CII bỗng dưng "mất" 240 tỷ đồng vì...Thông tư 202

"Đến cả tôi (là người có chuyên môn về kế toán) cũng còn bị bất ngờ thì việc nhà đầu tư bất ngờ cũng là điều dễ hiểu." - ông Lê Quốc Bình - Tổng giám đốc CII.

Cuối giờ chiều hôm qua, ngày 25/5/2015, CII - Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật Tp.HCM chính thức công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 1 năm 2015. Đây là báo cáo đã được giới tài chính quan tâm. Trước đó, sau khi công bố kết quả kinh doanh của riêng công ty mẹ, CII xin hoãn nộp báo cáo tài chính hợp nhất, điều này làm nổi lên nhiều nghi ngờ từ nhà đầu tư. Trước tình huống đó, Ban lãnh đạo CII đã công bố thông tin về kết quả kinh doanh hợp nhất ước tính quý 1 năm nay với lợi nhuận trước thuế đạt ít nhất 490 tỷ đồng.

Thế nhưng, oái oăm ở chỗ, rốt cuộc, CII không được ghi nhận 240 tỷ đồng lợi nhuận của thương vụ chuyển nhượng cổ phần LGC vào kết quả kinh doanh, mà buộc phải "đập vào" bảng cân đối kế toán, khoản mục LNST chưa phân phối. Tất cả căn cứ vào quy định của Thông tư 202/2014/TT-BTC ban hành cuối năm 2014, áp dụng từ quý 1 năm nay.

Trong khi đó, nhà đầu tư nói chung, khi đánh giá kết quả kinh doanh của một doanh nghiệp, cái người ta nhìn đầu tiên, luôn là con số lợi nhuận trong báo cáo kết quả kinh doanh. Người ta quen với việc lợi nhuận từ bảng kết quả kinh doanh, sẽ được tích lũy vào tài khoản LNST chưa phân phối, trên bảng cân đối kế toán. 240 tỷ đồng, vì vậy như là khoản lợi nhuận mà CII mất đi chỉ vì....Thông tư 202.

Xung quanh vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Lê Quốc Bình - Tổng giám đốc CII.

Thưa ông, báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất quý 1/2015 của CII đã ít nhiều làm nhà đầu tư bất ngờ khi thấp hơn rất nhiều so với dự kiến trước đó. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

Đến cả tôi (là người có chuyên môn về kế toán) cũng còn bị bất ngờ thì việc nhà đầu tư bất ngờ cũng là điều dễ hiểu. Khi bộ phận TCKT trình BCTC hợp nhất, nhìn vào bảng KQKD, tôi muốn phát điên về việc này (bởi vì nghĩ rằng bộ phận TCKT làm sai). Tôi suy nghĩ đơn giản thế này : Công ty mẹ lãi gần 300 tỷ, tất cả các công ty con, công ty liên kết đều có lãi, trong đó đặc biệt CII B&R có lãi rất cao. Vậy thì, hà cớ gì mà lợi nhuận hợp nhất lại thấp hơn lợi nhuận của Công ty mẹ???

Bộ phận TCKT báo cáo rằng Thông tư 202… quy định như thế, hơn 300 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế từ thương vụ chuyển nhượng cổ phần và phát hành trái phiếu hoán đổi LGC được hạch toán trực tiếp vào LNST chưa phân phối. Quá đỗi ngạc nhiên, tôi đã xem lại thông tư 202 và đúng là phải hạch toán như vậy thật. Mặc dù vậy, tôi vẫn sợ là sách …in sai nên đã làm việc với công ty kiểm toán và tranh luận dữ dội về việc này. Bởi vì, tôi tin chắc rằng nhà đầu tư sẽ hiểu sai về kết quả hoạt động của CII nếu vẫn giữ phương pháp hạch toán này.

Đến lúc này, Công ty kiểm toán cũng bị bất ngờ. Họ cũng đồng quan điểm với CII, theo đó, phương pháp hợp nhất này sẽ làm cho người đọc hiểu sai về báo cáo KQKD của CII. Nhưng (lại nhưng) quy định là quy định, CII không thể làm khác được. Cuối cùng, giải pháp được đưa ra là bổ sung thêm một dòng ghi chú vào báo cáo KQKD hợp nhất để người đọc không bị hiểu lầm. Có lẽ, trong tất cả các báo cáo của các doanh nghiệp niêm yết, chỉ có mỗi báo cáo của CII có dòng ghi chú này (cười). Mặc dù nó không giống ai nhưng ít ra thì cũng giúp người đọc có cái nhìn chính xác hơn về CII.

Vậy, Thông tư 202 có quy định khác biệt như thế nào về báo cáo hợp nhất, so với quy định trước đây?

Có khá nhiều điểm khác biệt nên không thể liệt kê ra đây được. Liên quan đến CII thì nếu lập BCTC theo phương pháp cũ thì khoản lợi nhuận 300 tỷ nói trên sẽ nằm trong báo cáo KQKD hợp nhất.

Tôi có cảm giác chỉ có CII bị vướng và chịu "thiệt thòi" vì những quy định của Thông tư 202. Một quy định nếu được đa số chấp thuận, ông có nghĩ rằng nó phù hợp?

Không đúng đâu, doanh nghiệp nào cũng phải lập BCTC theo thông tư 202 và cũng "bị vướng" về việc này (nếu làm đúng). Một rủi ro rất lớn là doanh nghiệp có thể "giấu lỗ" nếu áp dụng theo phương pháp này. Cụ thể, nếu doanh nghiệp thoái vốn, giảm tỷ lệ sở hữu ở công ty con (nhưng không giảm xuống dưới mức 51%) và việc thoái vốn này bị lỗ thì khoản lỗ này sẽ không thể hiện trên báo cáo KQKD hợp nhất.

Do vậy, tôi nghĩ rằng, kể từ nay trở đi, ngoài việc xem xét báo cáo KQKD hợp nhất, nhà đầu tư cần phải xem thêm biến động của LNST chưa phân phối trên Bảng cân đối tài sản hợp nhất để có cái nhìn chính xác hơn về doanh nghiệp.

Tóm lại, theo ông, kết quả kinh doanh quý 01/2015 của CII như thế nào?

Trước tiên, tôi khẳng định khoản lợi nhuận từ bán cổ phiếu LGC và phát hành (có thặng dư) của trái phiếu hoán đổi LGC là khoản lợi nhuận có thật, là tiền thật. CII đã nhận được số tiền này và đang sử dụng một phần để tái đầu tư cho các dự án mới.

Trên cơ sở đó, tôi khẳng định lợi nhuận của CII trong quý 01/2015 như sau :

- Lợi nhuận trước thuế quý 01/2015 của cổ đông Công ty mẹ là 503 tỷ đồng, gần sát với con số 490 tỷ đồng mà CII đã công bố trước đây.

- Lợi nhuận sau thuế quý 01/2015 của cổ đông công ty mẹ là 412 tỷ đồng, hoàn thành 89,19% kế hoạch lợi nhuận năm 2015 đã được ĐHĐCĐ CII phê duyệt.