Hiện tại, các nhà đầu tư không biết chắc liệu Fed sẽ hành xử ra sao trước những số liệu mới nhất, với tâm lý ngày càng lo ngại rằng bà Yellen và các đồng nghiệp của bà có lẽ đã quá lạc quan.
Các quan chức khác của Fed cũng sẽ có các bài phát biểu trong tuần này, trong đó có Chủ tịch Charles Evans của Fed Chicago, Chủ tịch John Williams của Fed San Francisco và Phó chủ tịch Fed Stanley Fischer.
Thị trường cũng đang chờ biên bản cuộc họp tháng 4/2015 của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) của Fed được công bố vào thứ Tư. Trong cuộc họp đó, FOMC đã để ngỏ khả năng tăng lãi suất vào tháng 6 tới.
Tuần trước, thị trường đã đón nhận những số liệu không mấy khả quan.
Các báo cáo hôm thứ Sáu tuần trước cho thấy niềm tin người tiêu dùng Mỹ bất ngờ giảm trong tháng 5 với mức giảm mạnh nhất trong vòng 2 năm, còn sản lượng công nghiệp của Mỹ cũng bất ngờ giảm trong tháng 4. Ngoài ra, hoạt động chế biến chế tạo tại khu vực New York trong tháng 5 tăng thấp hơn so với dự đoán.
Giới phân tích cho rằng những số liệu đang gây ra lo ngại rằng hoạt động yếu kém trong quý I đang tác động lên quý II.
Tuy nhiên, chứng khoán lại tăng và chỉ số S&P 500 chạm mức kỷ lục mới, do dự đoán Fed sẽ duy trì chính sách hiện tại trong ít nhất vài tháng tới.
Tính chung cả tuần, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 0,45%, chỉ số Standard & Poor's 500 tăng 0,31%, còn chỉ số Nasdaq tăng 0,89%.
Tại Châu Âu, chỉ số chứng khoán Stoxx 600 của toàn Châu Âu giảm 0,9% trong tuần trước, trong khi chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 1,2%.
Các báo cáo quan trọng tại Châu Âu sẽ được công bố trong tuần này là số liệu cán cân thương mại và chỉ số CPI của khối Euro, chỉ số tâm lý kinh tế ZEW và chỉ số giá sản xuất của Đức, chỉ số PMI và tâm lý người tiêu dùng của khối Euro, báo cáo GDP của Đức.
Tại Mỹ, nhà đầu tư sẽ theo dõi báo cáo về thị trường nhà đất, chỉ số giá tiêu dùng, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp và chỉ số PMI ngành sản xuất.