Năm 2015, thị trường đang chờ những thương vụ IPO?"bom tấn" - là tiền đề cho những thương vụ M&A trong giai đoạn tới, bởi lẽ sau IPO, các công ty này sẽ lựa chọn nhà đầu tư chiến lược.
Xin cùng Diễn đàn M&A 2015 điểm mặt các thương vụ M&A được chờ đợi trong năm 2015 và những thương vụ IPO "ngàn tỷ" 2014.
"Bom tấn" 2015
1. Tổng công ty Cảng Hàng Không (ACV)
Tháng 12/2014, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) đã phê duyệt giá trị thực tế của Công ty mẹ - ACV tính đến ngày 30/6/2014 là 37.919 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế vốn nhà nước là 20.769 tỷ đồng. Liên quan phương án IPO, Bộ GTVT cho biết sẽ tiến hành bán đấu giá công khai 77.804.122 cổ phần, với giá khởi điểm là 11.100 đồng/cổ phần.
Theo tính toán, trong trường hợp bán được toàn bộ 35% lượng cổ phiếu với mức giá khởi điểm 11.100 đồng/cổ phần, Bộ GTVT sẽ thu được 8.000 tỷ đồng, chưa tính các khoản cổ tức, lợi nhuận phát sinh…
2. Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco)
Sabeco có vốn điều lệ 6.412 tỷ đồng và Nhà nước đang nắm giữ 89,59% vốn điều lệ (tương đương giá trị trên 5.745 tỷ đồng).
Tháng 3/2015, Bộ Công thương nghiên cứu phương án bán tiếp phần vốn thuộc sở hữu nhà nước tại Sabeco xuống còn 36%.
Việc bán tiếp cổ phần của Sabeco từ 89,59% hiện nay xuống còn 36% có thể được thực hiện thông qua phương án đấu giá công khai. Mức giá sàn được lựa chọn sẽ là 70.003 đồng/cổ phần.
Tập đoàn Thaibev đã định giá Sabeco khoảng 2,4 tỷ USD.
3. Tổng công ty Viễn thông MobiFone
Năm 2014, Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) đã đưa ra ước tính giá trị của MobiFone vào khoảng 3,4 tỷ USD. HSC cho rằng, với mức tăng trưởng như hiện tại, giá trị của MobiFone có thể sẽ hơn 4 tỷ USD sau IPO.
Thông báo 223 ngày 10/4/2015 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp giao ban tái cơ cấu doanh nghiệp, MobiFone phải tiến hành xác định giá trị doanh nghiệp trong quý II/2015, công bố giá trị doanh nghiệp trong quý III/2015 và tiến hành cổ phần hóa trong quý IV/2015.
Những thương vụ "ngàn tỷ" năm 2014
1. Công ty TNHH MTV Phân bón Dầu khí Cà Mau
Ngày 12/11/2014, Công ty TNHH MTV Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau, PVCFC) tổ chức IPO thành công với gần 129 triệu cổ phần đã được đấu giá hết tại mức giá bình quân 12.251 đồng/cổ phần.
Có 1.178 nhà đầu tư trúng giá tương ứng tổng giá trị cổ phần bán được là 1.579,8 tỷ đồng, qua đó giúp PVCFC trở thành thương vụ IPO lớn nhất trong năm 2014.
2. Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex)
Đứng thứ 2 về tổng giá trị cổ phần bán được thuộc về đợt IPO của Vinatex diễn ra vào ngày 22/9/2014. Mặc dù chỉ 90% số cổ phần đấu giá thành công, nhưng Vinatex vẫn thu về hơn 1.200 tỷ đồng.
3. Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines)
Công ty mẹ - Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đã IPO hơn 49 triệu cổ phần vào ngày 14/11/2014. Kết quả 100% lượng cổ phần chào bán được mua hết, tương ứng giá trị 1.093 tỷ đồng, trong đó có 2 nhà đầu tư đặt mua hơn 48,3 triệu cổ phần là Vietcombank và Techcombank. Vietnam Airlines từng là cổ đông lớn của Techcombank trước khi thực hiện thoái vốn ngoài ngành theo yêu cầu của Nhà nước. Hai bên đã có quan hệ hợp tác trong 15 năm và có nhiều sản phẩm, dịch vụ phục vụ nhu cầu kinh doanh qua lại.
4. Công ty TNHH MTV Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO)
Ngày 18/9/2014, hơn 31 triệu cổ phần chào bán của Công ty TNHH MTV Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO) đã trúng thầu với mức giá bình quân 19.330 đồng/cổ phần, tương ứng tổng giá trị cổ phần bán được hơn 601 tỷ đồng.