Mở cửa phiên giao dịch ngày thứ Tư, chỉ số Shanghai Composite Index rớt 8%, nhưng đến giữa phiên đã phục hồi một phần, chỉ còn giảm 4%. Phần lớn các cổ phiếu thuộc chỉ số này đều giảm sàn – tức giảm hết biên độ 10%.
Chỉ số Shenzhen Composite Index cũng giảm 3%.
Từ khi trượt từ mức đỉnh ngày 12/6 đến thời điểm này, chỉ số Shanghai Composite Index đã giảm 32%, còn chỉ số Shenzhen Composite Index giảm tới 41%.
Theo tính toán của Tập đoàn Đầu tư Bespoke của Mỹ, vốn hóa trên thị trường chứng khoán Trung Quốc trong khoảng thời gian ngắn ngủi trên đã mất 3,25 nghìn tỷ USD.
Nếu so sánh, con số này nhiều hơn quy mô vốn hóa của toàn bộ thị trường chứng khoán Pháp và bằng khoảng 60% so với thị trường Nhật Bản.
Trong một thông báo phát đi cùng ngày, Ủy ban Điều hành Chứng khoán Trung Quốc cho biết: “Hiện tại có tâm lý hoảng loạn trên thị trường và hoạt động bán tháo cổ phiếu một cách vô căn cứ đã tăng mạnh, khiến thanh khoản trên thị trường chứng khoán bị căng thẳng".
Chính phủ Trung Quốc hiện đang làm mọi thứ có thể để cứu thị trường. Ngân hàng trung ương nước này vừa giảm lãi suất xuống mức thấp kỷ lục mới, các công ty chứng khoán cam kết mua hàng tỷ USD giá trị cổ phiếu, và các cơ quan quản lý công bố sẽ tạm hoãn các vụ niêm yết mới.
Ủy ban Điều hành Chứng khoán Trung Quốc sáng ngày 8/7 cho biết họ đang tích cực hành động để làm giảm tình trạng khủng hoảng thanh khoản trên thị trường.
Nhưng những diễn biến của thị trường cho thấy rõ ràng các nhà đầu tư chưa tin tưởng vào nỗ lực của chính phủ.
Có ít nhất 1.430 trong tổng số 2.776 công ty niêm yết tại Trung Quốc đã chọn cách tạm ngừng giao dịch khi thị trường tiếp tục rơi tự do. Con số này dự kiến sẽ còn tiếp tục tăng. Riêng trong phiên sáng ngày 8/7, hàng trăm công ty đã công bố tạm ngừng giao dịch.