Xói mòn uy tín
Sau khi thị trường chứng khoán Trung Quốc trải qua một “ngày thứ 2 đen tối” nữa, các nhà đầu tư đang tập trung sự chú ý vào chính quyền Bắc Kinh khi các nhà lãnh đạo đang phải đối mặt với tình hình vô cùng khó khăn cũng như đang bị xói mòn nghiêm trọng về uy tín.
Hàng loạt các biện pháp can thiệp của chính phủ đã được đưa ra trong 1 tháng qua, bao gồm lệnh cấm các nhà quản lý bán cổ phần trong công ty, tạm dừng IPO, buộc các quỹ đầu tư nhà nước mua vào và tăng cường hỗ trợ tín dụng trên thị trường. Trong 3 tuần liên tiếp sau những động thái của chính phủ, chứng khoán nước này đã tăng liên tục. Nhưng đến phiên 27/7, thị trường này lại giảm mạnh 8,5%.
Những động thái can thiệp mạnh của chính quyền Bắc Kinh đã dẫn đến hậu quả là nhà đầu tư chỉ mong chờ sự can thiệp lớn hơn của chính phủ mỗi khi thị trường đi xuống.
Tại Trung Quốc, cổ phiếu chỉ được phép biến động tối đa 10% trong phiên, nếu không sẽ bị ngừng giao dịch. Ngày 27/7 vừa qua, hơn 60% các cổ phiếu trên sàn Thượng hải và Thẩm Quyến đã vượt giới hạn 10% và bị đình chỉ giao dịch, qua đó cho thấy 8,5% không phải là con số thực tế nếu thị trường được giao dịch tự do.
Trong tình hình Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) được dự báo sắp nâng lãi suất, rủi ro rút vốn khỏi thị trường Trung Quốc rất cao . Bên cạnh đó, đồng USD tăng giá có thể khiến lạm phát tại Trung Quốc gia tăng khiến ngân hàng trung ương nước này gặp khó khi tiếp tục chính sách nới lỏng tiền tệ để hỗ trợ chứng khoán và tín dụng.
Việc chứng khoán giảm mạnh phiên 27/7 sẽ gia tăng áp lực lên chính quyền Bắc Kinh trong việc tiếp tục hạ lãi suất và tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng, đặc biệt là khi tăng trưởng GDP tiếp tục giảm tốc.
Kinh tế Trung Quốc chỉ tăng trưởng 7,4% trong năm 2014, mức chậm nhất trong 24 năm qua, và đang phải vật lộn để đạt mục tiêu 7% năm nay. Trong 2 quý đầu tiên của năm 2015, nền kinh tế nước này chỉ tăng trưởng đúng 7%.
Hàng loạt những quan chức và cựu lãnh đạo đã kêu gọi chính quyền Bắc Kinh hành động hơn nữa để thúc đẩy tăng trưởng, vốn đã bị xói mòn bởi bong bóng bất động sản cũng như suy giảm lợi nhuận doanh nghiệp.
Giám đốc bộ phận dự báo kinh tế Zhu Baoliang của Trung tâm Thông tin Quốc gia (SIC) thuộc chính phủ cho biết việc thị trường chứng khoán giảm mạnh đang làm tổn thương đến nền kinh tế và các nhà lãnh đạo cần phải hạ lãi suất cũng như nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa.
Những số liệu chính thức được công bố ngày 27/7 cho thấy lợi nhuận của các doanh nghiệp Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm đã giảm 0,7%.
Ngoài ra, nhiều chuyên gia phân tích đã phàn nàn về những dự báo quá tích cực của các quan chức về mọi mặt của nền kinh tế Trung Quốc thời gian gần đâycàng làm xói mòn hơn nữa uy tín của chính phủ.
Trong những cuộc họp với các quan chức nước ngoài thời gian gần đây, Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường đã liên tục đảm bảo Trung Quốc sẽ đạt được mục tiêu kinh tế của mình và tiếp tục phát triển mạnh mẽ.
Suy giảm cũng có ý nghĩa tích cực
Không khí lo lắng ngập tràn thị trường chứng khoán Trung Quốc khi có đợt suy giảm lớn nhất kể từ năm 2007. Tuy nhiên, đây cũng có thể là tín hiệu tốt để chính quyền Trung Quốc nhận ra đường lối phát triển kinh tế sai lầm.
