Nguyên nhân đầu tiên phải xác định rõ là do xuất phát từ việc không còn được hỗ trợ từ Tcty mẹ, trong khi việc tiếp cận nguồn vốn mới ngày càng khó.
Tái cấu trúc bằng thoái vốn
Cienco mẹ và con sau quá trình CPH và bán cổ phần cho tư nhân đã dẫn đến sự thay đổi về định hướng chiến lược phát triển cũng như chiến lược tài chính theo hướng độc lập và tự chủ nhiều hơn. Năm 2014, sau khi hoàn thành CPH, tổ chức thành công Đại hội cổ đông, các Cty thành viên cũng đã hoàn thành công tác CPH và bàn giao DNNN sang CTCP 8 đơn vị. Về cơ bản, đã hoàn thành thoái 35% vốn nhà nước ở Tcty và thoái vốn của Tcty ở 14 đơn vị thành viên.
Năm 2014 cũng là năm thành công trong hoạt động sản xuất kinh doanh của Cienco mẹ khi sản lượng của DN đạt trên 8.300 tỷ đồng, tương đương 107% kế hoạch năm. Doanh thu đạt trên 7.300 tỷ đồng, tỷ lệ doanh thu trên sản lượng đạt 88%. Bên cạnh đó, các Cienco con cũng thực hiện hoạt động tái cấu trúc thông qua đẩy mạnh thoái vốn tại các Cty xây dựng thành viên với tốc độ tương đối nhanh.
Trong tháng 1/2015 Cienco đã công bố thoái vốn hoàn toàn ở các Cty thành viên thuộc lĩnh vực xây dựng công trình giao thông. Phương án thoái vốn là bán lại trực tiếp cho lãnh đạo tại các Cty thành viên. Rồi Cienco 1 cũng thực hiện chương trình thoái vốn theo hướng thoái toàn bộ hoặc thoái một phần vốn cổ phần với giá trị thoái vốn theo mệnh giá là 63 tỷ đồng.
Thực tế, phần lớn các Cty thành viên trong lĩnh vực xây dựng của các Cienco đa số có quy mô nhỏ và chủ yếu đảm nhận vị trí thầu phụ, khả năng sinh lời hạn chế, trong khi năng lực thi công cốt lõi vẫn chủ yếu nằm ở Cty mẹ. Theo các chuyên gia, việc thoái vốn ở các Cty này không những không ảnh hưởng đến năng lực thi công cốt lõi của Cty mẹ mà còn giúp Cty mẹ tập trung vốn để đầu tư vào các dự án hạ tầng giao thông lớn có khả năng sinh lời tốt.
Ông Nguyễn Văn Chính – Cty chứng khoán ABS nhận định, việc thoái vốn của nhà nước khỏi các Cty Cienco, ngoài tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tư nhân đầu tư vốn vào các Cienco con thì còn là kênh thu hút vốn đầu tư nước ngoài hiệu quả vào lĩnh vực hạ tầng giao thông.
Được biết, ngày 31/12 tới đây Cienco 6 sẽ tiến hành bán đấu giá 1 lô cổ phần với số lượng 45.695.000 cổ phần, tương đương 100% vốn nhà nước tại đây. Giá khởi điểm một cổ phần là 10.011 đồng, còn tổng giá khởi điểm của cả lô cổ phần này là 457,4 tỉ đồng. Cienco 6 hiện có vốn điều lệ 492 tỉ đồng, tương đương 49,2 triệu cổ phần, trong đó Nhà nước nắm giữ 45.695.000 triệu cổ phần, chiếm 92,88% vốn điều lệ.
Cienco 5 cũng công bố kế hoạch bán đấu giá cổ phần theo lô để thoái vốn nhà nước. Theo đó, số lượng lô bán đấu giá duy nhất với số lượng 10.176.000 cổ phần. Giá khởi điểm một cổ phần là 10.000 đồng và giá khởi điểm của tổng lô cổ phần tương ứng 101 tỷ đồng…
Tăng tỷ trọng vốn vào các dự án
Việc thoái vốn ở Cty thành viên và tập trung vốn đầu tư cho các dự án hạ tầng giao thông cho thấy sự chuyển đổi chiến lược của Cienco. Chiến lược này nhằm tập trung vốn vào các dự án lớn mang tầm quốc gia, trọng điểm, vừa giúp giải quyết đầu ra cho lĩnh vực cốt lõi, vừa mở rộng sự tăng trưởng sang lĩnh vực mới có triển vọng. Với nhu cầu vốn lớn cho đầu tư hạ tầng giao thông, các Cienco cần tập trung các nguồn vốn phân tán thông qua việc bán vốn ở hàng loạt các Cty con trong lĩnh vực xây dựng.
Đơn cử, trong năm 2014, Cienco 1 đã rót 122 tỷ đồng vào lĩnh vực này gồm góp 38,9 tỷ đồng vào CTCP BOT Cầu Việt Trì, 34,2 tỷ đồng vào CTCP Đầu tư Hạ tầng FCC, 49 tỷ đồng vào CTCP BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ.
