tục ưu đãi cho lọc dầu Dung Quất?

Sau những đề xuất liên quan đến mức thuế ưu đãi, mới đây, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất kéo dài ưu đãi cho Nhà máy lọc dầu Dung Quất đến năm 2027 thay vì năm 2018 như quy định hiện hành.

Không ưu đãi sẽ lỗ 27.600 tỷ đồng

Đó là khẳng định của đại diện PVN khi đánh giá kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của Nhà máy lọc dầu Dung Quất (được điều hành bởi Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn - BSR), sau 5 năm đi vào hoạt động. Theo báo cáo của PVN, năm 2010 khi mới đi vào vận hành, Nhà máy lọc dầu Dung Quất (Dung Quất) có lãi 119 tỷ đồng, tuy nhiên 2 năm liên tiếp sau đó nhà máy bị lỗ với các mức tương ứng là 2.959 tỷ đồng và 1.289 tỷ đồng. Mặc dù năm 2013 có lãi 2.932 tỷ đồng và năm 2014 là 149 tỷ đồng, song tính chung cả giai đoạn từ 2010 đến 2014 nhà máy vẫn lỗ 1.048 tỷ đồng.

Thừa nhận kết quả sản xuất kinh doanh của Dung Quất chịu tác động rất lớn từ cơ chế ưu đãi, PVN cho biết nếu không được ưu đãi, số lỗ của nhà máy này đã lên đến 27.600 tỉ đồng.

Cơ chế ưu đãi mà Dung Quất đang được hưởng là được giữ lại giá trị ưu đãi tương đương mức thuế NK từ 3-7% và được cấp bù trong trường hợp Nhà nước quy định thuế suất thuế NK thấp hơn mức ưu đãi và cơ chế này được kéo dài từ 7-2012 đến hết năm 2018. Trước đó Dung Quất cũng được áp dụng cơ chế giữ lại giá trị ưu đãi này nhưng không được cấp bù khi thuế NK thấp hơn mức thuế ưu đãi.

Tuy nhiên, khi liên tiếp bị lỗ vào năm 2011 (2.959 tỷ đồng) và sáu tháng năm 2012 (lỗ 2.299 tỉ đồng) do thời gian này thuế NK xăng dầu chung thấp hơn mức ưu đãi 3-7% nên Dung Quất không có nguồn để được trích lại, PVN đã kiến nghị và sau đó Chính phủ ban hành Quyết định 952/QĐ-TTg (ngày 26-7-2012) cho Dung Quất được giữ lại mức 3-7% thuế NK, trong trường hợp Nhà nước quy định thuế suất thuế NK thấp hơn mức ưu đãi, Dung Quất sẽ vẫn được cấp khoản tiền này.

Nhờ có các cơ chế ưu đãi này, năm 2010, giá trị thuế NK ưu đãi mà Dung Quất được giữ lại là 3.305 tỷ đồng. Năm 2011 là 1.836 tỷ, năm 2012 là 5.112 tỷ, cao nhất là năm 2014 với 7.189 tỷ đồng. Tổng giá trị thuế NK mà Dung Quất được giữ lại là 26.317 tỷ đồng, chưa kể khoản tiền cấp bù 235 tỷ của Nhà nước từ nửa cuối năm 2012 khi thực hiện Quyết định 952.

Mặc dù đã được hưởng ưu đãi lớn từ phía Nhà nước, tuy nhiên, trong văn bản gửi tới Chính phủ ngày 16-6 vừa qua, trên cơ sở so sánh với những lợi thế ưu đãi mà Chính phủ đang dành cho Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa), PVN đã kiến nghị Chính phủ tiếp tục cho Dung Quất kéo dài thời gian hưởng cơ chế ưu đãi cùng với Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn, theo đó thời gian được hưởng ưu đãi tiếp tục bắt đầu từ 2019 đến hết 2027.

Cần tính toán giảm dần ưu đãi

Lý giải cho việc đưa ra kiến nghị này, đại diện PVN cho rằng hiện nay Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn đang nhận được nhiều ưu đãi hơn so với Dung Quất. Cụ thể, Dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn được hỗ trợ làm hạ tầng giá trị khoảng 200 triệu USD, hỗ trợ 20% chi phí làm đê chắn sóng (không quá 10 triệu USD), được cộng vào giá bán giá trị ưu đãi từ 3 - 7% (như Dung Quất được hưởng) nhưng thời hạn được hưởng tới tận năm 2027...

