Công ty cổ phần thủy sản - 584 Nha Trang đã tham gia vào chương trình bình ổn giá của TP HCM được 4 năm. Ông Phan Văn Thuận, Phó tổng giám đốc Công ty cho biết, để sản phẩm bình ổn bán ra thị trường chất lượng tốt mà giá cả phải chăng, đơn vị phải tiết kiệm chi phí không chỉ trong khâu sản xuất mà còn cả vận chuyển.
"Nếu trước đây công ty phải thuê xe chở nguyên liệu cá đánh bắt từ biển về tới nhà máy ở xa trung tâm thì cả năm nay, để giảm bớt chi phí chúng tôi đã xây thêm 2 nhà máy tại cảng, tổ chức đội thu mua nguyên liệu ngay tải biển và đưa vào chế biến tức thời thay vì vận chuyển xa", ông Thuận cho hay.
Với cách làm này, công ty ông Thuận tiết kiệm gần một nửa chi phí vận chuyển mà sản phẩm làm ra cũng chất lượng hơn hẳn. Bởi lẽ, đối với nước mắm, nguyên liệu càng tươi thì độ đạm càng cao.
Thay vì vận tải bằng đường bộ nhiều doanh nghiệp đã chuyển sang đường sắt hoặc thủy để tiết giảm chi phí. Ảnh: San Hiền. |
Còn ông Nguyễn Trí Kiên, Giám đốc Công ty may túi xách Minh Tiến (Miti) cho biết, trước đây công ty chỉ có 3 chiếc xe vận chuyển hàng hóa nhưng từ khi cước vận tải tăng, công ty sắm thêm 2 chiếc nữa để bán hàng lưu động cũng như giao hàng cho đối tác.
"Mặc dù chi phí ban đầu bỏ ra để mua xe khá cao nhưng chúng tôi đã chủ động hơn trong vận chuyển. Ngoài ra, sau một thời gian hoạt động, chi phí vận tải giảm được 10-20%", ông Kiên cho biết.
Còn tại một công ty nước mắm ở Bình Thuận, giám đốc đơn vị cho biết để giảm 50% cước phí, doanh nghiệp đã thay đổi chiến lược phân phối. Cụ thể, trước đây phải thuê xe vận chuyển hàng ra các tỉnh phía Bắc và miền Trung để phân phối cho các đại lý, nay công ty tập trung bán ở các kênh siêu thị. Riêng các cửa hàng phân phối muốn nhận hàng có thể tự đặt hàng ở những đại lý khu vực gần nhất, công ty không còn giao hàng tận nơi nữa.
"Chúng tôi tập trung phân phối ở các kênh siêu thị dù lợi nhuận không cao nhưng doanh số ổn định, ít rủi ro và phí vận chuyển giảm tới 50%", lãnh đạo công ty trên nói.
Ông cũng cho biết thêm, mỗi năm nhờ phân phối ở kênh siêu thị mà doanh số của công ty cũng tăng lên 50%, người tiêu dùng ngày càng biết đến sản phẩm của doanh nghiệp.
Một công ty thực phẩm ở TP HCM cũng chia sẻ, thời gian trước doanh nghiệp chọn các đơn vị xe tải để vận chuyển hàng hóa, nay phí cao, họ chọn cách vận chuyển các container hàng bằng đường sắt.
Hiện một container hàng của đơn vị vận chuyển bằng xe từ TP HCM ra miền Trung tốn 40 triệu đồng, nhưng vận chuyển bằng đường sắt chỉ dao động 20-25 triệu.
"Dù thời gian vận chuyển lâu hơn so với đường bộ nhưng chi phí đi lại giảm tới một nửa, nên chúng tôi quyết định chuyển hướng vận chuyển để tiết kiệm", lãnh đạo doanh nghiệp thực phẩm nói.
Bên cạnh những doanh nghiệp tìm cách giảm chi phí bằng thay đổi kênh phân phối, xây nhà máy gần vùng nguyên liệu thì một số doanh nghiệp khác ở các tỉnh Quảng Ninh, Quảng Bình, Hải Phòng tìm cách giảm cước phí vận tải bằng cách vận chuyển đường thủy vì thấp hơn ba lần so với đường bộ.
Cụ thể, cước vận tải đường bộ từ Hải Phòng đi Thanh Hóa cho một container 20 feet khoảng 10-12 triệu đồng; Nghệ An - Hà Tĩnh khoảng 18-20 triệu đồng, trong khi đó cước vận tải bằng đường thủy theo hai tuyến trên lần lượt chỉ trên 2 triệu đồng và 3-3,2 triệu đồng.
Đầu quý II, Bộ Giao thông Vận tải đã đề nghị chính quyền các địa phương chỉ đạo cảnh sát giao thông siết chặt tình trạng xe quá tải lưu thông trên địa bàn, đồng thời yêu cầu lái xe vào bãi hạ tải phải chịu trách nhiệm thanh toán chi phí phát sinh. Vì thế, các doanh nghiệp vận tải phải giảm lượng hàng chở trên mỗi xe khiến chi phí tăng mạnh. Ngoài ra, việc phát sinh các chi phí khác tại các cảng cũng khiến nhiều doanh nghiệp lao đao trong thời gian qua. |