Chủ tịch Nhà Từ Liêm: “Cơm không ăn thì gạo còn đó”

Chủ tịch Nhà Từ Liêm: “Cơm không ăn thì gạo còn đó”

“Nếu không chia cổ tức thì uy tín của ban lãnh đạo sẽ giảm xuống, HĐQT cũng rất băn khoăn về vấn đề này, nhưng 'cơm không ăn thì gạo còn đó'. Cổ đông gây áp lực thì lãnh đạo cũng rất khó làm. Có lợi nhuận mà đem ra chia thì lấy đâu tiền để đầu tư cho các dự án"

Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Văn Kha – Chủ tịch HĐQT CTCP Phát triển Đô thị Từ Liêm (HOSE: NTL) về quyết định không chia cổ tức 2014 tại ĐHĐCĐ thường niên 2015 của NTL diễn ra sáng ngày 04/04 tại Hà Nội.

ĐHĐCĐ thường niên NTL được tổ chức vào sáng ngày 04/04 tại Hà Nội với sự tham của 201 cổ đông đại diện cho 66.2% số cổ phần có quyền biểu quyết.

“Nóng” chuyện không chia cổ tức 2014

Vấn đề được phần lớn cổ đông quan tâm tại ĐHĐCĐ thường niên 2015 của NTL là việc không chia cổ tức năm 2014. Theo đó, quyết định không chia cổ tức năm 2014 trong khi khoản mục lợi nhuận chưa phân phối đạt tới hơn 276 tỷ đồng của HĐQT NTL đã không được nhiều cổ đông ủng hộ.

Giải thích về việc này, ông Nguyễn Văn Kha, Chủ tịch HĐQT NTL chia sẻ, mặc dù lợi nhuận chưa phân phối của NTL còn 270 tỷ đồng nhưng tiền mặt của hiện tại công ty chỉ còn 10 tỷ trong tài khoản. Hầu hết lượng tiền của công ty đã được dồn vào những dự án bất động sản đang triển khai, do vậy tình hình tài chính của NTL hiện tại đang khó khăn.

Nếu không chia cổ tức thì uy tín của ban lãnh đạo sẽ giảm xuống, HĐQT cũng rất băn khoăn về vấn đề này, nhưng 'cơm không ăn thì gạo còn đó'. Mặc dù cổ đông không tín nhiệm một chút thì cũng đành chịu. Cổ đông gây áp lực thì lãnh đạo cũng rất khó làm. Có lợi nhuận mà đem ra chia thì lấy đâu tiền để đầu tư cho các dự án bất động sản” ông Kha chia sẻ.

Mặc dù vậy, nhiều cổ đông vẫn tiếp tục đặt câu hỏi về vấn đề có nên hay không chia cổ tức dù chỉ ở mức 5%, một cổ đông cũng đã tính toán, số tiền mà NTL phải bỏ ra tính trên số lượng cổ phiếu thực tế đang lưu hành chỉ ở mức trên dưới 25 tỷ đồng. Thậm chí, cổ đông còn tiếp tục “hiến kế” cho HĐQT với việc chi cổ tức bằng cổ phiếu vừa nhằm mục đích tăng vốn vừa không ảnh hưởng đến quỹ tiền mặt của công ty.

Tuy nhiên, ông Kha vẫn nhấn mạnh đến việc khó khăn trong tình hình tài chính của công ty dẫn đến dù chỉ ở mức 25 tỷ đồng nhưng cũng khó có thể thực hiện. Về vấn đề có hay không chia cổ phiếu thưởng vẫn chưa có ý kiến cụ thể từ HĐQT.

Cuối cùng, nội dung không chia cổ tức năm 2014 vẫn được toàn thể ĐHĐCĐ thông qua với tỷ lệ 97.1%, tỷ lệ không biểu quyết thông qua là 2.9%.

Lo lắng về kế hoạch kinh doanh năm 2015 và "cục" nợ 127 tỷ đồng

Năm 2015, NTL đặt kế hoạch doanh thu đạt 350 tỷ đồng, tăng 80% so với thực hiện năm 2014, trong đó doanh thu từ kinh doanh bất động sản chiếm 97% tổng doanh thu đạt 340 tỷ đồng. Lãi trước thuế đặt ra 120 tỷ đồng, gấp 2.5 lần thực hiện năm 2014. Cổ tức 2015 dự kiến tỷ lệ 10%.

