Theo báo cáo của HSBC Việt Nam, những "ngôi sao sáng" của ASEAN đang dần mất sự huy hoàng do bị ảnh hưởng bởi nhu cầu trong và ngoài nước đang suy yếu.
Những số liệu thường kỳ thể hiện khá thất vọng khiến HSBC mới đây phải hạ mức dự báo tăng trưởng GDP năm 2015 của Malaysia, Singapore và Thái Lan.
Lạm phát cũng đã giảm do chi phí xăng dầu thấp hơn, mức tăng lương cũng hạ nhiệt và tiêu dùng cũng yếu hơn.
Điều này cộng với việc FED tiếp tục duy trì các mức lãi suất thấp đã tạo cơ hội cho Indonesia, Singapore và Thái Lan gây ngạc nhiên cho các thị trường khi thực hiện chính sách nới lỏng trong quý I/2015.
Trong khi đó, nền kinh tế Việt Nam lại đang bắt đầu hồi phục. Năm 2014, Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng đạt xấp xỉ 5,98%, mức cao nhất kể từ năm 2011.
Xét từ cả tổng cầu và tổng cung, có thể thấy đầu tư tư nhân và tăng trưởng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã tạo ra sự cải thiện trong GDP.
Trong năm 2015, Việt Nam có 3 yếu tố được đánh giá sẽ là trụ đỡ cho tăng trưởng kinh tế:
(1) Sản xuất công nghiệp duy trì được đà tăng trưởng nhờ làn sóng dịch chuyển của các nhà sản xuất thiết bị điện tử, phụ tùng xe và dệt may lớn trên thế giới đến Việt Nam.
(2) Đầu tư tư nhân đã bắt đầu chuyển động tích cực hơn trong năm trước do mặt bằng lãi suất cho vay giảm, trong năm nay, tiêu dùng của khu vực tư nhân được kỳ vọng sẽ tốt hơn nhờ giá dầu duy trì ở mức thấp.
(3) Khó khăn về ngân sách có thể khiến cho đầu tư của khu vực nhà nước bị ảnh hưởng, nhưng tương tự như khu vực tư nhân, tiêu dùng của khu vực nhà nước cũng sẽ hưởng lợi nhờ xu hướng giảm giá hàng hóa, góp phần vào tăng trưởng của lĩnh vực dịch vụ nói chung.
Xem xét các yếu tố có thể ảnh hưởng đến lạm phát năm 2015, các chuyên gia cho rằng, lạm phát ở mức 3% là hợp lý bởi giá cả hàng hóa có thể tăng nhẹ nhờ sự cải thiện của nhu cầu tiêu dùng.
Với những phân tích trên, chưa biết việc chuyển hướng đầu tư trong thời gian tới có mạnh hay không, nhưng thị trường chứng khoán Việt Nam có thể tự tin về khối ngoại vẫn sẽ hoạt động tích cực.
Cụ thể, nhằm đẩy nhanh tiến độ tái cấu trúc, chính sách cũng từng bước được hoàn thiện để phù hợp hơn với thực tại, khả năng tiếp cận của dòng vốn ngoại đến những hàng hóa có chất lượng cao (được Nhà nước tung ra thị trường thông qua các đợt IPO và bán vốn) ngày càng được rút ngắn và thuận tiện hơn. Đây chính là những yếu tố giúp giữ chân và thu hút thêm dòng vốn ngoại.
Về nguồn vốn đối ứng, người ta có thể kỳ vọng nhiều nhất vào dòng tiền từ các nhà đầu tư Nhật và châu Âu. Theo thống kê của Rongviet Research, dòng vốn ngoại đến từ Nhật và châu Âu (đặc biệt là từ Đức) chiếm tỷ trọng lớn, lần lượt là 23% và 18%.
