Thị trường chứng khoán Trung Quốc tiếp tục xu thế đi xuống trong phiên 30/6. Trong phiên sáng nay, chỉ số Sanghai Composite Index có lúc giảm đến 5,1%.
Giám đốc Gerry Alfonso của Shenwan Hongyuan Group nhận định rằng rất khó trấn an nhà đầu tư sau những đợt điều chỉnh giảm mạnh của thị trường vừa qua. Giao dịch cho vay ký quỹ đang là một vấn đề lớn trên thị trường và biến động là điều không thể tránh khỏi, dù được chính phủ hỗ trợ.
Biểu đồ chứng khoán Trung Quốc từ năm 2005
Chứng khoán Thượng Hải đã giảm phiên thứ 4 liên tiếp vào ngày 29/6 và đã mất 20% so với mức đạt được trong phiên 12/6.
Hiện các nhà đầu tư và chuyên gia đang có cùng câu hỏi rằng liệu chứng khoán Trung Quốc có tái diễn tình hình của năm 20017 hay không? Vào khoảng giữa năm 2007, chứng khoán Trung Quốc giảm 17% sau đó lại tăng lên mức cao kỷ lục. Sau đó 3 tháng, một đợt bán tháo diễn ra khiến thị trường giảm 72% giá trị. Vậy tình hình hiện nay là sự bắt đầu cho đợt sóng mới hay bán tháo?
Sau khi tăng hơn 150% kể từ phiên 12/6, chỉ số Shanghai Index đã liên tiếp có những phiên giảm điểm mạnh. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) vừa có những động thái hỗ trợ như hạ lãi suất và tỷ lệ dự trữ bắt buộc vào ngày 27/6 nhằm khôi phục niềm tin của nhà đầu tư. Tuy nhiên, những động thái này có vẻ không hiệu quả khi thị trường vẫn giảm 3,34% phiên 29/6.
Mới đây nhất, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã cho phép các quỹ an sinh xã hội tham gia thị trường chứng khoán, đồng thời xem xét hoãn các đợt IPO do lo ngại xu thế “đảo chiều” của các khoản đầu tư ký quỹ. Các quan chức chính phủ cũng viện dẫn số lượng mở tài khoản mới trên thị trường chứng khoán nhằm trấn an rằng rủi ro giao dịch cho vay ký quỹ vẫn “trong tầm kiểm soát.” Mặc dù vậy, xu thế bán ra của nhà đầu tư trong vài phiên gần đây vẫn tăng mạnh.
Theo HSBC, các chính sách hỗ trợ của chính phủ có thể hạn chế sự suy giảm mạnh của thị trường chứng khoán, nhưng nhà đầu tư hầu như sẽ bán ra để hiện thực hóa lợi nhuận và trả nợ vay ký quỹ. Đây có thể là điểm kết cho xu thế đi lên trên thị trường Trung Quốc dựa vào những tác động tích cực từ chính sách của nhà nước, đồng thời là dấu hiệu cho những động thái nới lỏng tiền tệ tiếp theo. Trung Quốc hiện đang cố gắng sử dụng thị trường chứng khoán để giúp các doanh nghiệp quốc doanh và ngành kinh tế chủ chốt huy động vốn.
Trên thực tế, chứng khoán Trung Quốc đáng lẽ phải suy giảm từ lâu. Đà tăng điểm dài kỷ lục trên thị trường này là do định hướng của chính phủ hơn là các yếu tố thực tế, được thúc đẩy bởi PBOC và tính chất “bầy đàn” của công chúng. Liệu chính quyền Bắc Kinh có tiếp tục áp đặt giá cổ phiếu, hay là họ buộc phải để thị trường quay về với việc tự điều chỉnh? Đây là một quyết định khó khăn bởi với việc tăng điểm mạnh bất hợp lý trước đó, chứng khoán Trung Quốc có nguy cơ đổ vỡ nếu thiếu sự giúp đỡ của chính phủ.
