Chiến lược của Phong “Đầu Trâu” - Bài 3: Chân dung nhà lãnh đạo

Chiến lược của Phong “Đầu Trâu” - Bài 3: Chân dung nhà lãnh đạo

(NDH) Không chỉ là một nhà quản lý tài năng, Lê Quốc Phong còn được nhiều người biết đến như là một doanh nhân đa tài.

>> Chiến lược của Phong “Đầu Trâu” - bài 1

>> Chiến lược của Phong "Đầu Trâu" - bài 2

Chân dung nhà lãnh đạo

Lê Quốc Phong sinh năm 1954, quê Quảng Trị. Ông xuất thân là dân văn khoa sau đó nhập ngũ. Năm 1983 ông chuyển về Xí nghiệp phân bón Bình Điền 2 trực thuộc Công ty phân bón miền Nam.

Năm 1989 lĩnh vực sản xuất phân bón sa vào tình trạng đình đốn, bế tắc. Các cấp ở trên lúc đó có chủ trương, xí nghiệp nào do tư sản Sài Gòn cũ hiến tặng thì trả lại cho họ, còn xí nghiệp nào của nhà nước thì cho phá sản, thu gọn lại.

Xí nghiệp phân bón Bình Điền 2 cũng chịu chung số phận, tức là sắp “bốc hơi” thì Lê Quốc Phong, lúc đó làm ở phòng tổng hợp, phụ trách mảng thi đua lên gặp Ban lãnh đạo của công ty Phân bón miền Nam xin được làm giám đốc trong tình trạng mấy chục công nhân không có việc làm, xí nghiệp thì không có vốn, ngân quỹ trống trơn, thị trường cũng không có nốt.

Có lẽ, nếu không có sự quả quyết của ông Phong ngày ấy, thì đã không có một Phân bón Bình Điền của hôm nay.

Không chỉ là một nhà quản lý tài năng, Lê Quốc Phong còn được nhiều người biết đến như là một doanh nhân đa tài. Ông có thể viết truyện ngắn, viết nhạc, ca hát, chơi golf và đặc biệt ông còn là một doanh nhân đầy thiện tâm với nhiều hoạt động san sẻ cho xã hội.

Đến hẹn lại lên, cứ vào mùa tuyển sinh đại học, giải golf gây quỹ học bổng tiếp sức đến trường lại bắt đầu. Năm nay và cũng là lần thứ 7 của giải này cũng đã được bắt đầu. Chương trình này được bắt đầu từ một câu chuyện cách đây hơn 12 năm về trước. Năm 2003 sau khi đọc bài viết trên báo tuổi trẻ về “Hiếu cà rem”, một học sinh nghèo ở Quảng Trị bằng nghị lực và sự cố gắng của mình đã vượt qua khó khăn và thi đậu vào đại học nhưng lại không có tiền để nhập học, một doanh nhân đã liên lạc với báo Tuổi Trẻ để tìm cách hỗ trợ bạn này đạt được ước mơ vào giảng đường đại học.

Tiếp sau đó, với mong muốn giúp đỡ nhiều "Hiếu cà rem" hơn, câu lạc bộ “Tiếp sức đến trường”được ra đời với sự giúp đỡ của một số doanh nhân gốc Quảng Trị tại TP.HCM. Để nhân rộng mô hình Câu Lạc Bộ “Tiếp sức đến trường” và để cho các tân sinh viên nghèo có thể tiếp cận nguồn học bổng, người doanh nhân này lại có sáng kiến tổ chức Giải Golf Gây Quỹ Tiếp Sức Đến Trường và nỗ lực vận động các doanh nhân tham gia. Sau gần 12 năm đã có gần 11.000 sinh viên đên trường băng quỹ học bổng này.

Và với những em sinh viên này, chắc họ sẽ khó quên được người đã giúp họ mở cánh cửa vào đại học, ông Lê Quốc Phong, Tổng giám đốc kiêm Chủ tịch Công ty Phân bón Bình Điền với thương hiệu Đầu Trâu. Người mà có thể ở quê của những sinh viên này, ba mẹ của họ vẫn thường gọi bởi một cái tên gần gũi, ông Phong "Đầu Trâu".

Trong giới golfer ông Phong được đánh gía là một tay golf có hạng. Ông Phong chia sẻ, với ông golf không chỉ là môn thể thao để cân bằng cuộc sống mà còn cả làm ăn. "Hơn 30% các vụ hợp tác làm ăn của Bình Điền đều được chốt trến sân golf. Cũng từ gofl mỗi năm mình mang về được tới mấy tỉ đồng cho các bạn sinh viên có hoàn hoàn cảnh khó khăn được đến trường", ông Phong nói về thú vui của mình.

Tuy nhiên, bức chân dung về vị doanh nhân này không chỉ đơn sắc với những cái hay mà vài người có thể nhầm lẫn là may mắn, câu chuyện còn được ông tự vẽ thêm bằng những sai lầm trong thời gian điều hành Phân bón Bình Điền.

Nhớ về khoảng thời gian năm 2008, khi nguyên liệu đầu vào được nhập khẩu với giá 700 USD/tấn nhưng cuối năm khủng hoảng kinh tế thế giới đã khiến cho giá sụt giảm còn 300 USD/tấn. Năm đó, Bình Điền lỗ gần 24 triệu USD, mất sạch vốn. Lúc đó, hầu như doanh nghiệp phân bón nào cũng gặp phải khó khăn này vì nguyên liệu phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu. Thế nhưng, chỉ 1 năm sau đó Bình Điền đã xốc lại thị trường. Đến năm 2013, rủi ro nguồn cung nguyên liệu đầu vào cũng được giảm thiểu với hơn 80% nguyên liệu được mua trong nước.

Năm 2010, Lê Quốc Phong cũng suýt mắc sai lầm khi dự định nhảy vào lĩnh vực bất động sản. Lúc đó, Bình Điền đã ra quyết định chuyển văn phòng và xí nghiệp ở Bình Chánh sang làm khu dân cư.

“Cũng may là thủ tục hóa giá khu đất gặp trục trặc, nếu không Bình Điền chắc cũng khốn đốn” - ông Phong nói.