Theo số liệu của Bloomberg, chỉ số Shanghai Composite Index giảm 1% xuống 3.669,45 khi kết thúc phiên sáng ngày 31/7, kéo dài mức giảm từ đầu tháng lên 14%.
Đây là tháng giảm nhiều nhất của chỉ số này trong gần 6 năm, khiến Trung Quốc trở thành thị trường giảm mạnh nhất trong số 93 thị trường toàn cầu được Bloomberg theo dõi.
Tuy chính phủ Chính phủ đã can thiệp vào thị trường, tạo ra đợt phục hồi 18% trong 2 tuần giữa của tháng 7, nhưng sự bất ổn lại quay trở lại vào tuần cuối cùng của tháng bằng mức giảm 8,5% trong phiên đầu tuần.
Đánh giá về sự sụt giảm mạnh của thị trường Trung Quốc, trong một báo cáo đặc biệt công bố mới đây, của Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) cho rằng sau một thời kỳ dài gần 7 năm đi ngang và tích lũy, chứng khoán Trung Quốc đã chứng kiến một đợt sóng tăng cực kỳ mạnh mẽ bắt đầu từ tháng 6/2014 và kéo dài liên tục đến nửa đầu năm 2015, với các chỉ số Shanghai Composite Index và Shenzhen Composite Index đã tăng tới 190%.
Đà tăng kéo dài suốt 1 năm đó đã làm xuất hiện bong bóng tại thị trường Trung Quốc mà BSC cho là có thể so sánh với với các bong bóng chứng khoán lớn trong lịch sử.
Nguyên nhân bong bóng, theo BSC, là do Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) kể từ cuối năm 2014 đã liên tiếp giảm lãi suất và tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng. Bên cạnh đó, giá vàng, giá bất động sản giảm và lãi suất tiền gửi ngân hàng ở mức thấp khiến dòng tiền trong cư dân đổ dồn sang thị trường thay thế là cổ phiếu.
Thị trường đã xuất hiện những dấu hiệu đổ vỡ đầu tiên khi chứng khoán Trung Quốc quay đầu sụt giảm mạnh kể từ ngày 15/06/2015.
Sự đổ vỡ này được cho là do chất lượng nhà đầu tư ở mức thấp do tỷ trọng nhà đầu tư tổ chức tham gia thị trường thấp, trong khi đó tỷ lệ đòn bẩy tài chính (vay ký quỹ để đầu tư cổ phiếu) ở mức cao.
Số liệu từ Công ty Lưu ký và Thanh toán chứng khoán Trung Quốc cho thấy hiện có hơn 90 triệu người dân đang tham gia đầu tư trên thị trường chứng khoán. Trong vòng 12 tháng tính đến hết tháng 5/2015, nước này có thêm 40 triệu tài khoản đầu tư chứng khoán mới được mở. Riêng trong tháng 6/2015, Trung Quốc đã có thêm 7 triệu nhà đầu tư chứng khoán cá nhân.
Số lượng tài khoản chứng khoán tăng nhanh, nhưng các nhà đầu tư đa số đều là nhà đầu tư cá nhân và trình độ học vấn ở mức thấp. Theo khảo sát, có tới 68% số nhà đầu tư mới chưa học hết phổ thông, 25% học tiểu học và gần 6% mù chữ, còn tỷ lệ đại học, cao đẳng chỉ chiếm 12%.
Sự hấp dẫn về lợi nhuận từ xu thế tăng điểm liên tục trong giai đoạn trước đã khiến nhà đầu tư nhỏ lẻ trong nước đổ xô vào thị trường. Trong khi đó, các nhà đầu tư nước ngoài lại rút dần ra khỏi thị trường Trung Quốc trong quá trình tăng điểm, để lại lớp nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ với trình độ hiểu biết hạn chế, chạy đua theo xu hướng đầu tư phong trào.
Sau đợt sụt giảm mạnh từ cuối tháng 6 đến đầu tháng 7, cuốn trôi 3,5 nghìn tỷ USD giá trị thị trường, Chính phủ Trung Quốc đã ban hành rất nhiều các biện pháp hỗ trợ thị trường như cấm cổ đông lớn và lãnh đạo công ty niêm yết bán ra cổ phiếu trong 6 tháng, mua vào các cổ phiếu bluechip hàng đầu, điều tra hoạt động bán khống, cho phép các công ty ngưng giao dịch, hạ lãi suất, tăng chi tiêu công, tung ra các gói kích thích kinh tế.
Tuy nhiên, theo BSC, những biện pháp đó chỉ có thể giúp cải thiện tâm lý thị trường trong ngắn hạn. Và với mức P/E vẫn còn rất cao, kinh tế đang giảm tốc, việc điều chỉnh giảm của chứng khoán Trung Quốc về sát hơn giá trị thực có thể sẽ tiếp tục diễn ra.