Làm thế nào để thu hút được một lượng lớn vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán Việt Nam luôn là một câu hỏi lớn trong thời gian dài. Chúng tôi vừa có cuộc trao đổi ngắn với ông Trần Đắc Sinh, Chủ tịch Sở Giao dịch chứng khoán Tp.HCM (HOSE) xung quanh môi trường cạnh tranh rộng lớn của TTCK Việt Nam hiện nay.
Thưa ông, ông nhận định như thế nào về ý kiến cho rằng sẽ có một làn sóng dòng vốn nước ngoài "chảy" mạnh vào TTCK Việt Nam trong thời gian tới?
Ông Trần Đắc Sinh: Việt Nam đang tham gia sâu và rộng vào nhiều hiệp định thương mại đa phương và song phương. Gần đây nhất, Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Nghị định 60/CP để mở room cho các nhà đầu tư nước ngoài và sẽ có hiệu lực thi hành vào tháng 9/2015. Đây là một điều kiện, khung pháp lý rất tốt để chúng ta thực hiện sự phát triển của thị trường vốn, thị trường chứng khoán.
Song song đó, Sở Giao dịch chứng khoán Tp.HCM đã phối hợp cùng nhiều Bộ ngành thực hiện chuyến di xúc tiến đầu tư tại Mỹ. Qua đó, rất đông các nhà đầu tư, rất nhiều tỷ phú tham dự diễn đàn xúc tiến đầu tư này và bày tỏ mong muốn đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới.
Như vậy, sau hàng chục năm hoạt động của TTCK, đến giờ chúng ta đã có được những chính sách phù hợp cho thị trường đã được ban hành. Theo nhận xét của tôi, các nhà đầu tư nước ngoài hết sức quan tâm đến những chính sách mới này, và họ cho rằng thị trường Việt Nam đang có độ mở rất lớn để phát triển trong một giai đoạn mới. Tôi khẳng định rằng đây là một tín hiệu mạnh mẽ để thị trường vốn của Việt Nam tăng tốc và thực sự phát triển, có thể trở thành một thị trường cạnh tranh hấp dẫn so với các nước trong khu vực.
Như vậy, cả thị trường sơ cấp và thứ cấp nếu được thực hiện nhiều giải pháp một cách đồng thời thì chắc chắn TTCK của chúng ta trong năm 2015 và 2016 sẽ có bước phát triển rất vượt bậc. Tôi cho rằng, trong thời gian đấy thị trường sẽ có làn sóng đầu tư nước ngoài mạnh mẽ vào TTCK Việt Nam.
Theo ông đâu là biện pháp mấu chốt để tăng tính hấp dẫn cho chứng khoán Việt Nam để đón đầu làn sóng như ông vừa nói? HOSE đang có những bước chuẩn bị nào để hỗ trợ cho các nhà đầu tư ngoại?
Để triển khai thực hiện các chủ trương của chính phủ, tạo đà cho sự phát triển nhanh của thị trường vốn Việt Nam, trong thời gian sắp tới HOSE sẽ phải thực hiện một khối lượng công việc khá đồ sộ. Theo đó, chúng tôi sẽ liên tục đưa ra nhiều sản phẩm, giải pháp làm sao tăng tính thanh khoản trên thị trường, tạo độ hấp dẫn mạnh cho TTCK.
Thứ hai, chúng tôi sẽ xây dựng những chuẩn mực về công bố thông tin ở tầm cao hơn để đáp ứng được các tiêu chí khắc khe của nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, chúng tôi đang tập trung nghiên cứu làm sao cho ra đời thị trường phái sinh một cách nhanh nhất có thể để đưa những sản phẩm mới vào lưu thông trên thị trường. Nhất là làm sao để đưa các công ty nhà nước sớm IPO theo lộ trình, tạo điều kiện và sẽ hết sức quyết liệt để các doanh nghiệp này minh bạch hóa thông tin. Với quá trình này, một mặt chúng ta đang tạo ra hàng hóa đầu vào để nhà đầu tư nước ngoài có hàng hóa để mua với khối lượng lớn. Mặt khác, chúng ta sẽ tăng tính thanh khoản và độ hấp dẫn của của TTCK Việt Nam.
Tuy nhiên, hàng hóa phải được tạo ra một cách có chất lượng thật sự thì nhà đầu tư nước ngoài, nhất là các quỹ đầu tư lớn trên thế giới mới quan tâm và mua vào. Một khi nhà đầu tư đã mua chứng khoán của chúng ta, họ cũng cần phải có một công cụ bảo hiểm, công cụ phòng ngừa rủi ro. Do vậy, chúng ta phải nâng chuẩn các cổ phiếu đã niêm yết trên thị trường hiện nay, bằng các biện pháp như giám sát thị trường; ngăn chặn sự thao túng; lũng đoạn hoặc nội gián; các chuẩn mực mới về kế toán, kiểm toán; công cụ công bố thông tin đảm bảo đạt chuẩn với các thị trường khác…
Nếu thực hiện các giải pháp trên cơ sở đó, tôi tin rằng hàng hóa của chúng ta sẽ có chất lượng, đảm bảo độ cạnh tranh lớn so với các thị trường trong khu vực và trên thế giới.
Vậy hiện nay cổ phiếu của chúng ta đã đạt được chất lượng theo yêu cầu của nhà đầu tư nước ngoài chưa, thưa ông?
Phải nói rằng TTCK Việt Nam so với các thị trường khác trên thế giới vẫn còn nhiều việc phải làm để đạt được những quy chuẩn quốc tế. Kể cả những nước trong khối ASEAN như Malaysia, Thái Lan, Indonesia… chúng ta cũng chưa theo kịp. Thị trường chúng ta đang thiếu những sản phẩm đa dạng như sản phẩm cho quỹ đầu tư, công cụ đánh giá và đề phòng rủi ro, công cụ công bố thông tin, nhiều loại dịch vụ tài chính khác vẫn chưa có mặt trên thị trường. Ngoài ra, nhiều cơ chế khác nhau vẫn đang được áp dụng dù tiêu chuẩn trên 2 sàn hoạt động không khác nhau.
Trong thời gian sắp tới chúng ta sẽ có những nghị định, thông tư mới quy định về công bố thông tin, giám sát, "áp" từng chuẩn mực cho các nhà đầu tư, các công ty với từng loại chứng khoán được giao dịch mua bán trong ngày… Chúng ta đang hoạt động hướng theo các quy định hết sức khắt khe, từ đó thị trường sẽ bắt đầu quá trình đào thải để chỉ giữ lại những nhà đầu tư có chất lượng.
Xin cám ơn ông!