Chuyên gia kinh tế: 'Doanh nghiệp Việt đang bé đi'

Đó là trăn trở của các chuyên gia khi cho rằng phát triển kinh tế của Việt Nam hiện nay dựa quá nhiều vào khối ngoại (FDI), còn doanh nghiệp trong nước thì gần như không được ưu đãi và ngày càng khó khăn.

Phát biểu tại hội thảo "Cơ hội 2015-2016: Kinh doanh trong thế cờ thay đổi" vào cuối tuần qua, các diễn giả thừa nhận vài năm tới sẽ có nhiều thay đổi mang tính chất bước ngoặt đối với môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Cộng đồng Kinh tế ASEAN, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA)… dự kiến sẽ hình thành, có nghĩa là dù muốn hay không, doanh nghiệp Việt buộc phải bước vào "ván cờ" mới.

Tuy nhiên, Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng cơ chế đang dành nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp FDI để có danh nghĩa Việt Nam xuất khẩu được nhiều mặt hàng ra thế giới. "Doanh nghiệp FDI đang chiếm khoảng 65% xuất khẩu của Việt Nam. Con số này nếu chính xác thì thật đáng sợ", bà Lan nói.

Bởi với thế cờ này, bà Lan đặt câu hỏi nó đang mang lại lợi thế lớn nhất cho ai, doanh nghiệp Việt hay doanh nghiệp khác? Phải làm gì khi Nhà nước ưu đãi cho doanh nghiệp FDI mà lại không đồng ý điều đó với doanh nghiệp Việt? "Chúng ta đang phát triển kinh tế chủ yếu bằng nguồn lực nước ngoài là chính chứ không phải là nguồn lực trong nước. Như vậy, có vẻ nền kinh tế thì to ra nhưng doanh nghiệp Việt Nam lại bé đi", bà Lan trăn trở.

lan1ef70927c4-b-6945-1414898204.jpg

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan trăn trở về tương lai doanh nghiệp Việt.

Bà Phạm Chi Lan cũng băn khoăn, hiện Việt Nam được cho là có lợi thế về dệt may nhưng không biết ngành có sẵn sàng cho bối cảnh phát triển công nghệ mới thay vì may bằng nhân công không?

Bởi trong vòng 15 năm tới, khi công nghệ phát triển và có thể người ta chỉ dán áo chứ không may nữa chẳng hạn, thì lúc đó nhân công Việt Nam sẽ làm thế nào? Trên thực tế, một số doanh nghiệp của Mỹ đã chuyển nhà máy may từ Trung Quốc về bởi họ đã có công nghệ mới và không cần tận dụng nhân công giá rẻ. "Nếu bối cảnh này xảy ra với Việt Nam thì chúng ta đã nghĩ đến hay chưa?, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan lo ngại.

Trước sự trăn trở của bà Lan về tương lai doanh nghiệp Việt, ông Chu Đức Khải, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội thép Việt Nam cũng cho biết, ngành thép đang ở thế phòng ngự là chính.

Đại diện Hiệp hội Thép cho rằng việc tiêu thụ thép trong nước đang gặp khó khăn do chênh lệch cung - cầu, sản xuất nhiều nhưng tiêu thụ thấp. Nhiều doanh nghiệp chỉ sản xuất cầm chừng 40 - 60% công suất, dẫn đến hiệu quả không cao. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp vẫn tiếp tục phải đối mặt với thép nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc.

Nếu thời gian tới mở cửa hoàn toàn thị trường thép đối với Nga, theo ông Khải, doanh nghiệp trong nước sẽ rất khó cạnh tranh bởi Nga là một trong những quốc gia rất mạnh về ngành thép. Chi phí sản xuất một tấn phôi của Việt Nam gấp 3 lần của Nga - một nước có chi phí sản xuất thấp nhất thế giới. Mặt khác, sức tiêu thụ thép ở Nga đang bão hòa, nếu Việt Nam giảm thuế nhập khẩu ngay thì có khả năng thép Nga sẽ tràn vào Việt Nam.

Do đó, ông Khải mong muốn cơ quan quản lý khi đàm phán cố gắng theo hướng những sản phẩm trong nước đang dư thừa, sản xuất được thì cố gắng bảo hộ từ 5 đến 10 năm để doanh nghiệp có thời gian nâng cao năng lực cạnh tranh, có chi phí sản xuất thấp hơn.

Còn đối với những sản phẩm doanh nghiệp trong nước sản xuất tốt như tấm phôi cán nóng, thép hợp kim, ống không hàn… thì cơ quan đàm phán có thể đề xuất mức thuế về 0% trong 2-3 năm tới.

"Ngành thép sẽ tự lo giảm chi phí nhưng cũng mong Nhà nước xây hàng rào kỹ thuật ngăn cản hàng bên ngoài vào, nhất là những mặt hàng không thể bảo vệ được. Điều này, các nước trong khu vực đã làm", ông Khải nói.

Ông Đỗ Long, Tổng giám đốc Công ty Bita's cũng chỉ ra rằng, trong 2 năm nay có xu hướng các luồng doanh nghiệp của các nước không tham gia TPP nhưng đều nhảy vào Việt Nam để tận dụng cơ hội khi khả năng của doanh nghiệp Việt Nam còn yếu và thiếu.

"Nguyên liệu sản xuất của doanh nghiệp da giày trong nước vẫn bị phụ thuộc vào Trung Quốc, dù trong thời gian qua các doanh nghiệp đã tìm nhiều giải pháp để giảm bớt sự phụ thuộc này", ông Long nói.

Trước những băn khoăn về khó khăn của doanh nghiệp Việt khi đứng trước cánh cửa hội nhập, Tiến sĩ Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương đưa ra lời khuyên rằng, doanh nghiệp đừng bao giờ nghĩ mình nhỏ, hãy chọn thị trường ngách và cái quan trọng không phải là "chơi với ai" mà là "chơi thế nào".

Đồng quan điểm, Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nhấn mạnh, muốn phát triển và đứng vững thì các doanh nghiệp Việt Nam cần phải làm những gì khác với đối thủ (các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc). Cũng tới lúc phải bỏ đi việc dựa quá nhiều vào ưu thế nhân công giá rẻ, mà phải dựa vào sự sáng tạo.

"Trước những đối thủ rất mạnh, có những thách thức lớn thì chúng ta phải vận dụng bài học lấy yếu thắng mạnh, lấy ít địch nhiều", ông Doanh chia sẻ.