Rủi ro xuất phát từ thị trường tài chính toàn cầu
Thị trường chứng khoán Việt Nam trong quý III đã chịu ảnh hưởng nặng nề từ diễn biến thị trường tài chính toàn cầu với hai yếu tố chính là sự suy giảm của nền kinh tế và TTCK Trung Quốc hay khả năng FED nâng lãi suất trong tháng 9. Trong quý 4, BVSC cho rằng diễn biến thị trường tài chính toàn cầu vẫn sẽ có những ảnh hưởng nhất định, đặc biệt tác động đến từ hoạt động mua bán ròng của khối ngoại.
Đối với diễn biến của nền kinh tế Trung Quốc, BVSC cho rằng đây sẽ vẫn là yếu tố gây nhiều quan ngại cho giới đầu tư toàn cầu. Việc Trung Quốc suy giảm đà tăng trưởng sẽ ảnh hưởng mạnh đến đà hồi phục kinh tế toàn cầu, đặc biệt có 2 nhóm chịu tác động mạnh là nhóm các quốc gia xuất khẩu nguyên vật liệu chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu xuất khẩu (do giá nguyên vật liệu giảm mạnh) và những nước đang phát triển có giao thương thương mại lớn với Trung Quốc, trong đó có Việt Nam.
Bên cạnh đó, đà lao dốc mạnh của TTCK Trung Quốc cũng như việc phá giá đồng Nhân Dân Tệ mặc dù BVSC cho rằng khó có thể lặp lại trong quý IV năm nay nhưng vẫn được xem là yếu tố rủi ro tiềm ẩn gây ảnh hưởng tiêu tâm lý nhà đầu tư toàn cầu.
Về khả năng tăng lãi suất của FED, BVSC cho rằng nhiều khả năng FED sẽ có quyết định tăng lãi suất vào tháng 11 hoặc 12 với biên độ chỉ ở mức 0,25%.
Đợt tăng đầu tiên này về cơ bản sẽ không còn gây bất ngờ cho nhà đầu tư hay nói cách khác, đa số các quỹ đầu tư đã chủ động dự báo và có các quyết ịnh điều chỉnh danh mục từ trước đó. Những động thái điều hành tỷ giá và lãi suất của NHNN Việt Nam gầy đây cũng đã phần nào dự trù trước bước đi này của FED. Như vậy, nếu đúng kịch bản dự báo với mức tăng thấp 0,25%; BVSC cho rằng diễn biến TTCK sẽ không chịu nhiều tác động bất lợi từ yếu tố này trong quý IV.
Tác động từ diễn biến giảm của giá hàng hóa
BVSC cho biết, giá cả các loại hàng hóa trong vài quý gần đây cho thấy xu hướng giảm rõ nét với nguyên nhân chính từ nhu cầu tiêu thụ sụt giảm (nguyên nhân do kinh tế Trung Quốc suy giảm đà tăng trưởng khiến cầu tiêu thụ của quốc gia này giảm mạnh) trong khi nguồn cung tiếp tục gia tăng (dễ thấy ở thị trường dầu thô với việc Mỹ phát triển công nghệ khai thác dầu đá phiến).
Diễn biến giảm của giá nguyên vật liệu có tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp khai thác hoặc các doanh nghiệp sử dụng nguyên vật liệu đầu vào chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành sản phẩm.
Về diễn biến giá dầu, theo BVSC, nguồn cung tiềm tàng từ dầu đá phiến sẽ khiến giá dầu khó hồi phục mạnh. Bên cạnh đó, tín hiệu suy giảm nhanh hơn dự báo của nền kinh tế Trung Quốc khiến nhu cầu năng lượng được dự đoán sẽ tiếp tục giảm. Ngoài ra, các nền kinh tế mới nổi – động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thế giới những năm qua – đang có xu hướng giảm tốc.
Vì vậy, giá dầu có thể sẽ vẫn duy trì ở mức thấp trong quý IV sắp tới. Về trung hạn từ nay đến những tháng nửa đầu năm 2016, giá dầu nhiều khả năng dao động trong vùng từ $40 - $60/thùng, và khó có thể tăng trên mức $60.
Xét về tác động của giá dầu đến các ngành nghề cụ thể, diễn biến giảm của giá dầu khiến biên lợi nhuận của nhóm cổ phiếu ngành dầu khí chịu tác động mạnh, đặc biệt đối với các doanh nghiệp upstream do giá bán đầu ra bị điều chỉnh.
Ngược lại, các doanh nghiệp ngành vận tải (PVT, VSC, VNS...) với chi phí đầu vào chủ yếu là xăng dầu, chiếm 40% đến 50% tổng chi phí, hay các doanh nghiệp nhựa (BMP, NTP...), phân đạm (DCM, DPM...) có khả năng kiểm soát giá đầu ra tốt sẽ được hưởng lợi từ diễn biến giảm của giá dầu.
Về thị trường cao su, giá cao su thế giới đã đi theo chiều hướng giảm liên tiếp suốt 5 năm qua.
Ngành cao su của Việt Nam do xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 62% tổng khối lượng cao su xuất khẩu, cũng đã chịu thiệt hại đáng kể như các doanh nghiệp DPR, PHR, TRC… đều ghi nhận lợi nhuận gộp nửa đầu năm 2015 giảm so với cùng kỳ năm ngoái, đặc biệt PHR sụt giảm 63,3% trong khi TRC cũng sụt giảm 36,2%.
Mặc dù, dự báo về khả năng Trung Quốc mở lại cửa khẩu Móng Cái nhập nguyên liệu cho sản xuất săm lốp khu vực đông nam của nước này giúp tạo kỳ vọng giá cao su trong nước có thể tăng nhẹ trong những tháng cuối năm, tuy nhiên điều này chỉ giúp cải thiện phần nào kết quả hoạt động kinh doanh năm 2015 không mấy tích cực của các doanh nghiệp cao su tự nhiên.
Dự báo quý IV/2015 và sang đến nửa đầu năm 2016, giá cao su thiên nhiên khả năng phục hồi yếu ớt do sức ép giá dầu và việc dư cung toàn cầu trong khi tổng cầu giảm. Ngược lại, các doanh nghiệp ngành săm lốp tiếp tục được hưởng lợi khá lớn nhờ giá mủ cao su (chiếm hơn 50% tổng chi phí đầu vào) giảm mạnh như DRC, CSM, SRC…
Ngoài ra, các nguyên vật liệu khác như thép phế, đồng cũng đang rơi vào chu kỳ giảm có thể giúp các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên vật liệu là các loại hàng hóa này hưởng lợi. Tuy nhiên, do áp lực giảm giá bán đầu ra nên chỉ các doanh nghiệp quản lý tốt hàng tồn kho mới tận dụng được chu kỳ giảm giá này.
Cụ thể có thể kể đến các doanh nghiệp ngành dây cáp và thiết bị điện như CAV, DQC, RAL... hay doanh nghiệp thép như POM, HSG...