Sáng nay 9/9/2014, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức Hội thảo
“Đánh giá tình hình thực hiện chính sách trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV)".
Bà Trịnh Thị Hương - Phó phòng Phát triển DNNVV, Cục phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, chương trình hỗ trợ DNNVV sau một thời gian hoạt động đã đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, chính sách hỗ trợ cho khu vực DN này cũng còn rất nhiều điểm hạn chế.
Thông tin về các chính sách hỗ trợ xuất hiện trên báo chí từ rất lâu nhưng doanh nghiệp chờ mãi không thấy chính sách được áp dụng vào thực tiễn. Các chính sách còn rời rạc chưa có tính kết nối khiến các doanh nghiệp khó tham gia vào các chương trình, chính sách.
Đặc biệt, có đến 6 trong tổng số 8 nhóm chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp có đối tượng quá rộng, nội dung chưa phù hợp, đơn cử như chương trình sở hữu trí tuệ không nhằm đến đối tượng DNNVV; hay như các chính sách trợ giúp còn chịu sự điều chỉnh của các luật chuyên ngành khác nhau; sự phối hợp giữa các bộ ngành, trung ương và địa phương còn yếu. các chính sách chưa có tính đột phá.
Bên cạnh đó là những yếu kém xuất phát từ nội tại doanh nghiệp vừa và nhỏ khi doanh nghiệp không nỗ lực tham gia các chính sách và cập nhật các thông tin một cách đầy đủ. Một bộ phận không nhỏ các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn có tầm nhìn ngắn hạn, chỉ hướng đến lợi nhuận trước mắt mà ít quan tâm đến vấn đề đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Còn bà Phạm Thị Thu Hằng – Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, chúng ta đang thiếu tiêu chí đánh giá chung khi thực hiện các chính sách cho DNNVV.
Bà Hằng đưa ra một số tiêu chí mang tính chất kỹ thuật để đánh giá chính sách khi áp dụng đối với những DNNVV: Sự bình đẳng, hiệu quả, tính tối ưu của chính sách, lợi ích công cộng và lợi ích đặc thù…
“Nếu không có cách tiếp cận khoa học và căn bản thì không thể đưa ra đánh giá hay xây dựng chính sách cho bộ phận DNNVV sẽ r ất khó khăn và vất vả. Đó cũng là nguyên nhân khiến chúng ta nhiều năm nay loay hoay với một số chính sách mà không có hiệu quả” – Bà Hằng kết luận.
Trả lời cầu hỏi làm sao để kích cầu được lực lượng DNNVV trong nước, các chuyên gia tham dự hội thảo cho rằng, trước tiên phải phải có sự phối hợp giữa ngân hàng và các quỹ đầu tư tư nhân để triển khai các công cụ tài chính; đa dạng hóa các hình thức đầu tư vào lĩnh vực DNNVV như hợp tác công tư, ODA…
Đối với các cơ quan quản lý nhà nước cần cải thiện môi trường kinh doanh; xây dựng các chính sách có trọng tâm, có tính đột phá.
Về phía các Hiệp hội doanh nghiệp cần nâng cao uy tín, vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp với cơ quan quản lý.
Bên cạnh đó, Phòng phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa còn đưa ra đề xuất: Cần xây dựng luật chung về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ để thúc đẩy tính thực thi và cơ chế giám sát việc hỗ trợ chính sách từ các cấp từ TW đến địa phương.
>>
"Khủng long đã chết, tắc kè vẫn sống"Khánh Nhi