Ông Nguyễn Hồng Hải – chuyên gia tài chính Cty Kiểm toán AASC phân tích: “Sau khi tiềm lực tài chính đủ mạnh, Cienco con đã tiến hành đầu tư hạ tầng giao thông nhằm mở rộng khả năng tăng trưởng, hoàn chỉnh chuỗi giá trị, ổn định hóa dòng tiền (lĩnh vực đầu tư hạ tầng giao thông có đặc trưng là có dòng tiền thu ổn định sẽ giúp giảm rủi ro cho hoạt động của Cty và cải thiện khả năng sinh lời)”.
Ông Hải nhấn mạnh, việc đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng giao thông vừa giúp giải quyết đầu ra cho lĩnh vực xây dựng cốt lõi, vừa mở rộng sự tăng trưởng sang lĩnh vực mới. Với nhu cầu vốn lớn cho đầu tư hạ tầng giao thông, điều quan trọng nhất với Cienco con là cần tập trung các nguồn vốn phân tán thông qua việc bán vốn ở hàng loạt các Cty con. Thực tế cho thấy, các Cienco con có nhiều lợi thế đầu tư vào các công trình hạ tầng giao thông khi họ tận dụng được kinh nghiệm của mình về kỹ thuật xây dựng, giá thành… Tuy nhiên, vấn đề thách thức lớn nhất với các Cienco lúc này có lẽ là năng lực tài chính và năng lực lựa chọn, triển khai và vận hành dự án.
Trong lĩnh vực đầu tư hạ tầng giao thông, các Cienco con vẫn được coi là đi sau so với những Cty như CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh (CII) và Tasco. Theo các chuyên gia, trong lĩnh vực xây dựng, để đảm bảo thành công cho việc đầu tư hạ tầng giao thông cần hai yếu tố: 1. Năng lực tìm kiếm, triển khai và vận hành dự án phù hợp. 2. Năng lực tài chính, cân đối dòng tiền. Trong đó, thực tế cho thấy năng lực tài chính của một DN xây dựng mạnh dựa trên hai yếu tố: Một cơ cấu cổ đông mạnh về tiềm lực tài chính, bao gồm cả cổ đông chiến lược nước ngoài; Một ngân hàng cam kết hợp tác toàn diện và hỗ trợ trong dài hạn về nguồn vốn, đặc biệt là nguồn vốn vay cho các dự án của mình. Lĩnh vực đầu tư hạ tầng giao thông đòi hỏi vốn đầu tư lớn và dài hạn, chính vì vậy, việc tăng cường tiềm lực tài chính thông qua phát hành cổ phiếu là hết sức cần thiết đối với các Cienco con.
Những thách thức sau CPH
Phân tích về nguồn lực tài chính của các Cienco con cho thấy tiềm lực vốn chủ sở hữu của nhiều Cty thành viên của các Cienco rất mỏng và vay nợ lớn. Vốn chủ sở hữu của những Cty con khi các Cienco thoái vốn chỉ từ 30 tỷ – 65 tỷ đồng, hệ số nợ phải trả trên tổng nguồn vốn ở mức cao từ 80% – 90%.
Trước đây, khi còn là Cty thành viên của Cienco mẹ, các Cty con nhận được sự hỗ trợ tích cực về nguồn vốn kinh doanh từ chính Cty mẹ thông qua việc góp vốn cổ phần hoặc cho vay vốn. Đơn cử, thuyết minh báo cáo tài chính cho thấy, năm 2014, CTCP 482 có vay vốn từ Cty mẹ (Cienco 4) là 135 tỷ đồng. Việc thoái vốn của các Cty mẹ khỏi các Cty con dẫn đến khả năng không còn được nhận sự hỗ trợ về vốn như trước. Từ đó dẫn đến khả năng thanh toán còn yếu, số dư tiền mặt thấp, hạn chế khả năng tiếp cận vốn của các Cty con từ ngân hàng…
Trong giai đoạn trước đây, các Cty xây dựng thành viên đa số là làm thầu phụ cho các công trình của Cty mẹ. Cũng trong thuyết minh báo cáo tài chính năm 2014, doanh thu từ thi công cho Cty mẹ Cienco 4 của Cienco 92 lên tới 235 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 66% tổng doanh thu. Doanh thu của Cienco 82 thi công cho Cty mẹ Cienco 4 năm 2014 là 504 tỷ đồng, chiếm 70% tổng doanh thu, của Cty Cầu 14 thi công cho Cienco1 là 254 tỷ đồng, chiếm 45% tổng doanh thu.
Báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2015 của CTCP 471 sau khi Cienco 4 thoái vốn cho thấy hàng tồn kho đã giảm mạnh từ 202 tỷ đồng đầu năm xuống còn 68 tỷ đồng vào cuối tháng 6/2015, phản ánh việc Cty gặp khó khăn trong việc tìm kiếm các hợp đồng xây dựng mới. Một đặc điểm khác về doanh thu của các Cty này là doanh thu kém đa dạng, gần như chỉ dựa duy nhất vào xây dựng công trình giao thông, không có các mảng doanh thu khác do đó, rủi ro kinh doanh là khá cao…