Chưa kể, đến năm 2018, cơ chế ưu đãi dành cho Dung Quất sẽ kết thúc, sức cạnh tranh của Dung Quất theo đó sẽ thấp hơn so với các đơn vị trong cùng lĩnh vực, trong khi đó Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn dự kiến bắt đầu đi vào hoạt động từ 2017 và được ưu đãi đến năm 2027, điều này dẫn đến "cạnh tranh không bình đẳng".

Tuy nhiên, trước đề xuất kéo dài ưu đãi dành cho Dung Quất của PVN, có nhiều ý kiến không tán thành. Bởi Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn được hưởng ưu đãi thuế suất thuế NK 10 năm từ 2017 đến 2027, trong khi đó thực tế, tính đến 2018, Dung Quất cũng đã có gần 10 năm được hưởng các ưu đãi của Nhà nước.

Trao đổi về vấn đề này, TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho rằng: Đề nghị của PVN là hơi quá mức. Chỉ nên ưu đãi cho Dung Quất đến năm 2018 như kế hoạch, bởi "ưu đãi cho Dung Quất như thời gian qua đã là quá nhiều".

Theo TS Hồ, nên cố gắng phục hồi lại quản lý của nhà máy Dung Quất, vì dự án này chúng ta tự đầu tư nên quản trị của chúng ta không được tốt lắm so với nhà máy khác có quản trị của nước ngoài. Mấu chốt là tìm hiểu, tháo gỡ những khó khăn hiện nay của Nhà máy lọc dầu Dung Quất, từ đó quay trở lại xây dựng hệ thống quản trị mới có sức cạnh tranh, còn cứ để ưu đãi mãi, bù lỗ mãi thì Dung Quất không thể tiến lên được.

"Vấn đề đặt ra là phải xem xét lại toàn bộ quản lý của Dung Quất cần khắc phục cái gì. Xin nhắc lại, ưu đãi mà không cải thiện quản trị thì vẫn xấu đi. Trong lộ trình thị trường hóa thì những DNNN như thế này cần phải nhanh chóng chấn chỉnh. Không chỉ DN đã CPH, mà DN đang CHP đều phải tập trung sức để đổi mới quản trị, đưa quản trị lên mức cao hơn, đây là điểm quan trọng nhất. Tôi cho rằng Bộ Công Thương, PVN phải trực tiếp xử lý việc này, không phải cái gì cũng cứ đề nghị lên Chính phủ ưu đãi", TS Hồ nêu quan điểm.

Về vấn đề ưu đãi cho DN nói chung, TS. Lưu Bích Hồ cho rằng về lâu dài không thể kéo dài mãi việc bảo hộ được, nhất là khi chúng ta được công nhận là nền kinh tế thị trường đầy đủ và sẽ tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do, trong đó có TPP. Vì chúng ta cam kết rồi nên thay đổi là khó, nhưng phải có sự bình đẳng giữa DN trong nước và DN nước ngoài và xu hướng chung là không thể ưu đãi quá nhiều.

Hai phương án chuyển nhượng vốn với Lọc hóa dầu Bình Sơn

Thủ tướng Chính phủ vừa có Quyết định điều chỉnh, bổ sung Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Dầu khí VN (PVN). Theo đó, Thủ tướng yêu cầu PVN thực hiện cổ phần hóa Công ty TNHH Lọc hóa dầu Bình Sơn (đơn vị quản lý Nhà máy lọc dầu Dung Quất) và chỉ giữ tối thiểu 65% vốn điều lệ, hoặc PVN sẽ chuyển nhượng vốn để chuyển đổi Công ty TNHH Lọc hóa dầu Bình Sơn thành công ty hai thành viên, trong đó PVN chỉ giữ 51% vốn điều lệ. Thời gian thực hiện việc giảm vốn này từ năm 2015- 2017.

Từ năm 2015 đến 2017, PVN sẽ phải thoái vốn khỏi Tổng công ty CP Xây lắp dầu khí VN (PVC) xuống 36% vốn điều lệ. Trong khi đó, PVN được phép nâng tỉ lệ sở hữu tại Công ty TNHH Lọc hóa dầu Long Sơn (Bà Rịa - Vũng Tàu) từ khoảng 18% lên 29%. Tuy nhiên, Thủ tướng yêu cầu PVN nghiên cứu tổ chức lại tất cả đơn vị đóng mới, sửa chữa tàu, phương tiện nổi để đề xuất mô hình phù hợp, tối ưu, tránh cạnh tranh nội bộ.

H.Hòa