Chứng khoán phái sinh và những lợi ích mang lại

Ủy ban Chứng Khoán Nhà Nước và các Sở ban ngành có liên quan đã có lộ trình cụ thể phát triển những sản phẩm phái sinh trên thị trường chứng khoán (TTCK) đến 2016.

Một trong những nhóm giải pháp được đưa vào nghiên cứu là Hợp đồng tương lai (Futures), dự kiến có thể đưa vào giao dịch trong năm 2015 nếu khung cơ sở pháp lý được hoàn tất.

Sản phẩm phái sinh vẫn còn là khái niệm khá lạ lẫm đối với phần lớn các nhà đầu tư trên thị trường Chứng khoán Việt Nam. Cách hiểu thông dụng nhất đối với thuật ngữ này là: một công cụ đầu tư tài chính mà giá trị của nó biến đổi dựa trên giá trị của tài sản cơ sở tương ứng. Ngoài ra:

(1) Các sản phẩm phái sinh được giao dịch dưới hình thức hợp đồng phái sinh – đi kèm với một khuôn khổ pháp lý nhất định. Các bên tham gia hợp đồng phái sinh bao gồm bên bán (giữ vị thế bán sản phẩm phái sinh – short position) và bên mua (giữ vị thế mua sản phẩm phái sinh – long position). Trong các hợp đồng phái sinh, bên bán luôn phải thực hiện một nghĩa vụ nhất định đối với bên mua, tại thời điểm hiện tại hoặc trong tương lai.

(2) Việc giao dịch sản phẩm phái sinh cho phép người nắm giữ có khả năng ghi nhận lãi/lỗ trước khi giao dịch được thực sự diễn ra trên tài sản cơ sở.

(3) Sản phẩm phái sinh có đặc điểm tương tự như các sản phẩm bảo hiểm trong việc quản trị rủi ro, hoán chuyển rủi ro giữa các bên tham gia hợp đồng phái sinh. Tuy vậy, bản chất rủi ro vẫn không thay đổi và luôn được đi kèm với tài sản cơ sở.

Lợi ích của chứng khoán phái sinh

Trên thực tế, định nghĩa “sản phẩm phái sinh” theo lịch sử phát triển của nhiều TTCK quốc tế thường bị nhầm lẫn khi số lượng các công cụ và sản phẩm tài chính tăng lên rất nhanh theo thời gian. Một ví dụ điển hình có thể kể tới như trường hợp của các quỹ ETF (Exchange-traded Funds); mặc dù giá trị của chứng chỉ quỹ ETFbản chất cũng được xuất phát từ giá trị của danh mục bao gồm nhiều cổ phiếu cơ sở, tuy nhiên chúng chưa bao giờ được xem như một “sản phẩm tài chính phái sinh”. Vì vậy, có một số lưu ý cơ bản về sản phẩm này mà nhà đầu tư nên biết trước khi đưa ra quyết định có nên sử dụng chúng hay không

(1) Bằng việc sử dụng những sản phẩm tài chính phái sinh, nhà đầu tư có thể đưa ra nhiều chiến lược đầu tư, cũng như cách tiếp cận mới để quản trị rủi ro mà thông thường sẽ không tạo ra được chỉ với bằng những tài sàn cơ sở.

· Ví dụ điển hình là tồn tại một sản phẩm phái sinh với tên gọi “quyền chọn bán” cho phép giới đầu tư đầu cơ giá xuống. Như nhiều chuyên gia đã nhận định rằng thị trường Chứng khoán Việt Nam chỉ chuyển động một chiều (Thị trường lên thì mua, thị trường xuống thì bán), “quyền chọn bán” sẽ giúp giải quyết vấn đề này, cũng như quản trị rủi ro giá xuống cho người nắm giữ chứng khoán tương ứng, hoặc cho phép “bán khống” (short sell) một cách hợp pháp.

