Trong khi thị trường chứng khoán châu Âu và Mỹ đang đi ngang chờ cuộc trưng cầu dân ý có thể quyết định số phận của Hy Lạp vào cuối tuần này thì chứng khoán Trung Quốc lại lao dốc. Đà giảm kéo dài suốt 3 tuần và giá trị vốn hóa đến nay giảm 2.360 tỷ USD, gấp gần 10 lần GDP năm ngoái của Hy Lạp.
Chỉ số Shanghai Composite hôm qua đã lần đầu tiên trong 2 tháng rơi xuống dưới mốc 4.000 điểm, nhà đầu tư liên tục bán tháo và nghi ngờ hiệu quả các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ. Từ đỉnh đạt được giữa tháng 6, chỉ số này đã mất 24%. Hôm qua, cứ một mã tăng lại có 15 mã giảm, dẫn đầu là cổ phiếu các ngành công nghiệp, năng lượng và hàng hóa.
Chứng khoán Trung Quốc giảm mạnh từ giữa tháng 6, so với Euro Stoxx 50 của châu Âu và S&P 500 của Mỹ. |
Bản chất đóng kín của thị trường tài chính Trung Quốc đang khiến cả thế giới mới chỉ quan sát mà chưa hề nhận ra nó sẽ có ảnh hưởng lên thị trường nước mình.
"Điều đang diễn ra tại Trung Quốc sẽ có hậu quả nghiêm trọng hơn nhiều so với tác động mà Hy Lạp có thể mang lại trong vài tuần hoặc vài tháng tới. Khi chứng khoán Trung Quốc mất đà, nhu cầu trên khắp nước này sẽ bị ảnh hưởng. Việc này sẽ khiến cỗ máy tăng trưởng của toàn cầu thập kỷ qua gặp trục trặc. Tình hình này nghiêm trọng không kém Hy Lạp, nhưng lại rất khó nhận ra vai trò quyết định của nó với kinh tế toàn cầu", Frederic Neumann - trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế châu Á tại HSBC cho biết.
Vốn hóa trên thị trường Trung Quốc từng lên 10.000 tỷ USD giữa tháng 6. |
Các nhà kinh tế học cũng chưa tìm ra có mối liên quan nào giữa các biến động trên thị trường chứng khoán và nền kinh tế nước này. Một khảo sát gần đây của Bloomberg cũng cho thấy giới phân tích còn đang trong cãi liệu những biến động này có ảnh hưởng lên tăng trưởng của Trung Quốc hay không.
Nếu Trung Quốc mở cửa thị trường vốn, những diễn biến này chắc chắn sẽ gây tác động lên các nhà đầu tư từ London, New York đến Tokyo. Nhưng hiện tại, rõ ràng những điều này chưa thể thu hút sự chú ý như Hy Lạp.