Từ tháng 10, CNG sẽ bắt đầu cung cấp khí cho thêm 2 khách hàng lớn trong lĩnh vực sản xuất nhôm, kính với doanh số tiêu thụ ước đạt 15 tỷ đồng/khách hàng/tháng. Như vậy, tính cả 2 khách hàng mới, từ đầu năm đến nay, CNG đã có thêm được tổng cộng 5 khách hàng lớn nhỏ.
Với bước đi này, có thể nhận thấy sự chuyển biến tích cực trong cơ cấu khách hàng của CNG với tỷ trọng doanh số của các khách hàng trong ngành VLXD đang tăng từ 60% thời điểm đầu năm lên 70% trong khi doanh số từ các các nhà sản xuất thực phẩm giảm từ 40% xuống 30%.
Trong bối cảnh các công ty thực phẩm đang có khuynh hướng chuyển sang các loại nhiên liệu thay thế như biomass, sự chuyển dịch này sẽ giúp giảm thiểu rủi ro sản lượng tiêu thụ của CNG bị sụt giảm đột ngột khi một số khách hàng chuyển sang dùng loại nhiên liệu khác.
Ngoài ra, trong 9 tháng đầu năm CNG đã đầu tư thêm cho 20 bồn chứa và 1 máy nén khí CNG với tổng giá trị đầu tư ~100 tỷ. Theo ước tính của chuyên viên ngành RongViet Research, việc đầu tư này sẽ làm tăng chi phí khấu hao khoảng 19 tỷ đồng trong năm nay.
Tuy nhiên, điều này sẽ không ảnh hưởng nhiều đến kết quả lợi nhuận sau thuế của Công ty bởi với chính sách khấu hao nhanh, tổng phí khấu hao trong năm 2014 ước tính giảm ~28 tỷ đồng so với năm 2013. Tính chung cả năm, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của CNG ước đạt 1.100 tỷ đồng và 132 tỷ đồng, tăng 15% và 7% so với năm 2013.
Sang năm 2015, với việc đầu tư mới, công suất của CNG có thể tăng khoảng 21% (~85 triệu m3/năm). RongViet Research cho rằng tiềm năng tăng trưởng là vẫn còn nhưng việc mở rộng khách hàng không còn thuận lợi như giai đoạn trước. Bên cạnh đó, việc tăng giá khí đầu vào theo lộ trình của PVGas cũng luôn là một rủi ro đối với CNG.