· Sử dụng đòn bẩy tài chính : mặc dù Thông tư 36 ra đời đã hạn chế việc sử dụng đòn bẩy (margin) của nhà đầu tư chứng khoán thông qua việc thắt chặt nguồn cung tín dụng từ phía các Ngân hàng Thương mại. Tuy nhiên, đặc trưng của sản phẩm phái sinh là chi phí để sở hữu chúng thường thấp hơn giá trị của tài sản cơ sở rất nhiều, nhưng sản phẩm phái sinh lại cho phép người dùng ghi nhận lợi nhuận hệt như đang nắm giữ tài sản cơ sở (tại thời điểm hợp đồng phái sinh đáo hạn, hoặc bên có nghĩa vụ thực hiện thanh lý hợp đồng). Theo đó, nhà đầu tư chỉ cần sở hữu 100 sản phẩm phái sinh (giả sử có tổng chi phí sở hữu bằng một tài sản cơ sở) là có thể mang lại lợi nhuận tương đương với việc nắm giữ 100 tài sản cơ sở.

(2) Các sản phẩm phái sinh giúp hạn chế và quản trị rủi ro khi tham gia đầu tư tài chính chứ không thể triệt tiêu toàn bộ rủi ro. Lấy ví dụ như khi hai bên tham gia hợp đồng kỳ hạn (Forwards) hay hợp đồng tương lai (Futures), trong khi những hợp đồng này giúp các bên tham gia quản trị rủi ro hàng hóa mất giá (hoặc tăng giá) thì rủi ro tín dụng rằng một trong hai bên tham gia hợp đồng mất khả năng thanh toán vẫn hiện hữu.

Đồng thời, sự ra đời của các sở giao dịch, trung tâm lưu ký, thanh toán bù trừ chỉ góp phần hạn chế tối đa rủi ro cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ tham gia thị trường phái sinh.

(3) Tăng sức hấp dẫn cho thị trường chứng khoán, thu hút dòng vốn đầu tư từ nhà đầu tư nước ngoài, giải quyết vấn đề thiếu hụt room khối ngoại:

· Việc đa dạng hóa công cụ đầu tư chắc chắn sẽ làm tăng sức hấp dẫn cho thị trường chứng khoán.Điển hình là là các hợp đồng tương lai chỉ số (hợp đồng tương lai chỉ số VN-Index, HNX-Index, hay các bộ chỉ số ngành) cho phép nhà đầu tư tham gia “đầu tư trực tiếp vào VN-Index (hoặc HNX-Index)” hệt như đang tham gia đầu tư vào một cổ phiếu nhất định. Tác dụng rõ ràng nhất của việc “đầu cơ chỉ số” là giúp nhà đầu tư loại bỏ hoàn toàn Rủi ro công ty (company specific risk)

· Ngoài ra, sự ra đời của các công cụ phái sinh còn có thể phần nào giải quyết vấn đề thiếu hụt room cho khối ngoại. Cụ thể, thay vì trực tiếp nắm giữ, nhà đầu tư nước ngoài có thể nắm giữ sản phẩm phái sinh (quyền chọn mua/quyền chọn bán) với tài sản cơ sở là chính cổ phiếu/chứng khoán đó. Như vậy, trừ khi tổ chức nước ngoài muốn trở thành cổ đông chiến lược thì mọi hình thức đầu tư từ đầu tư giá trị tới đầu cơ ngắn hạn đều được thỏa mãn bởi các công cụ phái sinh.

(4) Thanh toán linh hoạt: Sự linh hoạt trong thanh toán không khác gì so với khi giao dịch cổ phiếu/chứng khoán khiến các sản phẩm phái sinh trở nên rất hấp dẫn. Đối với một vài sản phẩm phái sinh điển hình đã có lộ trình phát triển tới 2015-2016 tại Việt Nam:

· Đối với các hợp đồng quyền chọn (Options): hiện tại trên thế giới tồn tại hai hình thức hợp đồng quyền chọn phổ biến. Loại thứ nhất cho phép nhà đầu tư nắm giữ tất toán hợp đồng tại một thời điểm đáo hạn duy nhất (theo hợp đồng quyền chọn kiểu Châu Âu - European Options) sau khi kết thúc kỳ hạn hợp đồng. Loại thứ hai cho phép nhà đầu tư nắm giữ linh hoạt tất toán hợp đồng tại bất kỳ thời điểm nào trước khi hợp đồng đáo hạn (theo hợp đồng quyền chọn kiểu Mỹ - American Options)

