[Chart] KQKD ngành dệt may: Lợi nhuận 9 tháng tăng 20% so với cùng kỳ

[Chart] KQKD ngành dệt may: Lợi nhuận 9 tháng tăng 20% so với cùng kỳ

(NDH) Tổng doanh thu thuần trong quý III của 8 doanh nghiệp dệt may niêm yết trên HOSE và HNX đạt hơn 2.548,3 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, tổng lợi nhuận sau thuế chỉ tăng nhẹ 1% và đạt hơn 140,8 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh quý III và 9 tháng đầu năm 2015 của các doanh nghiệp niêm yết ngành dệt may công bố cho thấy một sự phân hóa rõ nét. Trong đó, đáng chú ý nhất không phải đến từ ba cái tên quen thuộc như CTCP Dệt may Đầu tư Thương mại Thành Công (TCM), CTCP Đầu tư và Thương mại TNG (TNG) hay CTCP Sản xuất Thương mại May Sài Gòn (GMC) mà là khoản lợi nhuận tăng trưởng gần 82,5% trong 9 tháng đầu năm 2015 của GIL.

Lợi nhuận 9 tháng ngành dệt may tăng trưởng 20,5%

Thống kê 8 doanh nghiệp dệt may đang niêm yết trên hai sàn HOSE và HNX, tổng doanh thu thuần trong quý III của các doanh nghiệp này đạt hơn 2.548,3 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, tổng lợi nhuận sau thuế chỉ tăng nhẹ 1% và đạt hơn 140,8 tỷ đồng.

Tổng doanh thu 8 doanh nghiệp niêm yết ngành dệt may

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2015, doanh thu thuần của 8 doanh nghiệp này đạt hơn 6.463,26 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ. Tổng lợi nhuận sau thuế đạt gần 395 tỷ đồng, tăng mạnh 20,5% so với 9 tháng đầu năm 2014.

Trong đó, TCM tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nhất trong lợi nhuận quý III và 9 tháng đầu năm 2015, đạt lần lượt 45,5 tỷ đồng và 131,9 tỷ đồng.

Tổng LNST 8 doanh nghiệp niêm yết ngành dệt may

Quý III/2015, trong số 8 doanh nghiệp nói trên, có 4 doanh nghiệp đạt tăng trưởng lợi nhuận dương và 4 doanh nghiệp tăng trưởng lợi nhuận âm, trong đó có duy nhất một trường hợp chuyển từ lãi quý III/2014 sang lỗ quỹ III/2015 là CTCP Vải sợi may mặc miền Bắc (TET).

Còn tính chung cho cả 9 tháng đầu năm 2015, không có trường hợp nào báo lỗ trong đó có 5 doanh nghiệp tăng trưởng lợi nhuận dương và 3 doanh nghiệp tăng trưởng lợi nhuận âm.

Điểm nhấn GIL

Công ty Cổ phần Sản xuất Kinh doanh Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (GIL)có thể coi là điểm nhấn đáng chú ý về kết quả kinh doanh quý III và 9 tháng đầu năm 2015 của ngành dệt may. Trong 9 tháng đầu năm 2015, doanh thu thuần của GIL đạt hơn 787 tỷ đồng, giảm nhẹ 3,4% so với cùng kỳ, tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế của công ty lại tăng vọt 82,5% lên mức gần 50,4 tỷ đồng.

Tính riêng trong quý III/2015, doanh thu của công ty đạt hơn 271 tỷ đồng, tăng 4% so với quý III/2014, nhưng lợi nhuận sau thuế tăng mạnh 47,6% và đạt hơn 23 tỷ đồng. Mức tăng trưởng lợi nhuận quý III/2015 của GIL chỉ đứng sau KMR.

Tiếp sau đó, CTCP Everpia Việt Nam (EVE) và TNG có mức tăng trưởng lợi nhuận 9 tháng đầu năm 2015 lần lượt là 55% và 47%, đạt 70,7 tỷ đồng và 59 tỷ đồng.

