Chốt lời mạnh làm tăng hiệu ứng tâm lý, không loại trừ khả năng VN-Index về 600
Khép lại phiên giao dịch ngày 8/7 trên thị trường Châu Á, chỉ số chứng khoán chủ chốt của Trung Quốc giảm mạnh với mức 5,9%, bất chấp việc nước này đưa ra nhiều biện pháp cực kỳ cứng rắn để hãm đà giảm của thị trường.
Một loạt các thị trường khác trong khu vực giảm theo, trong đó thị trường Hồng Kông giảm 5,8%, Nhật Bản giảm 3,1%, Đài Loan giảm 3%.
Diễn biến các chỉ số chính tại châu Á ngày 8/7
Thị trường Việt Nam cũng cùng xu hướng khi chỉ số VN-Index mất 1,13% - phiên giảm mạnh nhất kể từ ngày 18/5.
Theo ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc phân tích và tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân của CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI), không hề có sự liên hệ nào giữa Việt Nam với thị trường đang hoảng loạn của Trung Quốc.
Bóng bóng chứng khoán của Trung Quốc đang xì hơi sau khi một đợt tăng nóng đẩy tỷ lệ P/E của nước này tăng từ 10 lần lên 25 lần từ tháng 11/2014 đến nay.
Còn ở Việt Nam, ông Linh cho rằng tỷ lệ PE mới tăng từ 13 lần lên 14 lần, và thị trường giảm trong phiên này chủ yếu do cổ phiếu VCB giảm, kéo các cổ phiếu bluechip khác giảm theo, sau khi chính VCB đã dẫn dắt thị trường tăng gần đây.
“Như vậy là do chốt lời,” ông Linh khẳng định.
Có cùng quan điểm trên, ông Bùi Nguyên Khoa, chuyên gia phân tích Nhóm Vĩ mô và Thị trường của CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), cho rằng phiên giảm này chủ yếu do nhà đầu tư chốt lãi. Nhưng vì hoạt động chốt lãi quá mạnh, đặc biệt là đối với các mã chủ chốt, khiến cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất hiện nay là VCB có thời điểm giảm sàn, theo đó làm tăng hiệu ứng tâm lý trên thị trường.
“Xét về khối lượng giao dịch, đây không phải là phiên phân phối, thanh khoản chỉ tăng 8-10%, nên đây là phiên điều chỉnh ngắn hạn do hoạt động chốt lãi,” ông Khoa nhận định.
Ông Trần Minh Hoàng - Trưởng bộ phận Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược thị trường của Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) – cho rằng việc “điều chỉnh sau một quá trình tăng là cần thiết” sau khi các chỉ báo kỹ thuật đã cho thấy thị trường đã ở trạng thái quá mua.
Trong khoảng 2 tuần qua, chỉ số VN-Index đã tăng một mạch từ 580 điểm lên 630 điểm mà hầu như không đi ngang hoặc tích lũy để tạo nền giá. Mạch tăng trên của thị trường, theo ông Hoàng, “thuần túy dựa vào bluechip”.
Và khi các cổ phiếu bluechip bắt đầu bị chốt lãi, thị trường mới điều chỉnh giảm.
Vị chuyên gia của VCBS nhận định: “Nếu các cổ phiếu bluechip điều chỉnh tiếp…khả năng thị trường về mức đâu đó dưới 600 điểm là vẫn có thể.”
Cổ phiếu dầu khí giảm theo giá dầu
Ngoài sự giảm giá của cổ phiếu ngân hàng, các chuyên gia phân tích cũng cho rằng cổ phiếu ngành dầu khí giảm là một yếu tố khác kéo thị trường xuống.
Theo thống kê của CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC), cổ phiếu ngành ngân hàng giảm 1,4% trong phiên này, nhưng cổ phiếu dầu khí mới là nhóm ngành giảm mạnh nhất, với mức giảm 3,5%.
