Vừa qua, Bộ Nông nghiệp Mỹ đã công bố việc cho phép nhập khẩu hai mặt hàng trái cây tươi của Việt Nam là nhãn và vải kể từ ngày 6/10/2014. Với quyết định này, sản lượng xuất khẩu sang Mỹ dự kiến vào khoảng 600 tấn vải và 1.200 tấn nhãn/năm.
Kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng trái cây tươi hiện không cao, khoảng 1.300 tấn Thanh Long và 300 tấn chôm chôm trong năm 2013. Với việc mở rộng thêm hai sản phẩm này, Hiệp hội rau quả Việt Nam (Vinafruit) cho biết kim ngạch xuất khẩu rau và trái cây năm 2014 có thể đạt 1,2 tỷ USD.
Mặc dù vậy, thị trường Mỹ khá nổi tiếng với những quy định chặt chẽ, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp do cơ chế bảo vệ nền nông nghiệp sạch. Để xuất khẩu sang thị trường này, sản phẩm của Việt Nam phải đáp ứng các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, bao gồm đăng ký vùng nuôi trồng, chiếu xạ nhằm loại bỏ ký sinh trùng và phải có chứng chỉ của Cục Bảo vệ thực vật.
Quy định nghiêm ngặt này là cơ hội không chỉ cho người nông dân khi có thể nâng cao chất lượng và giá thành sản phẩm mà cơ hội còn đến với cả những doanh nghiệp chiếu xạ. Đặc biệt, tất cả các sản phẩm xuất sang Mỹ phải được chiếu xạ loại bỏ vi khuẩn.
Tại Việt Nam hiện chỉ có 3 công ty hoạt động trong lĩnh vực chiếu xạ thực phẩm, cụ thể là Công TNHH Thái Sơn (chuyên chiếu xạ thủy sản), CTCP Sơn Sơn (chuyên chiếu xạ trái cây) và CTCP An Phú (chiếu xạ cả thủy sản và trái cây).
Trong đó, CTCP An Phú (mã APC - HOSE) chiếm thị phần khoảng 70% với công suất nhà máy khoảng 180 tấn/ngày, hoạt động tại hai nhà máy ở Bình Dương và Vĩnh Long. Đối với hoạt động chiếu xạ trái cây, Sơn Sơn và An Phú là hai doanh nghiệp duy nhất tại Việt Nam được Mỹ cấp code chiếu xạ.