Chủ tịch VCCI: Đừng 'sáng kinh doanh, tối đi quan hệ' nữa

“Các doanh nhân đừng đầu tư vào quan hệ nữa, đã qua thời sáng kinh doanh, tối đi quan hệ; hãy liên kết, đừng đánh quả lẻ, đi đêm, không là trọc phú, mà vươn tới chuẩn mực toàn cầu” - TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nói như vậy tại Diễn đàn Doanh nhân Việt Nam 2016 ngày 11/10.

Chủ tịch VCCI: Đừng 'sáng kinh doanh, tối đi quan hệ' nữa - 1

Toàn cảnh diễn đàn doanh nhân Việt Nam 2016. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Bỏ quan hệ, đi đêm

Theo ông Lộc, sau 30 năm đổi mới, Việt Nam chưa có được một thế hệ doanh nhân với những thương hiệu và đẳng cấp cao trong khu vực và trên thế giới. Xét về tổng tài sản, một số doanh nghiệp có quy mô tương đối lớn được xếp hạng cao trong khu vực, nhưng nhìn chung về hiệu quả và chất lượng thì còn nhiều việc phải bàn.

Các “đại gia” của Việt Nam chủ yếu trong khu vực tài chính ngân hàng và bất động sản. Phần lớn bộ phận doanh nghiệp còn lại quy mô nhỏ và siêu nhỏ, tính bài bản và chuyên nghiệp thấp và còn xa mới đạt tới các chuẩn mực phổ biến toàn cầu. Hộ kinh tế gia đình vẫn là chủ thể kinh tế phổ biến trong khu vực nông nghiệp, nông thôn.

Ông Lộc cho rằng, đã qua rồi thời các doanh nhân đi lên bằng quan hệ, không cần học hành và kinh doanh dựa trên khai thác tài nguyên. Các doanh nhân trong thời đại mới cần học hỏi, tập trung vào công nghệ và nâng cao khả năng quản trị chuyên nghiệp.

“Trong bối cảnh, môi trường mới Chính phủ quyết nâng bậc, doanh nghiệp phải nâng tầm; cơ chế bỏ xin cho, doanh nghiệp không quan hệ, trí tuệ là cốt lõi, sáng tạo là động lực” - TS Vũ Tiến Lộc

Chủ tịch VCCI cho rằng, để hướng tới giá trị toàn cầu, các doanh nghiệp, cần tập trung vào chiến lược cốt lõi, đừng lan man. Còn về quản trị, phải chú trọng tính chuyên nghiệp, không hời hợt, thúc đẩy sáng tạo, tránh sự trì trệ, thỏa mãn; đầu tư vào công nghệ chứ không dựa vào quan hệ.

“Doanh nhân phải liên kết, có tinh thần đồng đội, không nên đánh quả lẻ, đi đêm. Doanh nhân thời đại mới phải đề cao văn hóa kinh doanh và trách nhiệm xã hội, không phải là những trọc phú và đừng vô cảm với xã hội, môi trường”- ông Lộc nói. Theo TS Lộc, doanh nghiệp phải tạo ra sự khác biệt, nhưng phải vươn tới chuẩn mực toàn cầu. “Nhỏ mà vươn tới chuẩn mực toàn cầu vẫn trụ vững được”- ông Lộc nói.

Chủ tịch VCCI cũng chia sẻ, doanh nhân kinh doanh phải chuyên nghiệp và đến từ trái tim. “Một ông Chủ tịch tỉnh nói với tôi, rằng lúc này nói về “trái tim” có xa xỉ lắm không? Tôi nói không. Nếu kinh doanh không bằng trái tim, thì không bao giờ bền vững cả. Những doanh nhân hàng đầu thế giới, bao giờ cũng nghĩ về xã hội, dân tộc, đất nước, nghĩ về con người, họ mới thành công”- ông Lộc kể.

Ông Lộc bày tỏ kỳ vọng, với nỗ lực rất lớn của Chính phủ hiện nay, môi trường kinh doanh sẽ thuận lợi hơn. Lúc đó, doanh nhân dành thời gian nghĩ đến thương trường, đến sản phẩm, công nghệ mới bứt phá được, chứ không phải “ngày đi kinh doanh, tối đi quan hệ”.

Đặt đúng vị trí của doanh nhân

Tại diễn đàn, TS Huỳnh Thế Du, Giám đốc Đào tạo Chương trình giảng dạy Kinh tế Fulbright cho rằng, với doanh nhân, từ cổ chí kim, hiểu đơn giản là người tạo ra lợi nhuận cho bản thân, công ty, đồng nghĩa với việc tạo công ăn việc làm cho xã hội, tạo nguồn thu ngân sách. Ở Việt Nam, lâu nay doanh nhân vẫn chưa được đánh giá đúng mức, họ được nhắc đến với những cái tên như: “con buôn”, “trọc phú”, “con phe”… Ở Việt Nam khi một ai giàu lên, khá giả lên, dư luận thường đặt câu hỏi có cái gì sau đó không; có cái gì không minh bạch, không trong sáng?

“Đối với tôi và cách nhìn thời hiện đại, trong bất kỳ một thể chế, điều kiện nào, doanh nhân là người có khả năng kiếm tiền nhiều nhất và là người giỏi nhất”- TS Du nói.

Ông Du cũng cho rằng, muốn dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh cần dựa 3 trụ cột là kinh tế thị trường, Nhà nước pháp quyền và xã hội dân sự. Kinh tế thị trường nòng cốt là doanh nghiệp, doanh dân. Họ là người tạo ra lợi nhuận cho mình và cổ đông, đồng thời tạo ra của cải cho xã hội. Để giá trị của doanh nhân làm ra, cùng hướng với giá trị của xã hội, phải có trụ cột thứ hai là Nhà nước pháp quyền đúng nghĩa.

TS Du cũng cho rằng, bản chất của con người bao giờ cũng muốn rất nhiều cho mình. Khi có tiền, có quyền, không được kiểm soát, sẽ dẫn đến sự cấu kết, hình thành tư bản thân hữu, lợi ích nhóm. Muốn ngăn chặn điều này, cần trụ cột thứ 3, chính là xã hội dân sự.