“Lúc khởi đầu, khi ông Lê Văn Châu Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đầu tiên dẫn chúng tôi ra nước ngoài tìm hiểu về TTCK, nhìn mấy CTCK khu vực, tôi "sợ" lắm. Nhưng đến nay, chúng tôi tự hào là kể cả về quy mô vốn, quy mô lợi nhuận, SSI đã trở thành CTCK lớn trong khu vực. Từ câu chuyện của SSI, tôi muốn nói rằng, Việt Nam hoàn toàn có thể xây dựng được một TTCK, thị trường vốn phát triển. Vấn đề là chúng ta phải định vị đúng vai trò và có chính sách đúng để thị trường thực hiện vai trò của nó".
Chủ tịch CTCK Sài Gòn (SSI) Nguyễn Duy Hưng chia sẻ trong Hội thảo đánh giá vai trò của TTCK Việt Nam trong nền kinh tế sau 15 năm vận hành.
Không đổ vỡ là thành công
Quá trình phát triển thị trường vốn Việt Nam, theo báo cáo được thực hiện bởi các chuyên gia đến từ 4 cơ quan gồm CIEM, VIE, VEPR và VCCI, được chia thành 3 giai đoạn.
Giai đoạn đầu tiên là từ khi Đổi mới đến năm 1990; tiếp theo là từ năm 1991-2000 và từ 2001 đến nay. Việc phân chia giai đoạn được gắn với hai sự kiện quan trọng.
Mốc thứ nhất là sự ra đời của hai pháp lệnh ngân hàng vào năm 1990, đánh dấu sự chuyển mình từ hệ thống tín dụng của Ngân hàng một cấp sang hệ thống ngân hàng hai cấp, hình thành thị trường tín dụng chính thức.
Mốc thứ hai là sự ra đời của Trung tâm Giao dịch chứng khoán TP. HCM năm 2000, đánh dấu sự hình thành chính thức của thị trường vốn, tách bạch với thị trường tín dụng.
Vào thời kỳ sơ khai đó, tức là chỉ cách đây 25 năm, khi hai pháp lệnh ngân hàng (Pháp lệnh Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Pháp lệnh Ngân hàng, hợp tác xã tín dụng và công ty tài chính) ra đời, hàng loạt ngân hàng TMCP bắt đầu mở cửa hoạt động, làm thay đổi bộ mặt ngành ngân hàng bởi trước đó chỉ có 4 ngân hàng thương mại nhà nước.
Năm 1991, Việt Nam có 9 ngân hàng thì đến năm 1995, Việt Nam có tới 56 ngân hàng. Song song với việc hình thành thị trường vốn dựa trên hệ thống ngân hàng là những bước đi đầu tiên cho sự hình thành của TTCK.
Năm 1990, Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp tư nhân ra đời, tạo cơ sở pháp lý cho việc huy động vốn từ các cá nhân và các thành phần kinh tế khác nhau để thành lập doanh nghiệp.
Hai năm sau, vào năm 1993, quá trình cổ phần hóa DNNN bắt đầu được thí điểm thực hiện, mở ra không gian chuyển nhượng vốn từ khu vực Nhà nước sang khu vực tư nhân.
Cũng năm 1993, Ban nghiên cứu xây dựng và phát triển thị trường vốn đã được thành lập theo một quyết định của Thống đốc NHNN, với nhiệm vụ trọng tâm là nghiên cứu, xây dựng mô hình TTCK.
Năm 1996, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ra đời với định hình là cơ quan trực thuộc Chính phủ, chính thức tập hợp nhân sự, trí tuệ để xây dựng và vận hành TTCK Việt Nam kể từ năm 2000.
Nhìn lại lịch sử một phần tư thế kỷ xây dựng thị trường vốn Việt Nam, sẽ dễ hiểu hơn vì sao mối quan hệ giữa thị trường tiền tệ với TTCK là chưa thể độc lập, chưa thể cân bằng.
Là người tham gia viết đề án xây dựng Trung tâm Giao dịch chứng khoán TP. HCM cùng với Thống đốc Cao Sỹ Khiêm thời đó, TS. Trần Du Lịch cho rằng, xây dựng TTCK trong bối cảnh hiểu biết và các yếu tố cấu thành nên nền kinh tế thị trường còn rất yếu thời kỳ đó, TTCK không đổ vỡ đã là thành công.
Cũng đánh giá về TTCK 15 năm qua, TS. Huỳnh Thế Du, Giám đốc Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbrigh cho rằng, việc đưa quy mô TTCK từ con số 0 lên gần 60 tỷ USD hiện nay là kết quả tuyệt vời.
Sở dĩ những nỗ lực của ngành chứng khoán được trân trọng vì TTCK đã ra đời và lớn mạnh trong bối cảnh tư tưởng không nhất quán (chưa rõ TTCK - sản phẩm đỉnh cao của kinh tế tư bản, có phù hợp với thể chế xã hội chủ nghĩa nước ta không); hiểu biết về nền kinh tế thị trường còn sơ khai; vị thế không xứng tầm (cơ quan quản lý TTCK từ năm 2005 trực thuộc Bộ); hàng hóa yếu kém (cho đến năm 2000, chỉ có vài trăm DNNN được cổ phần hóa)...
