Chứng khoán Trung Quốc "bay quá cao"

Có thể tìm thấy các cổ phiếu được định giá quá cao ở khắp nơi trên thị trường chứng khoán Trung Quốc.

Một công nhân ở Trung Quốc có lẽ đã dành cả năm 2014 để chật vật kiếm ăn qua ngày. Tuy nhiên, anh ta có một lựa chọn khác: mua một vài cổ phiếu và chỉ việc ngồi một chỗ trên ghế sofa. Các chỉ số chính trên TTCK Trung Quốc đã liên tiếp lập kỷ lục, trong đó chỉ số CSI300 đã tăng hơn gấp đôi. ChiNext - chỉ số gồm các công ty startup của Trung Quốc - đã tăng gấp 3 lần trong 12 tháng.

Cổ phiếu của Qtone - công ty cung cấp dịch vụ giáo dục trực tuyến - đã tăng gần 1.300% từ khi niêm yết vào đầu năm 2014 đến giữa tháng 5 năm nay. Chính lãnh đạo của Qtone cũng lên tiếng cảnh báo nhà đầu tư không nên "thổi phồng mọi thứ một cách ngu ngốc".

Có thể tìm thấy các cổ phiếu được định giá quá cao ở khắp nơi trên thị trường chứng khoán Trung Quốc. Trung bình các cổ phiếu niêm yết trên sàn Thâm Quyến - "nhà" của hầu hết các công ty công nghệ - có tỷ lệ P/E ở mức 64 lần. Con số còn lên đến 80 lần đối với các công ty nhỏ và vừa (đối với hầu hết các cổ phiếu, tỷ lệ P/E ở mức trên 25 lần được coi là đắt).

Hiện cổ phiếu ChiNext đang ở mức giá cao gấp gần 140 lần lợi nhuận của năm ngoái, tương đương với hệ số P/E của chỉ số Nasdaq trong thời kỳ bong bóng dot-com. Các công ty có cổ phiếu niêm yết ở Hồng Kông và Thượng Hải đang được giao dịch với mức giá cao hơn 30% so với các cổ phiếu ở đại lục.

Các nhà đầu tư nhỏ lẻ - vốn vẫn được coi là những "gã khờ" khi thị trường chứng khoán phát triển quá nóng và nguội đi quá nhanh - đang đổ xô đi đầu tư cổ phiếu. Chỉ trong một tuần của tháng 4, đã có hơn 4 triệu tài khoản mới được mở ra. Hơn 2/3 trong số những người mới nhập cuộc rời trường học khi chưa đến tuổi 15. Các công ty xây dựng biến hóa thành các công ty công nghệ cao chứng kiến cổ phiếu của họ tăng gấp đôi.

Đổ vỡ là hệ quả không thể tránh khỏi khi thị trường tăng điểm quá mạnh. Khó có thể dự đoán chính xác thời điểm, nhưng những dấu hiệu cảnh báo đang xuất hiện ngày càng nhiều. Diễn biến vừa qua của hai cổ phiếu Hanergy và Goldin trên sàn chứng khoán Hồng Kông chính là những dấu hiệu cảnh báo sớm. Ở các thành phố lớn, thị trường nhà đất đang nóng trở lại và sẽ kéo nhà đầu tư rời khỏi thị trường chứng khoán. Các nhà quản lý thị trường cũng bắt đầu lên tiếng cảnh báo về rủi ro.

Tuy nhiên, điều quan trọng hơn tất cả là câu hỏi nếu thị trường sụp đổ sẽ gây ra những hệ lụy như thế nào đối với nền kinh tế?

