Chủ tịch SSI: NĐT nước ngoài không bay sang Việt Nam chỉ để quan sát

Chủ tịch SSI: NĐT nước ngoài không bay sang Việt Nam chỉ để quan sát

(NDH) NĐT nước ngoài không bay sang Việt Nam chỉ để quan sát, rõ ràng người ta rất quan tâm nhưng từ mức độ quan tâm đến lúc bỏ tiền không phụ thuộc vào họ mà phụ thuộc vào chúng ta.

Hội thảo “Gateway to Vietnam” do CTCP Chứng khoán Sài Gòn SSI tổ chức đã gây tiếng vang lớn trên thị trường tài chính khi thu hút hơn 400 nhà đầu tư tham gia trong đó có rất nhiều các quỹ đầu tư lớn trên thế giới và các nhà đầu tư nước ngoài. Chúng tôi đã có trao đổi với ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc SSI về mối quan tâm của NĐT nước ngoài đối với thị trường Việt Nam sau sự kiện Gateway.


Thưa ông, sau 2 ngày tổ chức sự kiện “Gateway to Vietnam”, ông đánh giá thế nào về mức độ quan tâm của NĐT nước ngoài đối với thị trường Việt Nam?

NĐT nước ngoài vốn dĩ rất quan tâm đến thị trường Việt Nam bởi hiện tại kinh tế Việt Nam đã có tăng trưởng trở lại, ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát... Những NĐT tham dự Gateway muốn có một bức tranh chân thực về nền kinh tế VN, những gì xảy ra ở VN theo góc nhìn đa chiều khác nhau.

Ban tổ chức Gateway đã mời các diễn giả ở nhiều góc cạnh khác nhau. Thứ nhất chúng tôi không để đơn vị trong nước làm báo cáo về VN mà chúng tôi muốn 1 bên thứ ba nói về chúng ta. Đó là IFC, là McKinsey, các tổ chức tài chính và tư vấn toàn cầu có cái nhìn độc lập hơn chúng ta, rất tốt là họ có nhìn tương đối khả quan về nền kinh tế trong nước.

Thứ 2 chúng tôi mời các diễn giả bao gồm tất cả các thành phần cấu thành thị trường này, từ cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia độc lập, các đại biểu quốc hội, các tổ chức tư vấn nước ngoài, NĐT nước ngoài, có những NĐT thành công và thất bại để họ cung cấp cho những người tham gia sự kiện một cái nhìn đa chiều.

Tôi nghĩ rằng cái quan trọng nhất của chúng ta là minh bạch và công bố một bức tranh thật về thị trường này, qua đó mỗi người sẽ tìm cho mình một cơ hội. Cơ hội có ở khắp nơi, thị trường lên có cơ hội và thị trường xuống cũng có cơ hội.

Các nhà đầu tư đã được gặp đại diện của 30 DN, đây không phải là 30 DN hàng đầu, đại diện tiêu biểu cho nền kinh tế Việt Nam nhưng qua trao đổi với các nhà đầu tư nước ngoài, đâu đấy nhu cầu cung và cầu cần kêu gọi vốn đang đi tìm kiếm nhau. Một số trao đổi bên lề cho thấy NĐT nước ngoài đều cảm thấy hài lòng và họ cảm thấy hữu ích về hội thảo này. Mỗi người đã có những ý tưởng nhất định trong và mong muốn rằng trong thời gian tới họ biến cơ hội thành hiện thực.

Như vậy cơ hội cho giai đoạn cổ phần hóa sắp tới ra sao thưa ông?

Đầu tiên chúng ta phải xác định rõ mục tiêu cổ phần hóa và theo tôi chỉ có Chính phủ mới giải quyết được câu hỏi này. Nếu Chính phủ muốn cổ phần hóa DNNN để tối ưu hóa phần bán ra và thu về khoản tiền cao nhất đồng thời Nhà nước vẫn muốn kiểm soát DN đó thì phải làm thủ tục thật nhanh, chờ khi thị trường nóng thì tung ra bán (số lượng nhỏ) để thu về. Còn nếu Nhà nước muốn kiếm NĐT để thay đổi, tái cơ cấu DN tốt hơn thì phải lên kế hoạch từ đầu, bán ra đa số và giữ lại thiểu số để chuyển đổi được.

Có những DN chỉ bán ra 15-20% cổ phần vì sợ nếu bán ra 60% cổ phần không ai mua thì không đúng, vì so với quốc tế quy mô của các DN nhỏ, tiền trên thị trường rất nhiều nên mình đừng sợ người ta không có tiền mua, quan trọng nhất là khi mình bán ra 60% có đủ hấp dẫn người ta hay không.

Tất nhiên điều này còn phụ thuộc vào từng loại hình doanh nghiệp, có doanh nghiệp chúng ta muốn giữ cổ phần chi phối và có DN muốn thoái vốn, do đó phải đặt mục tiêu cho từng DN, cũng không loại trừ nếu phát hành ra mà giá xuống thấp thì sau đó Nhà nước có thể mua lại.

Tuy nhiên hiện tại điểm “nghẽn” của quá trình cổ phần hóa nằm ở chỗ các DN không tìm được nhà đầu tư chiến lược, ông đánh giá việc này như thế nào?