Theo ông Linh, cổ phiếu dầu khí chịu áp lực do giá dầu giảm liên quan đến việc Iran và các cường quốc thế giới có thể sắp đạt được một thỏa thuận về hạt nhân, theo đó sẽ giúp quốc gia xuất khẩu dầu mỏ này cung cấp thêm dầu ra thị trường.
Ông Khoa cho biết, trong 2 tháng qua, giá dầu thế giới đã dao động từ 58 USD đến 62 USD, và sau khi giảm xuống dưới vùng 58 USD cách đây 3 phiên thì rớt rất nhanh. Đến 7/7 giá dầu xuống còn khoảng 52 USD.
Ông Khoa nhận định, ngoài việc đàm phán của nhóm P5+1 với Iran đang ở giai đoạn cuối, nguồn cung còn có thể tăng khi số giàn khoan của Mỹ đang tăng trở lại và dự trữ dầu thô của nước này cũng tăng lên. Trong khi về phía cầu, Châu Âu đang tăng trưởng chậm, còn nước tiêu thụ dầu khồng lồ là Trung Quốc dù bơm tiền mạnh nhưng tăng trưởng kinh tế đang đi xuống.
“Giá dầu vẫn đang trong vùng 50-60 USD, nếu không thủng ngưỡng 45 USD thì chắc mức giá của các cổ phiếu PVD và GAS vẫn quanh quẩn trong vùng hiện tại, nhưng khả năng giá dầu thủng ngưỡng 45 là rất khó,” ông Hoàng chia sẻ.
Vì vậy, ông Hoàng đánh giá triển vọng của cổ phiếu ngành dầu khí trong thời gian còn lại của năm nay sẽ không máy sáng sủa.
Liên hệ nào giữa chứng khoán Việt Nam và Trung Quốc?
Về tác động của thị trường Trung Quốc đến Việt Nam, các vị chuyên gia nhìn chung cho rằng 2 thị trường không có sự liên thông trực tiếp nào.
Theo Bùi Nguyên Khoa, thị trường Trung Quốc đã tăng quá nhiều, trong 8 tháng vừa qua đã vọt từ 2.000 điểm lên 4.500 điểm, với sự hỗ trợ của việc ngân hàng trung ương Trung Quốc liên tục hạ lãi suất và giảm dự trữ bắt buộc, tạo tâm lý tích cực cho thị trường.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư nước ngoài tại Trung Quốc đã bán ra rất mạnh, với giá trị gần 100 tỷ USD. Do thị trường đã đi quá xa, cùng với khối ngoại bán mạnh, nên thị trường đã giảm rất nhanh.
Nhưng chứng khoán Trung Quốc đã giảm vài tuần qua, chứ không phải chỉ ngày hôm nay, nên ông Khoa cho rằng, nếu có tác động đến Việt Nam, "thì chỉ là yếu tố tâm lý thôi”.
“Nó không liên quan gì về hình thái, về dòng tiền, nhưng thị trường Việt Nam sau 1 chu kỳ lên rồi thì người ta mới để ý xung quanh. Nó chỉ ảnh hưởng về mặt tâm lý chứ không ảnh hưởng gì khác.” - ông Khoa nói
Còn ông Trần Minh Hoàng cho rằng Việt Nam là quốc gia sát với Trung Quốc, có quan hệ giao thương rất lớn.Nguy cơ vỡ bong bóng của thị trường tài sản Trung Quốc (gồm cả chứng khoán, bất động sản và các thị trường khác) là điều đáng lo ngại hơn.
“Nếu điều đó xảy ra, chắc chắn Việt Nam sẽ ảnh hưởng và thị trường chứng khoán Việt Nam còn ảnh hưởng tệ hơn nữa,” ông nhận định.
Tuy nhiên, ông Hoàng cho rằng trước mắt Trung Quốc vẫn có đủ nguồn lực để xử lý vấn đề, không để đổ vỡ lan rộng.