Nếu thị trường đổ vỡ, chắc chắn sẽ có một số nhà đầu tư phải gánh chịu thiệt hại. Các nhà đầu tư hành động hấp tấp vội vàng (dù là nhỏ lẻ hay nhà đầu tư định chế) đều gặp rắc rối, Không ít người đã mua cổ phiếu bằng tiền đi vay mượn. Số tiền tài trợ cho các giao dịch ký quỹ trong năm vừa qua đã tăng lên mức 2.000 tỷ nhân dân tệ (tương đương 325 tỷ USD). Theo ước tính của Credit Suisse, khối lượng mua bán cổ phiếu tài trợ bằng tín dụng đã lên đến 9% tổng giá trị vốn hóa của TTCK Trung Quốc, cao gấp 5 lần so với mức trung bình ở hầu hết các thị trường phát triển.

Tuy vậy, những hệ lụy đối với nền kinh tế Trung Quốc sẽ nhỏ hơn so với những gì diễn ra khi một bong bóng tương tự vỡ tung ở Mỹ hoặc châu Âu. Các sàn giao dịch chứng khoán của Trung Quốc vẫn có quy mô nhỏ khi đặt trong tương quan so sánh với quy mô của nền kinh tế. Với tỷ lệ vốn hóa thị trường tự do chuyển nhượng (FFMC) vào khoảng 40% GDP, vốn hóa thị trường của ChiNext tương đương chưa đến 10% GDP. Ở hầu hết các thị trường phát triển, con số trong trường hợp tương tự sẽ lên đến hơn 200%.

Nhiều người cũng nghĩ rằng đà tăng của TTCK Trung Quốc sẽ thúc đẩy tiêu dùng vì nhà đầu tư cảm thấy họ giàu có hơn. Tuy nhiên, trên thực tế, các hộ gia đình đã phân bổ gần 10% tài sản của họ vào cổ phiếu.

Cơ chế điều chỉnh của chứng khoán Trung Quốc cũng giúp giảm tác động đối với nền kinh tế. TTCK Hồng Kông không có "cầu dao tự động" - cơ chế giới hạn biên độ mà giá của một cổ phiếu có thể tăng lên hay giảm xuống mà không bị ngừng giao dịch. Ngược lại, biên độ dao động tối đa của các cổ phiếu ở thị trường đại lục chỉ ở mức 10%. Điều này có nghĩa là những đợt điều chỉnh sẽ đi theo đường xoắn ốc thay vì lao dốc thẳng đứng.

Tuy nhiên, trong dài hạn, thị trường đổ vỡ sẽ "phủ bóng đen" lên sự phát triển của thị trường chứng khoán Trung Quốc. Sau khi bùng nổ năm 2007, thị trường này phải mất tới gần 7 năm để quay lại chu kỳ tăng giá mạnh. Nhà đầu tư mất hết niềm tin và những vướng mắc về luật pháp khiến thị trường đóng băng.

Giới phân tích cho rằng ngày nay Trung Quốc sẽ phải trả giá đắt hơn vì hai lý do. Thứ nhất, trong mấy năm gần đây kinh tế Trung Quốc ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào đi vay: tổng nợ đã tăng từ mức 150% GDP của năm 2008 lên 250%. Các công ty cần phải huy động vốn qua kênh phát hành cổ phiếu để đa dạng hóa nguồn tài trợ đồng thời giảm áp lực cho hệ thống ngân hàng đang chịu áp lực từ nợ xấu.

Thứ hai, quá trình tự do hóa thị trường tài chính có thể bị chững lại. Mới đây Trung Quốc đã đạt được những bước tiến ấn tượng trong lĩnh vực này, ví dụ như thả nổi lãi suất cho vay cũng như lãi suất huy động hay nới lỏng các quy định kiểm soát vốn. Thị trường biến động quá mạnh sẽ khiến các nhà quản lý chùn chân. Tuy nhiên, đây sẽ là một sai lầm. Điều mà Trung Quốc cần là cải cách nhiều hơn nữa. Trung Quốc không thể loại bỏ hoàn toàn những con sóng lớn trên thị trường nhưng hoàn toàn có thể loại bỏ tình trạng thị trường bị bóp méo.