· Đối với các hợp đồng tương lai (Futures): là sản phẩm mà Ủy ban chứng khoán và các Sở ban ngành có liên quan đang lên kế hoạch xây dựng phát triển. Khác với hợp đồng quyền chọn, hợp đồng tương lai linh hoạt hơn rất nhiều bởi bất cứ khi nào muốn tất toán hoặc thanh lý hợp đồng, các bên giao dịch có thể tham gia vào một hợp đồng tương lai tương tự nhưng có vị thế trái ngược với hợp đồng ban đầu (nếu lúc đầu tham gia ở vj thế bán thì lúc sau có thể tham gia ở vị thế mua) và đảm bảo thời gian đáo hạn của hai hợp đồng là trùng khớp nhau.

Các loại chứng khoán phái sinh thường dùng cho thị trường chứng khoán.

Lịch sử phát triển của thị trường chứng khoán thế giới chứng kiến sự ra đời của rất nhiều các sản phẩm phái sinh, phần lớn trong số đó được xây dựng dựa trên tài sản cơ sở là Chứng khoán (cổ phiếu, trái phiếu… ). Dưới đây là một số sản phẩm phái sinh thường được dung cho thị trường chứng khoán:

(1) Hợp đồng kỳ hạn (Forwards) và Hợp đồng tương lai (Futures): Hai loại hợp đồng phái sinh này về cơ bản khá giống nhau. Các bên tham gia hợp đồng phái sinh mong muốn cố định mức giá của tài sản cơ sở để tiện cho việc giao dịch trong tương lai. Trong khi Hợp đồng kỳ hạn được thỏa thuận trực tiếp trên bàn đàm phán, diễn ra tại các thị trường OTC thì Hợp đồng phái sinh được tiêu chuẩn hóa và quản lý chặt chẽ bởi các Sở ban ngành, đồng thời những chủ thể tham gia sẽ giao dịch thông qua Trung tâm lưu ký và bù trừ Hợp đồng.

Hợp đồng tương lai (hoặc Hợp đồng kỳ hạn) chỉ số là hình thức phổ biến nhất được nhà đầu tư sử dụng trên thị trường cổ phiếu.

(2) Hợp đồng quyền chọn (Options): Hợp đồng quyền chọn có hai loại thông dụng nhất là Quyền chọn mua (Call Options) cho phép người nắm giữ có quyền (chứ không phải nghĩa vụ) mua một chứng khoán nhất định (tài sản cơ sở) tại mức giá được định trước trong tương lai; trong khi ở chiều ngược lại, Quyền chọn bán lại cho phép người nắm giữ có quyền được bán chứng khoán đó.

(3) Hợp đồng hoán đổi (Swap): Hợp đồng hoán đổi từng là sản phẩm phái sinh được nhiều Ngân hàng sử dụng rộng rãi trong các nghiệp vụ hoán đổi tiền tệ. Tuy nhiên, giới đầu tư tài chính cũng rất sáng tạo khi thành công việc đưa sản phẩm này vào sâu trong thị trường vốn. Hợp đồng hoán đổi chứng khoán vốn (Equity swap) cho phép hai bên tham gia hợp đồng (cùng có nghĩa vụ) thực hiện hoán đổi dòng thu nhập của mình, để có ý nghĩa thig thông thường hai dòng thu nhập này phải mang tính chất khác nhau. (Ví dụ: hoán đổi giữa thu nhập từ thặng dư vốn khi nắm giữ chứng khoán và thu nhập từ lãi suất cố định của tiền gửi; hoán đổi giữa thu nhập từ thặng dư vốn khi nắm giữ chứng khoán và thu nhập từ lãi suất thả nổi của tiền gửi).