CNBC: Khủng hoảng chứng khoán Trung Quốc và cơ hội cho Việt Nam

CNBC: Khủng hoảng chứng khoán Trung Quốc và cơ hội cho Việt Nam

(NDH) Theo nhiều chuyên gia, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ thu hút thêm nhiều nhà đầu tư quốc tế sau cuộc khủng hoảng tại thị trường Trung Quốc.

Chỉ số chứng khoán Shanghai Composite Index của Trung Quốc đã giảm mạnh trong những phiên gần đây và mất hơn 30% so với thời điểm giữa tháng 6/2015.

Trong khi cổ phiếu Trung Quốc tiếp tục bị bán tháo, các thị trường Châu Á khác, như Việt Nam, có thể trở thành điểm thu hút mới cho nhà đầu tư.

Theo ông Eric Mustin, Phó chủ tịch của WallachBeth Capital, thị trường chứng khoán Việt Nam hoàn toàn có khả năng trở thành điểm đến mới cho các nhà đầu tư quốc tế.

“Chúng tôi đã nói chuyện rất nhiều với các khách hàng là nhà đầu tư tổ chức…Họ đã hỏi rất nhiều về thị trường chứng khoán Việt Nam”- ông nói.

Ông Mustin đã chú ý đến Việt Nam từ cách đây 1 năm khi thị trường này ngày càng phát triển và trở thành một thị trường mới nổi theo phân loại của MSCI - một dạng thị trường sẽ thu hút đầu tư nước ngoài nhiều hơn. Gần đây nhất, Việt Nam càng thu hút thêm nhiều nhà đầu tư quốc tế khi bỏ quy định giới hạn sở hữu cổ phần nắm giữ đối với nhà đầu tư nước ngoài. Ông Mustin nhận định sự thay đổi này có thể cũng thúc đẩy hứng thú từ chính các nhà đầu tư trong nước.

Giám đốc đầu tư chứng khoán Erin Gibbs của S&P Capital cho rằng thị trường Việt Nam đang dần trở thành một thị trường mới nổi thực sự theo những tiêu chuẩn của S&P Dow Jones Indices.

Việt Nam là một trong những thị trường sơ khai mạnh nhất, và rất dễ trở thành thị trường mới nổi, bà Gibbs nói trên chương trình "Trading Nation" của kênh CNBC.

Phó chủ tịch Mustin nói rằng thị trường Việt Nam có một ưu điểm là không có nhiều mối liên hệ với chỉ số S&P hay chứng khoán Mỹ. Đây là điểm đặc biệt hấp dẫn với các nhà đầu tư chỉ tập trung cho thị trường quốc tế và mới nổi.


Ông Mustin khuyến nghị nhà đầu tư muốn tham gia thị trường Việt Nam có thể mua quỹ Market Vectors Vietnam ETF (VNM). Tính từ đầu năm đến nay, quỹ VNM hoạt động tốt hơn nhiều so với các quỹ ETF tập trung vào Trung Quốc là FXI và ASHR.

Tất nhiên, thị trường chứng khoán Việt Nam không phải hoàn toàn thích hợp cho tất cả mọi nhà đầu tư. Giám đốc Gibbs nói rằng Việt Nam vẫn cần giải quyết một số vấn đề, bao gồm việc ổn định lạm phát và nâng tỷ lệ GDP bình quân đầu người.

“Đối với những người đầu tư chứng khoán có chọn lọc như chúng tôi, việc tham gia thị trường sẽ không thực sự được thực hiện trừ khi thị trường được đánh giá là phát triển…Thị trường này (Việt Nam) vẫn còn kém vài bước so với mức đó”-bà Gibbs nói.

Giám đốc chiến lược thị trường mới nổi toàn cầu Win Thin của Brown Brothers Harriman cho rằng nhà đầu tư có thể muốn đợi cuộc khủng hoảng Hy Lạp ổn định trở lại và tình trạng bán tháo của chứng khoán Trung Quốc chấm dứt mới quay sang những thị trường như Việt Nam.

Chỉ số Shanghai Composite Index phiên 9/7 đã tăng 5,8% sau khi chính phủ Trung Quốc cấm các cổ đông lớn của các công ty niêm yết bán cổ phiếu trong vòng 6 tháng tới. Mặc dù vậy, hơn 1.400 loại cổ phiếu, chiếm hơn 45% thị trường, đã bị ngừng giao dịch trong phiên trước đó.

Sau đợt bán tháo chứng khoán Trung Quốc, ông Thin cho rằng thị trường Việt Nam sẽ trở nên hấp dẫn hơn, nhưng với mức GDP 171 tỷ USD thì rất khó để Việt Nam có thể thay thế thị trường Trung Quốc.

Theo ông Thin, thị trường Việt Nam còn quá nhỏ so với nhà đầu tư quốc tế và hầu như chỉ được so sánh là hiện tượng thị trường chứng khoán Thái Lan thứ 2.

“Tuy nhiên, thị trường này (Việt Nam) đang làm tốt hết mức trong khả năng của mình”- ông nói.