Tình hình chứng khoán Trung Quốc hiện thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên gia quốc tế bởi nếu quốc gia có giao dịch thương mại lớn nhất thế giới này gặp vấn đề về thị trường vốn, tác động có thể lan đến nhiều nền kinh tế khác nhau trên toàn cầu.
Nếu trường hợp xấu nhất xảy ra, sự hồi phục kinh tế của Nhật bản sẽ bị ảnh hưởng nặng, Australia sẽ lâm vào suy thoái lần đầu tiên trong 1/4 thế kỷ, hàng loạt các nước như Hàn Quốc, Indonesia và Ấn Độ sẽ bị tổn thương, giao dịch thương mại sẽ bị đình trệ tại nhiều nước đối tác với Trung Quốc. Chính quyền Bắc Kinh hiểu điều này và họ đã cố gắng bằng mọi cách để bình ổn thị trường chứng khoán, nhưng tình hình hiện nay cho thấy kết quả chưa được như ý muốn.
Theo cựu quan chức PBOC Yu Yongding, việc tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ là điều không thể tránh khỏi khi chỉ số giá sản xuất (PPI) ở dưới mức tiêu chuẩn 50 điểm tháng thứ 39 liên tiếp. Theo ông Yu, vòng xoáy giảm phát diễn ra tại thời điểm tăng trưởng kinh tế chậm và tín dụng ở mức cao sẽ là ác mộng tồi tệ nhất với Trung Quốc.
Chuyên gia kinh tế Chen Long của Gavekal Dragonomics cho rằng những thách thức của tăng trưởng chậm và nợ cao sẽ đẩy Trung Quốc đến gần chính sách lãi suất gần bằng 0% như nhiều nền kinh tế đã thực hiện.
Thật không may, việc giảm chi phí đi vay chỉ khuyến khích những “con nợ” vô trách nhiệm như các tập đoàn quốc doanh. Trong khi đó, tình hình tín dụng tại Trung Quốc đã lên mức báo động với tổng nợ vượt quá 3,7 nghìn tỷ USD (tương đương tổng GDP của Đức). Những biện pháp kích thích kinh tế thông thường của chính phủ đã mất hiệu lực khi ngành sản xuất bị dư thừa công suất và các thành phố ma ngày càng nhiều.
Đáng lẽ ra, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể cải thiện tình hình bằng việc cải cách các doanh nghiệp quốc doanh, thúc đẩy khu vực kinh doanh tư nhân. Thay vào đó, ông Tập lại thúc đẩy thị trường chứng khoán trong 10 tháng qua bằng nguồn lực của chính phủ. Hậu quả ngay lập tức rõ ràng, các công ty tích cực huy động vốn từ cổ phiếu và IPO để trả nợ. Đồng thời, các hộ gia đình bị thúc đẩy bởi lợi nhuận lớn và tiếp tục đổ tiền vào đầu tư cổ phiếu.
Nếu thị trường giảm điểm, chính phủ sẽ tiếp tục hỗ trợ để tăng giá cổ phiếu. và tình trạng này tiếp diễn cho đến phiên đỉnh 12/6. Kể từ phiên suy giảm mạnh 7,4% ngày 26/6, chính quyền Bắc Kinh đã áp dụng nhiều biện pháp kích thích nhưng chưa thành công.
Một số chuyên gia cho rằng cuộc khủng hoảng tại Hy Lạp có ảnh hưởng đến sự giảm điểm này, nhưng rõ ràng là “sự kỳ diệu” của các chính sách hỗ trợ từ chính phủ đang mất dần vị thế. Khi nhà đầu tư thoát khỏi tâm lý bầy đàn và thực sự nhận ra điều gì đang diễn ra trên thị trường, chính quyền Bắc Kinh có thể sẽ là mục tiêu chính cho các lời chỉ trích.