So với bước ban đầu sơ khai đó, TTCK Việt Nam đã làm nên kỳ tích sau 15 năm, nhưng so với các nước trong khu vực, TTCK Việt Nam còn quá nhỏ bé. Vốn hóa TTCK Singapore gấp 11 lần, Malaysia gấp 6 lần, Thái Lan gấp 4,5 lần, Phillipines gấp 2 lần vốn hóa TTCK Việt Nam.
Liệu 15 năm sau, Việt Nam sẽ đảo ngược thứ bậc này không? Bài toán các chuyên gia nêu lên, theo Chủ tịch SSI, Nguyễn Duy Hưng, câu trả lời là có thể. "Việt Nam hoàn toàn có thể làm được, nếu TTCK được định vị đúng và được thúc đẩy phát triển bằng những chính sách đúng đắn", ông Hưng nói.
Vào thời điểm này, tính việc lật ngược thứ bậc thị trường vốn Việt Nam có lẽ là câu chuyện viển vông với đa số người, trong bối cảnh các nước trong khu vực như Singapore, Malaysia, Thái Lan... có nền kinh tế và TTCK phát triển gấp nhiều lần Việt Nam.
Tuy nhiên, nếu coi mỗi nền kinh tế trong ASEAN như một vận động viên, cùng đứng ở vạch xuất phát trước chặng đua đường dài 15 năm tới, chắc chắn không ai dám khẳng định, phần thắng sẽ thuộc về Singapore, Malaysia, hay Thái Lan, vì Việt Nam không phải không có cơ hội để bật lên dẫn đầu.
Nhìn lại 6 CTCK đầu tiên nhận giấy phép thành lập tại Việt Nam năm 1999-2000 gồm Chứng khoán Bảo Việt, Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư, Chứng khoán Ngân hàng Á Châu, Chứng khoán Thăng Long (trực thuộc Ngân hàng Quân đội), Chứng khoán Đệ Nhất (thuộc UBND tỉnh Bình Dương) và Chứng khoán Sài Gòn (SSI).
15 năm trước, không ai có thể tin SSI sẽ trở thành số 1, bởi đây là CTCK được hình thành hoàn toàn từ nguồn vốn tư nhân và có vốn nhỏ nhất (6 tỷ đồng). 5 năm đầu tiên, TTCK hoạt động yếu ớt, các CTCK có "điểm tựa" sống khỏe hơn SSI rất nhiều, trong khi SSI chật vật xây dựng hệ thống, tìm kiếm nhân sự, khách hàng. Vị trí số 1 khi đó chưa bao giờ thuộc về SSI.
Tuy nhiên, năm 2006, nền kinh tế Việt Nam bước vào giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ trước kỳ vọng gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), SSI đã chọn đúng cơ hội, tăng vốn, mở rộng hoạt động, tạo lập văn hóa kinh doanh riêng biệt, tiến nhanh, tiến mạnh lên vị trí dẫn đầu thị trường.
Khi nền kinh tế Việt Nam chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và suy thoái liền mấy năm sau đó, SSI vẫn đứng vững và lớn mạnh, tổ chức nhiều diễn đàn kinh tế tầm cỡ quốc tế, thu hút các nhà đầu tư lớn quan tâm đến Việt Nam. Nếu như nhiều năm trước, SSI chưa là gì nên sự thành công của SSI trong thời gian đầu còn xen lẫn những ngờ vực của dư luận, thì vài năm trở lại đây, người ta nhắc đến SSI như một biểu tượng của niềm tự hào trên TTCK Việt Nam.
Vì sao SSI có thể đảo ngược thứ bậc trên đường đua cùng TTCK? Chia sẻ với người viết, Chủ tịch SSI nói rằng, mỗi con người sinh ra có một sứ mệnh. Nếu làm tốt sứ mệnh của mình thì chủ thể đó, con người đó sẽ trường tồn và lớn mạnh. "Sứ mệnh của SSI là kết nối vốn với cơ hội đầu tư và chúng tôi luôn nỗ lực làm tốt nhất điều đó", ông Hưng nói.
Rõ ràng, sẽ không thể khuyến khích người dân bỏ tiền đầu tư vào thị trường vốn và phải chịu thuế vốn nếu thị trường tiền tệ vẫn duy trì lợi suất thực dương và miễn thuế lợi tức. Sẽ không thể khuyến khích doanh nghiệp lên niêm yết hoặc công khai thông tin nếu họ không nhận được ưu đãi nào hơn các doanh nghiệp đại trà.
Sẽ không thể thu hút được những dòng vốn dài hạn trong dân chúng đầu tư vào DNNN cổ phần hóa nếu Nhà nước không quyết liệt bán lớn. Sẽ không thể thu hút mạnh mẽ dòng vốn ngoại đầu tư vào Việt Nam nếu chế độ kế toán, kiểm toán không theo chuẩn mực quốc tế. Sẽ không thể có một xã hội an sinh nếu các quỹ hưu trí bổ sung, hưu trí tự nguyện không được khuyến khích tạo lập và phát triển trên TTCK Việt Nam...
Những bất cập trên đã được các chuyên gia chỉ ra trên hành trình 15 năm đầu đời của TTCK nước nhà. Trên chặng đường 15 năm tiếp theo, Việt Nam có đảo ngược được thứ bậc hay không, phụ thuộc vào quyết sách của Chính phủ, của Quốc hội và khả năng vượt qua chính mình với khát vọng chinh phục những đỉnh cao mới của những doanh nhân như Chủ tịch SSI.