Thoái hết 45,1% vốn Nhà nước tại Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (VNM) là một trong những nội dung chính của văn bản số 1787/TTg-ĐMDN về Đề án tái cơ cấu Tổng công ty Đầu tư & Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 8-10-2015. Văn bản này được ký bởi Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh và gửi đến cho SCIC ngày thứ Sáu tuần trước.
Văn bản này có một phụ lục đi kèm, bao gồm danh sách 10 doanh nghiệp thực hiện thoái hết vốn Nhà nước. Theo đó, SCIC “chọn thời gian thích hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc thoái hết vốn Nhà nước tại 10 doanh nghiệp nhằm đạt được lợi ích cao nhất”.
Dưới đây là danh sách 10 doanh nghiệp thực hiện thoái hết vốn Nhà nước (có tỷ lệ nắm giữ cụ thể của Nhà nước cho đến thời điểm hiện tại).
Văn bản cũng cho phép SCIC được tiếp tục nắm giữ vốn, đầu tư dài hạn đối với 9 doanh nghiệp lớn khác, trong đó có một số đơn vị niêm yết trên cả hai sàn bao gồm: Tập đoàn Bảo Việt (BVH-Hose); Công ty cổ phần Traphaco (TRA-Hose); Công ty cổ phần dược Hậu Giang (DHG-Hose); Công ty cổ phần xuất nhập khẩu y tế Domesco (DMC-Hose)...
Đáng chú ý nhất trong số các doanh nghiệp mà SCIC được giữ lại là Tập đoàn Bảo Việt. Trong đợt tiếp thị về qui định mới nới room nước ngoài hồi giữa năm nay, Bộ Tài chính đã đề cập đến khả năng nới room các công ty bảo hiểm lên mức 100%. Tuy nhiên với văn bản này, khả năng nới room lên 100% của Tập đoàn Bảo Việt có thể phải xem xét lại.
Hầu hết các công ty mà SCIC phải thoái vốn đều niêm yết và với thị giá hiện tại, Nhà nước có thể thu về ít nhất 4 tỉ đô la Mỹ (riêng phần vốn của Nhà nước ở VNM hiện có giá thị trường tính theo thị giá trên sàn khoảng 55.000 tỉ đồng, tương đương 2,46 tỉ đô la Mỹ). Đây là nguồn thu khổng lồ đủ sức bù đắp bội chi ngân sách năm nay, đồng thời giúp Chính phủ có nguồn để cơ cấu một số khoản nợ trong nước khoảng 2 tỉ đô la Mỹ sắp tới hạn.
Ngoài ra, động thái trên của Chính phủ có ý nghĩa tích cực trong việc thúc đẩy tiến trình cổ phần hoá, cải cách doanh nghiệp nhà nước, vốn đang có nguy cơ không hoàn thành chỉ tiêu trong năm 2015 do số lượng đơn vị phải cổ phần hoá còn nhiều. Nếu Nhà nước không còn nắm giữ cổ phần ở Vinamilk, thì đây có thể là tín hiệu cho thấy Nhà nước sẵn sàng hạ tỷ lệ nắm giữ tại nhiều doanh nghiệp tầm cỡ khác, nơi Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần chi phối và tham gia điều hành.