CII: Một số quỹ đầu tư tại Mỹ quan ngại về giao dịch của CEO

(NDH) Ban điều hành CII (không phải chỉ riêng CEO) cam kết sẽ không giao dịch cổ phiếu CII. Trong trường hợp phát sinh nhu cầu tài chính đặc biệt, Ban điều hành sẽ tìm giải pháp thích hợp để xử lý.

Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật T.P Hồ Chí Minh (mã CII - HOSE) đã có một số buổi gặp mặt trực tiếp với một số quỹ đầu tư của Mỹ tại các thành phố New York, Chicago, Miami, Denver, San Fancisco và San Diego.

Theo đánh giá của các quỹ, có thể nói CII là một trong những cổ phiếu mà các quỹ đều đang đưa vào tầm ngắm và hết sức quan tâm.

Có thể tóm tắt 3 lý do chính khiến CII hấp dẫn trong mắt các quỹ ngoại là nhờ các mảng chính của CII là hạ tầng, nước và BĐS đều là những ngành mà họ đang đánh giá rất cao về tiềm năng phát triển. Bên cạnh đó, định giá của CII đang ở mức cực kỳ hấp dẫn. Ngoài ra, thanh khoản ấn tượng cũng là một điểm hấp dẫn các quỹ này.

Cụ thể, đối với ngành hạ tầng, CII đang có nhiều lợi thế cạnh tranh mà không có đối thủ nào khác có được bao gồm 15 năm kinh nghiệm phát triển hạ tầng, danh mục dự án gồm nhiều dự án đã đi vào hoạt động cùng nhiều dự án tiềm năng tốt, vị trí địa lý đắc địa của các dự án, phương pháp lựa chọn dự án, quan hệ của CII với các cơ quan chính phủ… Đối với ngành nước, các quỹ này cho rằng CII Water như Manila Warer 5 năm trước, cực kỳ hứa hẹn và đặc biệt đánh giá cao việc CII hợp tác với Manila Water. Đối với BĐS, các quỹ đánh giá cao việc CII có được dự án Thủ Thiêm cũng như cách hợp tác đối tác nước ngoài để phát triển dự án.

Về định giá hiện tại và vấn đề Goldman Sachs (GS), với mức giao dịch PE ở tầm 6 lần, PEG 0.4 trong 3 năm tới, các quỹ cho rằng CII đang hấp dẫn về định giá và rất rẻ. Với EPS hiện tại cũng như tăng trưởng trong 3 năm tới của CII, các quỹ không coi pha loãng của GS là một vấn đề lớn.

Các quỹ cho rằng, thương vụ GS làm với CII là quá có lợi cho GS. CII không nên phát hành trái phiếu bằng USD và cho phép chuyển đổi thành cổ phần bằng giá VND. Một số quỹ không mong muốn nhìn thấy CII hợp tác riêng lẻ với bất kỳ nhà đầu tư nào, thay vào đó là tạo sự công bằng cho tất cả mội người cùng tham giá và đấu giá.

Ngoài ra, các quỹ yêu thích nhất ở cổ phiếu CII đó là thanh khoản đạt trung bình 3 triệu USD/ngày.

Tuy vậy, bên cạnh những đánh giá tốt, các nhà đầu tư cũng đưa ra các quan ngại về CII đó là việc tiếp cận thông tin về CII là quá khó khăn đối với NĐT ngoại do đó cản trở vào quyết định đầu tư vì các CTCK đều không có báo cáo chi tiết về CII nên phía nươc ngoài không có được các báo cáo phân tích; báo cáo tài chính của CII không có bản tiếng Anh…

Các quỹ cho rằng, việc không có Big 4 kiểm toán BCTC của CII cũng làm họ khá ngạc nhiên. Họ cho rằng nếu Big 4 kiểm toán BCTC của CII thì mức độ tin tưởng sẽ lớn hơn so với đơn vị kiểm toán trong nước. Bên cạnh đó, các quỹ còn cho rằng CII đang trả cổ tức khá cao trong bối cảnh nợ vẫn cao. CII nên hạ cổ tức xuống và để tiền trả nợ vay, đầu tư mới.

Về vấn đề giao dịch của CEO, các nhà đầu tư khá quan ngại về các giao dịch mua bán vừa rồi của CEO CII. Họ cho răng việc giao dịch này có thể tạo ra những ý kiến trái chiều về hoạt động của CII cũng như lãnh đạo doanh nghiệp. Theo đó, tốt nhất là không nên có những giao dịch như vậy trong tương lai để thị trường có thể đánh giá một cách khách quan về giá trị công ty và giá trị cổ phiếu CII.

Ngay sau đó, CII đã tiếp thu ý kiến đóng góp của NĐT, CII đã nhanh chóng xử lý các vấn đề này. Về vấn đề cổ tức, trong khả năng cho phép, CII nên duy trì mức cổ tức từ 16 – 18%/năm để cổ đông yên tâm gắn bó lâu dài với CII.

Bên cạnh đó, Ban điều hành công ty (không phải chỉ riêng CEO) cam kết sẽ không giao dịch cổ phiếu CII. Trong trường hợp phát sinh nhu cầu tài chính đặc biệt, Ban điều hành sẽ tìm giải pháp thích hợp để xử lý.