Vấn đề là mình định nghĩa thế nào là nhà đầu tư chiến lược. Ai có tiền để đầu tư vào cục lớn thì đó là NĐT chiến lược. Không ai bỏ tiền đầu tư để phá công ty, các quan điểm xây dựng công ty khác nhau thì sẽ có những quan điểm quản trị khác nhau, kể cả chiến lược mua để thôn tính cũng không phải dở. Nếu đồng thuận ĐHCĐ thì đấy là chân lý.

NĐT nếu đáp ứng được các tiêu chí của chúng ta được gọi là NĐT chiến lược, họ có thể chiến lược về tài chính, về công nghệ, về hợp tác... Đây là hợp đồng độc lập, đừng để một ai đó áp ý kiến chủ quan NĐT chiến lược này tốt hay xấu, còn nếu muốn phải ký hợp tác trước khi đầu tư.

Phải nhớ rằng lợi nhuận ở một công ty ở VN chưa chắc là ưu tiên số 1 ở thị trường nước ngoài, mục tiêu của họ là mở rộng thị trường, khuếch trương thị phần đối với họ quan trọng hơn, trong khi chúng ta quan trọng nhất là lợi nhuận, điều đó là mâu thuẫn.

Đối với các công ty quy mô đa quốc gia lợi nhuận rất nhỏ so với share value, họ có thể phát hành cổ phiếu để thu được một đống tiền (gain). Đối với DN gain hay lợi nhuận (profit) không khác gì nhau, mục tiêu của mình và họ khác nhau, nên khi tìm đối tác chiến lược phải kèm điều đấy, phải nói rõ chúng ta xây dựng kế hoạch cho công ty để cùng phát triển hay biến công ty thành công ty con. Nhưng phải để cho thị trường điều tiết, tức là dựa vào giao dịch trên thị trường, vào luật pháp, nghị quyết ĐHCĐ, điều lệ…

Vậy quan điểm của ông về độ sẵn sàng của NĐT nước ngoài cho việc đổ tiền vào các khoản đầu tư mới ở VN như thế nào?

NĐT nước ngoài không bay sang Việt Nam chỉ để quan sát, rõ ràng người ta rất quan tâm nhưng từ mức độ quan tâm đến lúc bỏ tiền không phụ thuộc vào họ mà phụ thuộc vào chúng ta.

Ông Alan Phan có nói một câu đó là đối với nhà đầu tư, mục tiêu tối thượng là kiếm tiền, do đó chỗ nào có cơ hội kiếm tiền thì người ta vào. Mình không nên áp đặt họ chỗ này tốt, nhà đầu tư nước ngoài giỏi hơn chúng ta. Cách của chúng ta là bày hết lên, cung cấp cho họ những thông tin chính xác nhất, minh bạch nhất để người ta vào tìm cơ hội.

Sau hội thảo Gateway đã có nhiều NĐT nước ngoài trao đổi với tôi rằng họ đã có những ý tưởng trong đầu, nếu không có chiến lược trước chắn chắn họ không sang tận đây. Những người được cử sang đây đều là những người đóng vai trò rất quan trọng, các báo cáo của họ sẽ quyết định trong việc biến ý tưởng ban đầu của họ thành hiện thực. Có rất nhiều quỹ đích thân Chủ tịch bay sang đây dự hội thảo. Chúng ta làm rất tốt câu chuyện của miếng trầu, còn ăn hỏi hay không, cưới không thì là câu chuyện của tiếp theo.

Tại sao ông quyết định tổ chức sự kiện Gateway phi lợi nhuận và không thu bất cứ đồng phí nào của những người tham gia sự kiện?

Sứ mệnh của SSI là kết nối vốn và cơ hội đầu tư, cần phải có nơi để vốn và cơ hội đầu tư đến được với nhau, còn nếu hỏi chúng tôi có thu được gì không, tất nhiên là có, đó là lòng tin của NĐT với mình nhiều nhất. Đây không phải là cái đích mà đây chỉ là phương tiện, mình chỉ làm mối và là một ông mối trung thực. NĐT qua đó cảm giác được tin cậy, còn cơ hội tiếp theo là gì thì doanh nghiệp phải chỉ ra được NĐT sẽ tìm được cơ hội gì khi đầu tư vào đây. Theo thống kê của chúng tôi Gateway năm nay nhận được sự quan tâm hơn nhiều so với 2 lần trước.

Ông nhận định thế nào về TTCK cuối năm?

(Cười) Tôi nghĩ đây là câu hỏi NĐT chờ đợi nhất. Nhận định của tôi ngày hôm nay và hôm ĐHCĐ không khác nhau. Năm nay tôi không dự báo về Index, con số 600 điểm là báo cáo đầu tư của SSI. Index không nói lên tất cả thị trường này, VN-Index tăng vọt lên 640 điểm nhưng đó là câu chuyện của GAS, của họ PV (dầu khí). Đâu đó trên thị trường vẫn còn có nhiều cổ phiếu vẫn ở thời điểm Index 540 điểm và cũng có rất nhiều cổ phiếu đã tăng gấp đôi thậm chí gấp ba.

Xin cảm ơn ông.