Chứng khoán Châu Á đã bị bán tháo quá mức

Chứng khoán Châu Á đã bị bán tháo quá mức

(NDH) Chuyên gia Joyce Poon của Gavekal nhận định thị trường Châu Á hiện nay đang được giao dịch dựa trên giả thiết kinh tế Trung Quốc và khu vực sẽ hạ cánh cứng

Thị trường chứng khoán các nước mới nổi, đặc biệt là tại Châu Á, đã chịu những đợt điều chỉnh lớn trong vài tháng gần đây do nhà đầu tư lo ngại về kinh tế Trung Quốc giảm tốc. Hiện chưa có chuyên gia nào có thể dự đoán điều gì sẽ xảy ra tiếp theo với kinh tế Trung Quốc, nhưng nhiều chuyên gia phân tích đầu tư cho rằng giá chứng khoán tại Châu Á đã xuống mức quá thấp.

Chỉ số chứng khoán MSCI Index của Châu Á đã giảm xuống mức thấp tương đương thời kỳ thập niên 90, khi khủng hoảng tài chính đang lan rộng trong khu vực. Vào thời điểm đó, hàng loạt các công ty có vay nợ cao đã phá sản do giá đồng tiền giảm mạnh so với đồng USD, khiến các doanh nghiệp mất khả năng thanh toán nợ bằng ngoại tệ.

Tỷ lệ giá cổ phiếu trên giá trị sổ sách (P/B) của các cổ phiếu Châu Á cho thấy giá trị tài sản trên thị trường chứng khoán tại đây đã xuống mức thấp nhất trong 10 năm qua, nếu không tính cú sốc thị trường trong cuộc khủng bố ngày 11/9/2001.

Theo chuyên gia phân tích Joyce Poon của Gavekal, các công ty Châu Á hiện nay cũng có tỷ lệ vay nợ cao do chính sách nới lỏng tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) trước đây, qua đó gia tăng rủi ro tín dụng. Tuy nhiên, bà Poon cho rằng thị trường chứng khoán Châu Á đã bị bán tháo quá mức do nhà đầu tư đánh giá thị trường tiêu cực quá mức thực tế.

Chuyên gia Poon nhận định thị trường hiện nay đang được định giá dựa trên giả thiết kinh tế Trung Quốc và khu vực sẽ hạ cánh cứng.

Đồng tình với quan điểm trên, khảo sát của hãng tin Bloomberg với các chuyên gia kinh tế cho thấy tăng trưởng của Trung Quốc vẫn được dự đoán trên 6% trong những năm tới (những con số sau năm 2014 ở biểu đồ dưới là dự đoán) thay vì một tương lai ảm đạm như những đợt khủng hoảng khác.

Các nền kinh tế Châu Á hiện nay tiến bộ hơn rất nhiều so với thời kỳ khủng hoảng năm 1997-1998 khi hầu hết các nước có vay nợ lớn đều có dự trữ ngoại hối khá nhiều. Riêng tại Trung Quốc, nước này đã nắm giữ hơn 1 nghìn tỷ USD trái phiếu Mỹ dù các doanh nghiệp tại đây đang nợ chồng chất bằng ngoại tệ.

Chuyên gia Herald van der Linde của ngân hàng HSBC mới công bố một nghiên cứu, trong đó cho thấy hiện tại là thời điểm thích hợp để nhà đầu tư mua vào cổ phiếu Trung Quốc.

Trong khi đó bà Poon dự đoán chứng khoán Trung Quốc đã bị bán tháo quá mức và rất có thể sẽ chuyển hướng tăng mạnh nếu kinh tế Trung Quốc cho thấy những dấu hiệu tăng trưởng ổn định và chính quyền Bắc Kinh tiếp tục có những động thái hỗ trợ nền kinh tế.

Thị trường bất động sản Trung Quốc, vốn là yếu tố chủ chốt cho nhu cầu hàng hóa của nước này, cũng đã suy giảm chậm lại trong những tháng gần đây. Theo ông Linde, nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là việc ngân hàng trung ương Trung Quốc nới lỏng quy định cho vay thế chấp để mua bất động sản đã bắt đầu có tác động đến thị trường.

Tóm lại, các chuyên gia cho rằng những nhà đầu tư nào đã mua vào thì nên giữ lại và chờ đợi chứ không nên bán tháo trên thị trường, còn những nhà đầu tư mạo hiểm thì nên xem xét mua vào từ lúc này.