Hiện nay, Trung Quốc là thị trường nhiều biến động nhất thế giới sau Hy Lạp. Tuy nhiên, mức độ biến động này vẫn thấp hơn 30% so với mức trung bình của 6 đợt sụt giảm mạnh khác trong lịch sử, trong đó có đợt sụt giảm tại Mỹ năm 1929, tại Nhật Bản những năm 90, và tại Thái Lan năm 1997.
Mức sụt giảm 43% so với đỉnh cao nhất của Shanghai Composite Index vẫn thấp hơn so với mức sụt giảm 78% của chỉ số Nasdaq trong thời kỳ bóng bóng dotcom năm 2000, mức giảm 57% của S&P 500 năm 2008, và mức sụt giảm 84% của Nga trong cuộc vỡ nợ năm 1998.
Theo Bloomberg, các đợt điều chỉnh kỷ lục trong lịch sử chủ yếu do khủng hoảng trong ngành ngân hàng hay bị vỡ nợ, nhưng tình hình Trung Quốc hiện nay cho thấy giá chứng khoán đã tăng quá mạnh, hơn 150% trước đó, nên thị trường có đợt điều chỉnh sâu.
Cựu chuyên gia David Loevinger của Bộ Tài chính Mỹ nhận định chứng khoán Trung Quốc đang có đợt điều chỉnh và đây không phải là một cuộc khủng hoảng tài chính mới.
Ông Loevinger cho rằng tác động của thị trường chứng khoán nước này đến nền kinh tế là có giới hạn do hầu hết nhà đầu tư là cá nhân, và họ chỉ đóng vai trò nhỏ trong việc huy động vốn của các công ty.
Số liệu của ngân hàng trung ương Trung Quốc cho thấy cổ phiếu chỉ chiếm 3% trong huy động tài chính tại nước này, thấp hơn rất nhiều so với mức 67% đi vay từ tín dụng ngân hàng.
Chỉ số Shanghai Composite Index đã giảm 23% trong 5 phiên vừa qua, mức giảm mạnh nhất kể từ năm 1996, do những lo ngại về tình trạng giảm tốc kinh tế của Trung Quốc.
Vào năm 1998, chỉ số biến động của chứng khoán Nga trong 1 năm, tính đến tháng 10/1998, đã tăng 154% sau khi Tổng thống Boris Yeltsin tuyên bố vỡ nợ 40 tỷ USD trái phiếu bằng đồng Rúp. Chỉ số S&P 500 cũng đã giảm 57% trong 2 năm, tính đến tháng 3/2009, sau khi Lehman Brothers phá sản.
Chuyên gia Clem Miller của Wilmington Trust nhận định chứng khoán Trung Quốc hiện nay giống tình trạng đổ vỡ bong bóng dotcom trước đây, trong đó sự điều chỉnh của thị trường tài chính có ảnh hưởng giới hạn đến nền kinh tế. Vì vậy, sự suy giảm chứng khoán Trung Quốc gần đây theo ông Miller không ảnh hưởng quá tiêu cực đến kinh tế nước này.
Sau đợt điều chỉnh năm 2000 của chỉ số Nasdaq, kinh tế Mỹ có sự suy thoái nhẹ năm 2001. Tuy nhiên, tăng trưởng âm của nước này chỉ tồn tại 8 tháng trước khi hồi phục trở lại.
Chỉ số Shanghai Composite Index bắt đầu được giao dịch năm 1990, sau đó tăng gấp 5 lần đến cuối năm 2005, đạt đỉnh vào tháng 10/2007, sau đó giảm 72% đến tháng 11/2008. Sau đó, chỉ số này tăng 2 lần trong chưa đầy một năm rồi lại giảm 40% tính đến tháng 6/2013.