CNBC: Chứng khoán Châu Á khởi sắc đầu năm 2015

(NDH) Thị trường chứng khoán Châu Á đang có một khởi đầu tốt đẹp trong năm nay. Trong đó, diến biến của thị trường Trung Quốc đứng đầu trong các thị trường mới nổi quý 1/2015, tiếp sau đó là thị trường Nhật Bản.

Chỉ số MSCI Châu Á Thái Bình Dương tăng gần 7% trong 3 tháng đầu tiên năm nay, ấn tượng hơn nhiều so với mức tăng 3% của chỉ số MSCI toàn cầu.

Chuyên gia Tai Hui của JP Morgan Chase nhận định diễn biến ấn tượng trên thị trường Châu Á là do những yếu tố tích cực hỗ trợ trên thế giới cùng những tác động đặc biệt từ thị trường nội địa.

Thị trường chứng khoán Châu Á có sức thu hút bởi nhiều nguyên nhân. Đầu tiên là tính thanh khoản dồi dào trên thị trường do các chương trình kích thích kinh tế của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) và Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB). Sau đó là các chính sách nới lỏng tiền tệ cũng như cắt giảm lãi suất của các ngân hàng trung ương trong khu vực. Cuối cùng là việc giá dầu thế giới giảm.

Trung Quốc và Nhật Bản

Chỉ số Shanghai Composite của sàn chứng khoán Thượng Hải-Trung Quốc đã tăng 17% từ đầu năm đến nay. Nguyên nhân là do sự thúc đẩy bởi chính sách nới lỏng tiền tệ của chính phủ cũng như xu thế quay lại thị trường của các nhà đầu tư cá nhân địa phương.

Shanghai Composite

Theo Morgan Stanley, số lượng tài khoản mở mới và lượng giao dịch trên thị trường Trung Quốc sau Tết Nguyên Đán đã tăng đáng kể.

Các chuyên gia chiến lược cũng dự đoán những kỳ vọng vào việc tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ sẽ khiến thị trường này tăng tiếp.

Giám đốc nghiên cứu Tim Condon của ING Financial Markets nhận định các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đang hỗ trợ nền kinh tế và điều này sẽ ảnh hưởng tích cực đến thị trường chứng khoán. ING cũng dự đoán lãi suất sẽ được cắt giảm 75 điểm cơ bản và tỷ lệ dự trữ bắt buộc giảm 150 điểm phần trăm vào cuối năm nay.

Đứng ở vị trí thứ 2 là thị trường chứng khoán Nhật Bản với chỉ số Nikkei 225 tăng 13% từ đầu năm đến nay.

Thị trường nước này đang được hưởng lợi từ chương trình nới lỏng định lượng của chính phủ và việc các quỹ đầu tư quốc doanh chuyển từ trái phiếu sang chứng khoán. Những kỳ vọng về việc cải thiện thị trường nội địa cùng lợi nhuận cao của các cổ đông cũng hỗ trợ cho thị trường chứng khoán quốc gia này.

Những nước khác

Thị trường chứng khoán Philippine và Australia cũng có diễn biến tốt với mức tăng tương ứng 9% cùng 10%, đứng ở vị trí thứ 3 và 4.

Bất chấp tình hình kinh tế ảm đạm, thị trường chứng khoán Australia vẫn tăng trưởng. Nguyên nhân là do các cổ phiếu có lãi suất cao trong khi nhà đầu tư đang tìm kênh đầu tư mới do lãi suất cơ bản thấp. Tâm lý nhà đầu tư tiếp tục bị ảnh hưởng khi ngân hàng trung ương Australia hạ lãi suất cùng với những dự đoán về đợt cắt giảm tiếp theo.

Tại Philippine, thị trường chứng khoán tăng điểm là do thành tựu của nền kinh tế. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Philippine năm 2015 và 2016 tương ứng từ 6,3%-6,2% lên 6,6%-6,4%. Nguyên nhân được cho là do giá dầu giảm cũng như dự đoán gia tăng chi tiêu của chính phủ.

Chỉ số chứng khoán Philippine

Hàn Quốc đứng ở vị trí thứ 5 trong bảng xếp hạng các thị trường chứng khoán khu vực. Chỉ số KOSPI của nước này đã tăng hơn 6% từ đầu năm.

Những nước tụt dốc

Hiện tượng của thị trường Châu Á năm 2014, Ấn Độ, đã bị chậm lại từ đầu năm đến nay. Sau khi thiết lập những mức điểm cao kỷ lục đầu tháng 3/2015, chỉ số Sensex của Ấn Độ đã tăng chậm lại do lo ngại về lợi nhuận của các doanh nghiệp cũng như thiếu “chất xúc tác” mới. Thị trường chứng khoán nước này chỉ tăng gần 2% từ đầu năm 2015.

Giám đốc đầu tư Hans Goetti của Banque Internationale đánh giá rằng thị trường Ấn Độ đã tăng trong một khoảng thời gian và hiện ở mức khá đắt xét theo chỉ số P/E. Do đó, việc tăng chậm lại là xu thế tất yếu. Tuy nhiên, những yếu tố tích cực trên thị trường này vẫn sẽ được tiếp tục duy trì.