Trong khi đó, CTCP Mirae (KMR) cũng gây được bất ngờ lớn khi có mức tăng trưởng lợi nhuận quý III/2015 lên tới 157% (tức gấp 2,57 lần cùng kỳ năm ngoái) và đạt hơn 14,8 tỷ đồng. Tuy vậy, nếu tính chung cho cả 9 tháng đầu năm 2015, lợi nhuận của KMR chỉ đạt hơn 11 tỷ đồng, giảm mạnh 33,5% so với cùng kỳ năm trước.

Thất vọng TET

Trong số 8 doanh nghiệp dệt may nói trên, TET là doanh nghiệp duy nhất báo lỗ trong quý III/2015, với mức lỗ khoảng 219 triệu đồng, trong khi cùng kỳ, công ty vẫn lãi hơn 10 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2015, lợi nhuận sau thuế của TET cũng chỉ đạt 9,6 tỷ đồng, giảm 28,7% so với cùng kỳ.

Theo giải trình từ TET, quý III/2015 chi phí phân bổ dài hạn tăng so với cùng kỳ 2014 hơn 2 tỷ đồng. Đồng thời chi phí tiền thuê đất chiếm 3,6 tỷ đồng. Trong khi quý III/2014 Công ty bán toàn bộ phần vốn đầu tư tại công ty con nên lợi nhuận tăng 5,3 tỷ đồng và được hưởng chính sách giảm tiền thuê đất nên thu nhập khác quý III/2014 đạt 2,8 tỷ đồng.

Trong khi đó, lợi nhuận của ông lớn TCM trong quý III/2015 và 9 tháng đầu năm 2015 có những biến động không quá mạnh. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế quý III/2015 của TCM đạt hơn 45,5 tỷ đồng, giảm nhẹ 0,8% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2015, công ty lãi sau thuế 131,9 tỷ đồng, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Kỳ vọng tăng trưởng nhờ TPP

Trong khoảng đầu tháng 10, bộ trưởng thương mại các nước TPP đã đạt được một thỏa thuận.

Nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam được cho là nước hưởng lợi lớn nhất và đầu tiên từ TPP và Dệt may có thể coi là ngành hưởng lợi lớn nhất và mang lại lợi ích rõ rệt nhất khi Việt Nam gia nhập TPP.

Theo đó, thuế suất đối với các sản phẩm dệt may của doanh nghiệp trong nước sẽ giảm về 0% tại một loạt thị trường lớn như Mỹ, Nhật, Canada...

Tuy nhiên quy tắc "từ sợi trở đi" bắt buộc các doanh nghiệp Việt Nam phải sử dụng nguyên liệu trong nước hoặc nhập khẩu từ các nước trong TPP để được hưởng thuế suất ưu đãi và cũng đòi hỏi các nhà sản xuất phải phát triển đầy đủ chuỗi cung ứng nội địa. Trong số không nhiều DN dệt may niêm yết hiện nay, mới có CTCP Dệt may Đầu tư Thương mại Thành Công (TCM) đáp ứng được tiêu chuẩn khắt khe kể trên.

Tuy không được hưởng thuế suất 0%, nhưng một số doanh nghiệp dệt may khác sẽ được hưởng lợi gián tiếp từ việc gia tăng các đơn hàng của các doanh nghiệp nước ngoài để gia công.

Chia sẻ tại buổi hội thảo "Thị trường chứng khoán cuối năm 2015 - Cơ hội đầu tư cổ phiếu ngành dệt may'', ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may cho rằng khi gia nhập WTO dệt may đã có một vị thế đặc biệt và đột phá mặc dù chưa cần tới TPP và việc TPP được thông qua sẽ giúp tác động nhanh hơn tới ngành này từ đó, lợi ích của các nước trong thành viên của TPP sẽ được hưởng lợi nhiều hơn.

Tới đây, hàng loạt doanh nghiệp trong ngành dệt may rục rịch kế hoạch lên sàn như May 10, Việt Tiến, Nhà Bè, Đức Giang, Hoà Thọ… Trong đó, Việt Tiến dự kiến hoàn tất thủ tục vào tháng 12 để niêm yết với mã VGG, trong khi May 10 sẽ sử dụng mã M10.