Lo ngại về đổ vỡ bong bong chứng khoán Trung Quốc sẽ gây ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế và lan rộng ra các thị trường khác đã đẩy chỉ số S&P 500 xuống dưới ngưỡng trung bình động 200 ngày lần đầu tiên kể từ tháng 11/2014. Đồng thời, chỉ số này cũng rơi vào vùng giảm so với đầu năm 2015.
Sàn giao dịch chứng khoán New York (NYSE) đã phải tạm đóng cửa hơn 3 tiếng đồng hồ do sự cố kỹ thuật. Đây là vụ ngừng giao dịch lớn nhất trên thị trường chứng khoán Mỹ trong 2 năm qua.
Cổ phiếu tại thị trường Trung Quốc đã giảm hơn 30% trong 3 tuần qua và nhiều nhà đầu tư lo ngại rủi ro từ thị trường này có thể lớn hơn cả cuộc khủng hoảng Hy Lạp hiện nay.
Giám đốc đầu tư Tim Ghriskey của Solaris Group nhận định tình hình Hy Lạp trong ngắn hạn không phải điều quan tâm nhất của nhà đầu tư mà là thị trường Trung Quốc. Tình trạng bán tháo vẫn tiếp tục bất chấp những nỗ lực cứu vãn thị trường của ngân hàng trung ương Trung Quốc.
Phố Wall đóng cửa giảm điểm sau khi biên bản cuộc họp tháng 6/2015 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cho thấy cơ quan này cần đợi thêm những dấu hiệu về sự hồi phục trong kinh tế Mỹ trước khi quyết định nâng lãi suất.
Chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 261,49 điểm, tương đương 1,47%, đóng cửa ở mức 17.515,42 điểm. Chỉ số S&P 500 mất 34,65 điểm, hay 1,66%, xuống 2.046,69 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 87,70 điểm, tức 1,75%, xuống 4.909,76 điểm.
Cả 10 lĩnh vực của chỉ số S&P 500 đều giảm điểm với sự dẫn đầu của ngành nguyên vật liệu giảm 2,17%.
Tính từ đầu năm 2015 đến nay, chỉ số S&P 500 đã giảm 0,6%, Dow Jones giảm 1,7% còn Nasdaq mất 3,7%.
Các công ty Mỹ đang lo ngại về tăng trưởng chậm tại Trung Quốc, đặc biệt là những doanh nghiệp ngành nguyên vật liệu và công nghiệp khi đây là thị trường đem lại nhiều lợi nhuận cho họ.
Theo khảo sát của hãng Thomson Reuters, lợi nhuận của các công ty Mỹ dự kiến giảm 3,1% trong quý II/2015.