Mặc dù được thông qua nhưng nhiều cổ đông tỏ ra lo lắng khi kết quả 2014 của NTL không được như kỳ vọng. Trả lời cho vấn đề này, ông Kha cho biết, kế hoạch kinh doanh năm 2015 của NTL tính toán dựa trên 2 dự án ghi nhận doanh thu trong năm 2015 là tòa nhà N04-B1 (dự án Dịch Vọng) và dự án nhà ở xã hội X2. Trong đó chủ yếu là dự án N04-B1, dự kiến mang lại gần 120 tỷ đồng lợi nhuận nếu bàn giao thành công. Việc xây dựng kế hoạch 2015 đã được HĐQT cân nhắc trên hiệu quả thực tế của 2 dự án chứ không phải do HĐQT “tự vẽ” nhằm thu hút sự quan tâm của thị trường.

Ngoài ra, dự kiến trong năm 2015, NTL sẽ hoàn thành hạ tầng cơ bản dự án Quốc lộ 32, tiếp tục tiến hành công tác thu tiền của 86 căn dự án Bắc Quốc lộ 32. Khi điều kiện cho phép sẽ tiến hành triển khai khu đô thị Tây Đô – Hoài Đức, phường Viên Sơn, thị xã Sơn Tây, D12 tái định cư Cầu Giấy; liên doanh cùng một đơn vị để cùng tham gia dự án 85ha Bắc Từ Liêm

NTL cũng sẽ triển khai một số dự án như 4,000m tổ 32 phường Dịch Vọng và Dự án X3 giai đoạn 2 vào cuối năm 2015.

Đáng chú ý là khoản nợ 127 tỷ đồng của 86 khách hàng từ năm 2012 đến nay vẫn chưa có chuyển biến. Ông Kha cho biết, do khách hàng hiện chưa có khả năng thanh toán và tình hình khó khăn của thị trường BĐS. Việc đốc thúc khách hàng trả nợ hay thanh lý hợp đồng đều gặp nhiều khó khăn.

Ông Kha lý giải: “Những khách hàng đã mua nhà của NTL từ thời điểm thị trường BĐS đang khởi sắc, giá mua cao hơn rất nhiều so với giá bán của NTL, thậm chí từ 2-3 lần, nếu thanh lý thì việc định giá hợp đồng sẽ gặp nhiều khó khăn. Thậm chí, khách hàng cũng đồng ý để NTL tùy ý định đoạt vấn đề nợ nhưng HĐQT vẫn chưa thể tìm được giải pháp thỏa đáng”.

Thoái vốn tại Lideco1 do xung đột về quyết định đầu tư

Cuối năm 2014, HĐQT NTL đã quyết định thoái vốn tại công ty Lideco1 với mức giá 15,000 đồng/cp. NTL và Lideco 1 hoạt động dưới hình thức công ty mẹ - công ty con. Mặc dù công ty mẹ có nguồn vốn chi phối đối với công ty con nhưng vấn đề quản lý sẽ gặp nhiều khó khăn khi công ty con đã phát triển vượt qua khả năng kiểm soát của công ty mẹ. Do đó, NTL quyết định thu hồi nguồn vốn chi phối đối với các công ty con.

Ông Kha chia sẻ: “Việc thoái vốn tại Lideco1 là do công ty đề xuất tăng vốn để mở rộng thêm lĩnh vực xây dựng nhằm duy trì các hoạt động của công ty. Trong khi đó, công ty mẹ đang cần rất nhiều vốn đề đầu tư vào các dự án đang chuẩn bị tiến hành”.

Bên cạnh đó, kế hoạch xử lý khoản đầu tư tại CTCP Đầu tư Xây dựng Bạch Đằng TMC, NTL đang kỳ vọng cổ phiếu TMC có thể phục hồi lại nhằm thu hồi khoản đầu tư. Hiện tại, đây vẫn được xem như một khoản đầu tư dài hạn của NTL.

Về vấn đề 2 triệu cp quỹ, NTL sẽ đưa ra bán khi thị trường có dấu hiệu khởi sắc. Trong điều kiện hiện nay, nếu đưa thêm cổ phiếu ra bán sẽ tạo áp lực lên giá cổ phiếu.