Chính phủ nên bán 25-30% cổ phần DNNN cho tổ chức môi giới ngoại

(NDH) Đây là khuyến nghị của Nhóm công tác thị trường vốn tại diễn đàn VBF 2015.

Cụ thể, nhóm thị trường vốn khuyến nghị, để tạo thanh khoản tốt cho thị trường, Chính phủ nên bán từ 25-30% cổ phần của doanh nghiệp được cổ phần hóa thông qua các nhà môi giới chứng khoán quốc tế và chuyên nghiệp.

Nhóm đánh giá cao quyết định của Thủ tướng về việc thoái vốn Nhà nước tại Công văn 1787/2015 với lộ trình thoái hết vốn Nhà nước tại 10 doanh nghiệp bao gồm Vinamilk, FPT, Tổng công ty cổ phần Bảo Minh.

“Chúng tôi cho rằng đây là quyết định sáng suốt thể hiện quyết tâm của Thủ tướng và Chính phủ trong việc cổ phần hóa. Quyết định cùng với việc cho phép tăng sở hữu nước ngoài là một bước đột phá đưa thị trường chứng khoán Việt Nam lên xếp hạng thị trường mới nổi”, báo cáo nêu.

Theo nhóm công tác thị trường vốn, để cổ phần hóa doanh nghiệp thành công, việc thoái vốn Nhà nước phải được thực hiện minh bạch, thông qua đấu thầu công khai.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần cương quyết yêu cầu các doanh nghiệp đã cổ phần hóa phải niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán; công bố công khai danh mục các tập đoàn, công ty sẽ được cổ phần hóa với đầy đủ thông tin về thời điểm dự kiến sẽ được cổ phần hóa, dự kiến về quy mô và khoảng giá chào bán.

Về Nghị định 60/2015/NĐ-CP cho phép tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại các công ty đại chúng, Nhóm công tác đánh giá rằng nghị định đã thể hiện định hướng lớn và sự cởi mở của Chính phủ về việc cho phép các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư sâu rộng hơn vào các công ty đại chúng và các quỹ đầu tư chứng khoán tại Việt Nam.

Hai trở ngại lớn

Tuy nhiên, hiện có “hai trở ngại lớn” làm cho Nghị định này không thể thực hiện được. Thứ nhất là Chính phủ vẫn chưa công bố danh mục các ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài, và tỷ lệ sở hữu nước ngoài cụ thể áp dụng đối với những ngành nghề này và do đó đã làm vô hiệu hóa phần lớn quy định về tăng sở hữu nước ngoài.

Thứ hai là Luật đầu tư 2014 đã quy định không rõ ràng về đối tượng điều chỉnh. Do đó, Chính phủ sớm ban hành danh mục các ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài, và tỷ lệ sở hữu nước ngoài cụ thể áp dụng đối với những ngành nghề này.

“Nghị định hướng dẫn Luật đầu tư 2014 của Chính phủ cần quy định rõ rằng hoạt động đầu tư vào các tổ chức kinh tế là công ty đại chúng, hoạt động đầu tư vào các quỹ đầu tư chứng khoán và chứng khoán trên lãnh thổ Việt Nam thì áp dụng quy định của Luật Chứng khoán và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan”, báo cáo viết.