Chiến lược của Phong

Chiến lược của Phong "Đầu Trâu": Bài 2 - Thách thức mới của Bình Điền

(NDH) Sự cạnh tranh gay gắt, tình trạng dư thừa nguồn cung và rủi ro giảm giá ở thị trường phân bón thế giới dẫn đến tăng trưởng lợi nhuận toàn ngành giảm sẽ là thách thức lớn cho nhà lãnh đạo này.

>> Chiến lược của Phong “Đầu Trâu” - bài 1

Thách thức mới của Bình Điền

“Sự kiện niêm yết cổ phiếu của phân bón Bình Điền đem lại cho ty nhiều thuận lợi, như hình ảnh và thương hiệu được quảng bá rộng rãi, nâng cao tính cạnh tranh, giá trị doanh nghiệp, minh bạch hóa thông tin trên thị trường. Cái này có mặt thứ hai là chỉ cần một tác động không tốt nhỏ nào đó là giá trị của Công ty, bằng cổ phiếu sẽ xuống dốc, không che chắn được, không ảo được, thực lực của anh thế nào phơi bày ra thế ấy, rõ như ban ngày, cái gì sẽ xảy ra sau đó”, ông Lê Quốc Phong nói về thách thức mới khi Bình Điền chính thức lên sàn.

Thách thức từ câu chuyện niêm yết là có thật, nhưng bản chất của nó là thách thức của sự minh bạch. Sự cạnh tranh gay gắt, tình trạng dư thừa nguồn cung và rủi ro giảm giá ở thị trường phân bón thế giới dẫn đến tăng trưởng lợi nhuận toàn ngành giảm mới là thách thức lớn cho nhà lãnh đạo này.

Nguồn cung về NPK tại Việt Nam được dự báo là đã đủ nhu cầu, nên sự cạnh tranh sẽ càng gay gắt. Theo thống kê của hiệp hội phân bón, hiện nay các loại phân đơn trên thị trường như DAP, Ure, Kali, SA... giảm mạnh: DAP giảm khoảng 20-25%, Ure Trung Quốc giảm khoảng 22%, Kali, SA giảm trên 40%... khiến cho nông dân bỏ NPK chuyển sang sử dụng phân đơn thay thế vì rẻ hơn.

Ngoài ra, tình hình sản xuất nông nghiệp đang ngày càng khó khăn làm ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất nông nghiệp; giá cả của một số mặt hàng nông sản giảm so với những năm trước, đặc biệt là giá lúa, cao su và cà phê giảm mạnh nên bà con nông dân đã cắt giảm đầu tư, vì vậy đã ảnh hưởng đến sản lượng tiêu thụ phân bón trong năm.

Thực tế cho thấy, những khó khăn này đã tác động rõ rết đến kết quả kinh doanh trong năm 2014 của Bình Điền, khiến doanh thu và lợi nhuận sụt giảm sau một thời gian tăng trưởng nhanh. Trong năm 2014 doanh thu thuần của Công ty mẹ giảm khoảng 4% so với năm 2013 vì một số sản phẩm từ cây công nghiệp như cao su, cà phê giảm giá nên nhu cầu phân bón giảm theo.

Theo Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2015 thì kế hoạch sản lượng sản xuất trong năm của BÌnh Điền là 702.000 tấn, sản lượng tiêu thụ là 700.000 tấn. Trong khi đó, 6 tháng 2015 Bình Điền chỉ sản xuất 260.992 tấn chỉ đạt 37,12% kế hoạch và tiêu thụ 318.696 tấn, đạt 45,53% kế hoạch.

Trước những thách thức trên, ông Phong cho biết, Bình Điền đặt mục tiêu tăng trưởng khiêm tốn trong năm 2015 và 2016. Và chiến lược của Bình Điền là cố gắng giữ vững thị phần ở miền Nam và tăng cường phát triển thị phần ở miền Trung, miền Bắc và phát triển sang các thị trường nước ngoài để tăng trưởng doanh thu.

