Sau phiên tăng "bốc đầu" hôm 8/4, một số cảnh báo về khả năng thị trường điều chỉnh đã xuất hiện. Đây là điều dễ hiểu bởi tính tới hết ngày 8/4, chứng khoán Hong Kong đã có 5 phiên tăng điểm liên tiếp với tổng cộng 1.750 điểm đạt được, giá trị giao dịch cũng đạt kỉ lục trong nhiều năm và thực tế là đã rơi vào vùng quá mua.
Vào lúc 11 giờ 42 phút, Chỉ số Hang Seng tăng hơn 1.000 điểm.
Tuy nhiên, bước sang ngày 9/4, Chỉ số Hang Seng thậm chí còn tăng mạnh hơn cả phiên hôm trước, đã có lúc tăng trên 1.685 điểm, nghĩa là tăng hơn 75% so với phiên kỉ lục ngày 8/4, đạt mức cao nhất kể từ tháng 1/2008, khiến đa số nhà đầu tư sững sờ và nguyên nhân chính vẫn là do tác động của dòng tiền ào ạt từ Trung Quốc Đại lục.
Theo số liệu đăng tải trên trang web của Sở Giao dịch Chứng khoán Thượng Hải (Trung Quốc), chưa đầy một giờ sau khi thị trường chứng khoán Hong Kong mở cửa, các nhà đầu tư ở Trung Quốc Đại lục đã sử dụng hết hơn một nửa hạn ngạch mua chứng khoán Hong Kong, chỉ còn dư hơn 3,743 tỉ nhân dân tệ, chiếm 35,65% trong tổng hạn ngạch trong ngày là 10,5 tỉ nhân dân tệ.
Dẫu được dòng tiền từ Trung Quốc Đại lục hỗ trợ và có chuyên gia khuyến nghị thấy mua vào khi thị trường điều chỉnh, nhưng vẫn có những lo ngại rằng lần tăng lần này của chứng khoán Hong Kong thiếu sự hỗ trợ của các nhân tố thực chất, ngược lại, nền kinh tế thực tể của Hong Kong đang đối mặt với không ít thông tin tiêu cực.
Viễn cảnh tốt đẹp của ngành du lịch Hong Kong hiện không còn, lượng du khách từ Trung Quốc Đại lục tới đây vào tháng 3/2015 đã giảm gần 10%, trong kỳ nghỉ lễ Phục sinh, số lượng đoàn du lịch từ Trung Quốc Đại lục đến Hong Kong thậm chí giảm tới 20%, nghiêm trọng hơn cả khi xảy ra đại dịch SARS vào năm 2003.
Sự đi xuống của ngành du lịch đã làm liên lụy tới hàng loạt ngành nghề khác như khách sạn, nhà hàng, bán lẻ, khiến các lĩnh vực này có thể xảy ra làn sóng cắt giảm nhân công bất cứ lúc nào.
Một kết quả điều tra liên quan mới nhất cho thấy so với Trung Quốc Đại lục, Đài Loan (Trung Quốc) và Ma Cao (Trung Quốc), Hong Kong đứng vị trí cuối cùng về niềm tin tiêu dùng.
Trong quý đầu tiên của năm 2015, niềm tin mua nhà của người Hong Kong đã giảm gần 20% so với quý 4/2014 và người Hong Kong cũng thiếu niềm tin vào sự phát triển của thị trường chứng khoán cũng như kinh tế của Đặc khu.
Từ những gì nêu trên có thể phần nào cho thấy lần tăng này của chứng khoán Hong Kong đã đi ngược lại các nhân tố kinh tế cơ bản, thiếu lành mạnh và khó có thể duy trì tính bền vững, cho nên, cần phải cẩn trọng.
Thực tế cho thấy năm 2007, chứng khoán Hong Kong cũng đã ghi nhận sự bùng nổ tương tự. Đó là khi Hong Kong vừa bước khỏi đại dịch SARS không lâu, kinh tế hồi sinh từ điểm đáy, giá nhà đất tăng cao.
Tuy nhiên ngày dài không lâu, năm sau, cuộc khủng hoảng tài chính thế giới bắt nguồn từ Mỹ bùng phát và chứng khoán Hong Kong đã phải hứng chịu một đợt sụt giảm kéo dài.