Chính thức mở cơ chế vay và cho vay chứng khoán 

Chính thức mở cơ chế vay và cho vay chứng khoán 

Ngày 19/8/2014, Tổng giám đốc Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) đã ban hành Quy chế tổ chức hoạt động vay và cho vay chứng khoán (SBL), sẵn sàng cho việc vận hành của quỹ ETF tại Việt Nam và hỗ trợ thành viên sửa lỗi giao dịch.

Theo quy định tại quy chế trên, tỷ lệ chiết khấu tài sản áp dụng như sau: 5% đối với trái phiếu chính phủ; 30% đối với chứng khoán trong danh mục chứng khoán cấu thành VN30/HNX30; 40% đối với chứng khoán còn lại.

Có ý kiến cho rằng, tỷ lệ chiết khấu 30% với HNX/VN30 và 40% với các chứng khoán còn lại thì VSD có thể sẽ gặp rủi ro, bởi trên thị trường hiện nay có nhiều mã cổ phiếu được định giá cao hơn giá trị nội tại. Về vấn đề này, lãnh đạo VSD cho biết, VSD đóng vai trò trung gian trong hệ thống SBL nên không chịu rủi ro về thay đổi giá trị tài sản thế chấp. Ngoài ra, tỷ lệ chiết khấu tài sản thế chấp và tỷ lệ thế chấp (giá trị khoản vay/giá trị tài sản thế chấp) đưa ra trên nguyên tắc đảm bảo quyền lợi của bên cho vay trong trường hợp bên vay mất khả năng thanh toán, bên cho vay nhận toàn bộ tài sản thế chấp của bên vay thì giá trị tài sản thế chấp được nhận lại sẽ tương đương giá trị khoản vay.

Một số ý kiến đặt vấn đề, trong cơ chế vay và cho vay này, tại sao nhà đầu tư cá nhân được quyền cho vay, nhưng không được quyền vay? Thực tế, hoạt động vay và cho vay chỉ nhằm mục đích hỗ trợ thành viên sửa lỗi giao dịch và hỗ trợ thành viên lập quỹ (AP) có đủ chứng khoán để góp vốn và thực hiện giao dịch của quỹ ETF nên bên đi vay hiện nay chỉ gồm 2 đối tượng: thành viên có giao dịch sửa lỗi và thành viên lập quỹ (AP).

Ngoài mục đích thực hiện giao dịch của quỹ hoán đổi danh mục cho các quỹ ETF thì hệ thống SBL còn hỗ trợ các thành viên giao dịch sửa lỗi. Trước đây, khi chưa có hệ thống SBL, trường hợp phát sinh lỗi giao dịch, thành viên phải tự tìm nguồn chứng khoán để vay, tự thoả thuận hợp đồng vay, không có tài sản đảm bảo, không có quy định cũng như các biện pháp cưỡng chế để đảm bảo hai bên giao dịch sẽ thực hiện đúng theo thoả thuận…

Về phía CTCK, trong thời gian đầu, để giảm thiểu rủi ro phát sinh, có ý kiến đề xuất, nên cho phép CTCK triển khai dịch vụ vay và cho vay chứng khoán trong nội bộ CTCK, nói cách khác là cho các khách hàng của CTCK vay và cho vay chứng khoán lẫn nhau và cũng là để đáp ứng nhu cầu giao dịch của họ.

Sau đó, có thể áp dụng mang tính rộng rãi hơn như việc cho phép các CTCK được vay và cho vay chứng khoán lẫn nhau, nhằm góp phần cải thiện thanh khoản cho thị trường, đáp ứng nhu cầu đa dạng của NĐT.

Một trong những vấn đề CTCK và nhà đầu tư quan tâm là lãi suất vay/cho vay. Theo VSD, lãi suất vay/cho vay được xác định theo thỏa thuận giữa bên vay và bên cho vay, nhưng không được vượt quá 120% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố. Còn trong trường hợp gia hạn khoản vay, lãi suất vay/cho vay không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố. Trong điều kiện lãi suất trên thị trường hiện tại đang khá thấp thì việc khống chế mức trần lãi suất trên theo một số thành viên là an toàn, nhưng mất đi tính hấp dẫn.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho các bên tham gia, VSD đưa ra 2 phương thức thực hiện giao dịch vay/cho vay chứng khoán để các bên lựa chọn, bao gồm phương thức thỏa thuận trực tiếp (các bên vay và cho vay đã biết đối tác cho vay/ vay và đã thống nhất các nội dung trong thoả thuận vay/cho vay) và phương thức thỏa thuận qua hệ thống (các bên sẽ nhập chào vay/chào cho vay vào hệ thống để tìm đối tác cho vay/vay) và việc hoàn trả khoản vay sẽ được thực hiện theo nguyên tắc mà VSD đã quy định chi tiết.