Cụ thể ở miền Bắc, Công ty đã đưa Nhà máy sản xuất phân bón Bình Điền – Ninh Bình với công suất 400.000 tấn phân bón NPK/năm, đi vào hoạt động vào giữa tháng 10 vừa qua. Tại miền Trung Bình Điền – Quảng Trị đang đẩy mạnh đầu tư và tăng cường các hoạt động để gia tăng thị phần cũng như tăng cường xúc tiến để đẩy mạnh xuất khẩu sang Lào. Tại miền Nam, Công ty đang đẩy mạnh thêm công nghệ mới để đưa ra các sản phẩm tăng giá trị sử dụng nhằm giữ vững thị phần.

Những lô sản phẩm đầu tiên của nhà máy phân bón Bình Điền - Ninh Bình

Bên cạnh chiến lược tăng thị phần nội địa, thị trường Myanma là thị trường nước ngoài mà ông Lê Quốc Phong cho rằng sẽ giúp Bình Điền tăng trưởng doanh thu mạnh trong thời gian tới.

"Đồng ruộng bằng phẳng, nhiều cánh đồng thẳng cánh cò bay, cả nước có tới 10 triệu ha đất trồng lúa. Những năm 50 của thế kỷ trước, đất nước này từng đã dẫn đầu thế giới về xuất khẩu gạo, với lượng xuất trên 3 triệu tấn/năm. Nhưng hiện họ đã mở cửa hội nhập với thế giới nên tiêm năng về nông nghiệp là rất lớn” ông phong đánh gía về thị trường Myanma.

Với kinh nghiệm được đúc rút từ những thành công tại thị trường phân bón Campuchia và Lào, quan điểm mà lãnh đạo, lãnh đạo công ty Bình Điền đặt ra với thị trường phân bón Myanmar là phải đến trước, phải là người đầu tiên cắm lá cờ phân bón Việt Nam tại đây, nhưng lại không vội vã.

"Quan điểm của Bình Điền là phải xuất khẩu sản phẩm mang thương hiệu của chính mình. Điều đó có thể khiến Bình Điền mất một số lợi ích trong ngắn hạn, nhưng là bền vững trong dài hạn", ông Phong nói.

Cuối năm 2013, 35 đại lý phân phối phân bón cấp 1 tại Myanma đã được Bình Điền tổ chức tập huấn, để bắt đầu đưa các sản phẩm mang thương hiệu Đầu Trâu- Bình Điền- Việt Nam sang, từng bước chiếm lĩnh thị trường phân bón Myanmar

Khi kết thúc lớp học thì chuyến hàng 500 tấn sản phẩm phân bón đầu tiên của Bình Điền cũng đã vừa cập cảng Myanmar. Dù giá cả có bị đẩy lên chút ít do phí vận chuyển, nhưng ông Phong tin là vẫn bán được bởi “đắt xắt ra miếng”. Và khi người dân đã tin dùng thì người ta sẽ đồng hành cùng Công ty.

“Giá bán sẽ hợp lý hơn trong tương lai gần khi Bình Điền xây dựng được nhà máy sản xuất ngay tại Myanmar” ông Phong khẳng định. Một nhà máy với công suất khoảng 100.000 tấn đã được Binh Điền lên kế hoạch và có thể bắt đầu triển khai từ 2016.

Ngoài chiến lược mở rộng thị trường, Lê Quốc Phong cũng cho biết, Bình Điền đang đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hữu cơ, vi lượng, thuốc bảo vệ thực vật tại các công ty con. Trong năm 2013, Bình Điền đã đầu tư hoàn thành và đưa vào sử dụng hệ thống dây chuyền công nghệ Ure hóa lỏng công suất 100.000 tấn/năm đã cho ra đời các sản phẩm đạt chất lượng cao.

"Trong một thời gian những ngành mới này sẽ đóng góp 10% vào cơ cấu doanh thu của Bình Điền", ông Phong kỳ vọng.