Hầu hết các báo cáo mới đây của tổ chức quốc tế đều có chung quan điểm rằng: Việt Nam là thị trường tiềm năng để đầu tư. Theo đó, ADB đã nâng triển vọng tăng trưởng của kinh tế Việt Nam trong 2015 với dự báo tăng trưởng GDP ở mức 5,8%. Hãng đánh giá tín dụng Fitch Ratings vừa nâng xếp hạng nhà phát hành nợ nội tệ và ngoại tệ dài hạn của Việt Nam từ BB- lên B+, triển vọng cũng được nâng từ "ổn định" lên "tích cực". Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moodys cũng tăng mức tín nhiệm đối với trái phiếu chính phủ từ mức B2 lên mức B1 và mức triển vọng được đánh giá là "ổn định". |
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản mở rộng gấp đôi quy mô gói kích thích từ 50.000 tỷ yên lên 80.000 tỷ yên.
Với nền kinh tế ổn định và đang từng bước cải thiện, Việt Nam sẽ là điểm đến của nguồn vốn này.
Số liệu thống kê của Rongviet Research cũng cho thấy, mặc dù bán ròng trong khoảng thời gian cuối tháng 11 và tháng 12 năm 2014, nhưng trong hai tháng đầu năm 2015, khối ngoại đã trở lại mua ròng với giá trị là 983,2 tỷ đồng.
Từ những nhận định trên, nhiều báo cáo công bố thị trường chứng khoán Việt Nam còn một điểm hấp dẫn nữa để có thể hút thêm tiền của khối ngoại trong năm 2015.
Đó là VN-Index dự báo biến động trong vùng 561 - 718 điểm. So với các thị trường khác trong khu vực, chỉ số P/E, P/B tại thời điểm cuối năm 2014 của thị trường chứng khoán Việt Nam ở mức thấp nhất.
Xem xét biến động chỉ số P/E và P/B của VN-Index, tại thời điểm cuối năm 2014, hai chỉ số này đã tăng nhẹ so với năm 2013 song vẫn ở mức thấp so với giai đoạn 2006 - 2009.
Để định lượng cụ thể hơn về vùng giá trị biến động của VN-Index trong năm 2015, các nhà phân tích sử dụng mô hình chiết khấu dòng cổ tức hai giai đoạn.
Mô hình này cho thấy, với nền tảng kinh tế hiện tại, giá trị nội tại của VN-Index có thể nằm trong 561 - 718 điểm tương ứng với các giả định từ tiêu cực nhất đến tích cực nhất.
Với những giả định cơ sở, chỉ số này được dự báo sẽ kết thúc năm 2015 ở mức 633,23 điểm.
Lợi thế là vậy, song giới chuyên môn cũng khôn khéo đưa ra khá nhiều cảnh báo đối với việc đầu tư của khối ngoại. Đó là rủi ro hệ quả của quá trình tái cấu trúc.
Hiện tại, nền kinh tế vẫn trong giai đoạn tái cấu trúc và năm 2015 được xem là năm cuối cùng của giai đoạn 1, trong đó tái cấu trúc hệ thống ngân hàng vẫn là trọng tâm.
Quan sát diễn biến giai đoạn 2012 - 2014, dễ thấy những hệ quả của việc thực hiện tái cấu trúc luôn có những ảnh hưởng không mong muốn, đôi khi gây tâm lý cho nhà đầu tư trên sàn chứng khoán.
Kinh tế phục hồi, khả năng chia sẻ dòng vốn của các kênh đầu tư khác càng tăng lên. Trong đó, kênh đầu tư ngoại tệ và rủi ro biến động tỷ giá sẽ có ảnh hưởng nhiều nhất đến thị trường chứng khoán do có tính thanh khoản tương đương.
Số liệu cho thấy khoảng cách giữa tỷ giá thực (REER) và tỷ giá danh nghĩa (NEER) ngày càng lớn, cường độ và tần suất biến động tỷ giá trên thị trường tự do và trong các ngân hàng đang ngày càng mạnh và nhiều hơn.
Những dấu hiệu này cho thấy áp lực đối với việc phá giá VND (với biên độ cao hơn kế hoạch 2% của Ngân hàng Nhà nước) đang ngày càng lớn và có khả năng tạo nên những cơn sốt "tỷ giá" nhất định, đặc biệt vào các mùa cao điểm trong năm và ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường chứng khoán.