Tại sao việc chứng khoán giảm làm xói mòn uy tín của lãnh đạo Trung Quốc lại là điềm tốt? Bởi đây là một nhắc nhở với các nhà đầu tư Trung Quốc về tính hợp lý của thị trường cũng như với các quan chức về việc can thiệp quá sâu đối với sự tự do lưu thông nguồn vốn.
Kể từ giữa tháng 6/2015, khi chứng khoán Trung Quốc bắt đầu trượt dốc, chính quyền Bắc Kinh đã thử nhiều cách để cứu vãn thị trường, nhưng những động thái này chỉ giúp thị trường chứng khoán mà không có tác dụng nhiều trong việc cải thiện nền kinh tế và hệ thống tài chính.
Cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Henry Paulson nhận định kinh tế Trung Quốc rất dễ bị tổn thương vào thời điểm này bởi nền kinh tế dù tăng trưởng nhưng thị trường vốn lại bị “lạc hậu”.
Theo ông, rõ ràng những động thái trái ngược với tính hợp lý của thị trường từ chính phủ Trung Quốc đã khiến tình hình ngày càng bất ổn. Hiện tại, chính quyền Bắc Kinh nên giảm tốc độ mở cửa hệ thống tài chính và thậm chí nên từ bỏ việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế sang phụ thuộc thị trường tiêu dùng nhằm bình ổn tình hình. Việc bảo vệ các nhà đầu tư Trung Quốc là điều dễ hiểu, nhưng cách tốt nhất để làm điều đó là tạo ra một thị trường vốn hiện đại hơn là bị can thiệp quá sâu như hiện nay.
Sự suy giảm mạnh của chứng khoán Trung Quốc cũng khuyến cáo ông Tập Cập Bình nên tập trung vào cải cách những vấn đề cốt lõi của nền kinh tế, hơn là đảm bảo sự sôi động của thị trường chứng khoán. Hơn nữa, việc điều hành thị trường vốn bằng cách can thiệp mạnh tay từ chính phủ chỉ gây nên nhiều tác dụng phụ.
Rõ ràng, các quy định mới đây của chính quyền Bắc Kinh đã cản trở việc gia nhập rổ các đồng tiền dự trữ trong Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hay việc các cổ phiếu sàn Thượng Hải được thêm vào trong cách tính của chỉ số chứng khoán quốc tế MSCI.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình
Theo cựu bộ trưởng Paulson, chưa có một quốc gia với thu nhập cao nào có nền kinh tế đóng cửa và các tài sản bị định giá sai. Do đó, nếu Chủ tịch Tập trì hoãn áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong phân bổ nguồn vốn, tạo sự minh bạch trên thị trường thì Trung Quốc có thể trải nghiệm sự đổ vỡ bong bóng như Nhật Bản trong thập niên 90.
Hãng tin Bloomberg News gần đây cho biết IMF đang thúc dục các nhà lãnh đạo Trung Quốc dỡ bỏ các biện pháp can thiệp thị trường chứng khoán.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Zhu Guangyao nói rằng thách thức hiện nay là làm thế nào để dỡ bỏ các biện pháp hỗ trợ mà không gây “sự cố.”
Tuy nhiên, việc thị trường giảm mạnh phiên 27/7 không làm các lãnh đạo Trung Quốc “tỉnh mộng” mà tiếp tục lấn sâu hơn vào vòng nguy hiểm. Người phát ngôn Zhang Xiaojun của Ủy ban chứng khoán Trung Quốc cho biết nước này sẽ tiếp tục ổn định thị trường và ngăn chặn rủi ro hệ thống.
Thị trường chứng khoán Thượng Hải đã xuống dưới ngưỡng 3.800 điểm và nhà đầu tư đang mất dần niềm tin. Tình hình bất ổn vẫn diễn ra ngay cả khi hơn 50% cổ phiếu bị ngững giao dịch. Liệu có phải ông Tập đã mất kiểm soát đối với thị trường?
Đáng lẽ ra, nên tập trung chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế và mở cửa hệ thống tài chính, thì những gì chính quyền Bắc Kinh làm cho tới nay không gì ngoài đối phó với những nhà đầu tư đặt lệnh bán.
Hiện chứng khoán Trung Quốc chỉ có 2 con đường có thể đi: Là dựa trên tính hợp lý của thị trường để đảm bảo cổ phiếu có giá trị thực, hoặc tiếp tục can thiệp thị trường và chống lại những nhà đầu cơ muốn “tháo chạy.” Với các tuyên bố mới đây, có vẻ chính quyền Bắc Kinh sẽ lại lựa chọn phương án thứ 2.