Hướng đến nhà đầu tư thực thụ
Đánh giá về ý nghĩa của việc tái cơ cấu VEC lần này, tại cuộc họp hôm qua (11/9), Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng, tái cơ cấu VEC phải đi theo hướng CPH. CPH Tổng công ty phải tiến hành đồng thời với CPH từng dự án. ''Hiện nay, VEC vẫn đang hoạt động theo hướng là Ban QLDA chứ chưa thực sự là nhà đầu tư phát triển đường cao tốc", Bộ trưởng nói.
Ông Mai Tuấn Anh, Tổng Giám đốc VEC cho biết: "Đến nay, vốn điều lệ của VEC chỉ hơn 1 nghìn tỷ đồng, nhưng số vốn đầu tư lên tới 125 nghìn tỷ đồng, được đầu tư theo phương thức đầu tư - thu phí hoàn vốn. VEC đã đưa vào khai thác được 251 km đường cao tốc. Hiện VEC đang quản lý 5 dự án cao tốc trọng điểm quốc gia là Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài - Lào Cai, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, TP HCM - Long Thành - Dầu Giây và Bến Lức - Long Thành. Tài sản được hình thành trong quá trình đầu tư lên tới khoảng 51 nghìn tỷ đồng".
Đến thời điểm này, trong số 125 nghìn tỷ đồng đầu tư, VEC vay và huy động được hơn 54 nghìn tỷ đồng (chiếm 43%). Còn Nhà nước tham gia hơn 71 nghìn tỷ đồng (57%)".
Tuy nhiên, ông Tuấn Anh thừa nhận có những hạn chế trong mô hình hoạt động: "VEC phải huy động vốn theo phương thức phát hành trái phiếu công trình, nhưng khi Luật Quản lý nợ công có hiệu lực không thể thực hiện được vì tỷ lệ nợ trên số vốn chủ sở hữu vượt quy định (không vượt quá ba lần). Bên cạnh đó, việc đầu tư các dự án chủ yếu sử dụng vốn vay từ các nhà tài trợ nên gặp nhiều khó khăn trong công tác GPMB vì chính sách trong nước và các nhà tài trợ khác nhau. Nguồn vốn cho GPMB chưa đáp ứng được tiến độ nên mặt bằng bàn giao cho các nhà thầu bị chậm. Một khó khăn nữa là việc tổ chức là Công ty TNHH MTV nên rất khó thu hút nguồn vốn từ các nhà đầu tư và nguồn vốn xã hội khác".
Lấy dự án nuôi dự án
Nhận định về mô hình VEC hiện nay, ông Nguyễn Chiến Thắng, Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ GTVT) cho biết, do đây là doanh nghiệp thí điểm, nên trong suốt 10 năm qua, Bộ GTVT phải thường xuyên đánh giá, rút kinh nghiệm để báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đồng thời định hướng phát triển tốt nhất cho VEC. "Nếu thực hiện tái cơ cấu theo Quyết định số 2072 của Thủ tướng Chính phủ, sẽ giải quyết đựợc nhiều tồn tại của VEC. Trước đây, cả 5 dự án cao tốc của VEC đều không xác định được thời điểm hoàn vốn, nay thực hiện tái cơ cấu sẽ giải quyết ổn thỏa. Hiện, hệ số nợ phải trả trên vốn sở hữu của VEC nếu không được tái cơ cấu sẽ cao gấp khoảng 30 lần, cao điểm lên tới 90 lần vì vốn chủ sở hữu thấp. Nhưng nếu tái cơ cấu, cổ phần hóa thành công, những điều đó sẽ được giải quyết", ông Thắng nhận định.
Cao tốc Nội Bài - Lào Cai được chạy tốc độ 120 km/h
Về công tác tổ chức khai thác tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng: "Đầu tư bao nhiêu tiền sao cứ hạn chế tốc độ. Đã thiết kế 120 km thì cứ cho chạy như vậy. Hạn chế tốc độ dẫn đến phạt vô lý, gây ức chế lái xe, lãng phí tiền của". Bộ trưởng yêu cầu VEC và các đơn vị liên quan phải nhanh chóng hoàn thiện hệ thống biển báo trên hệ thống cao tốc. Cần chú ý phải thống nhất các quy định khai thác theo thông lệ quốc tế, không thể có tiêu chuẩn đường cao tốc theo tiêu chuẩn Việt Nam. Tổng cục Đường bộ VN và các cơ quan liên quan nghiên cứu phân luồng một số loại phương tiện như: Xe khách giường nằm và container đi lên đường cao tốc thay vì tuyến QL70 như hiện nay. |
Ông Đỗ Văn Quốc, Vụ trưởng Vụ Tài chính (Bộ GTVT) cho rằng, để cổ phần hóa được, phương án tài chính của từng dự án phải tính toán lại. Dự án nào khả thi có thể bán quyền thu phí để lấy tiền đầu tư dự án mới.
Lãnh đạo Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính) lại cho rằng, với vốn điều lệ chỉ hơn 1 nghìn tỷ đồng, nhưng nhờ có VEC là đơn vị nòng cốt trong phát triển đường cao tốc đã huy động được hàng chục nghìn tỷ đồng vốn nước ngoài là thành công lớn. "Ngay từ đầu khi bắt đầu thành lập, chúng ta đều biết VEC không thể hoàn vốn được, chứ không phải đến khi phải hoàn trả vốn mới rõ. Do đó, phải tính kỹ để khi cơ cấu xong, tự VEC có thể đứng vững được, bởi khi đó hoàn toàn tuân theo cơ chế thị trường, Nhà nước sẽ không cấp phát nữa".
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cũng khẳng định, mô hình của VEC trong tương lai phải là CPH. Tuy nhiên, phải cân nhắc các phương án. Nếu lẻ tẻ thì nhà đầu tư họ có vào không. Cần xây dựng theo mô hình nhà đầu tư và thoát dần mô hình quản lý dự án.
VEC thừa sức CPH thành công
Định hướng cho mục tiêu tái cơ cấu VEC, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng, tái cơ cấu là rất cần thiết để VEC phát triển mạnh mẽ hơn nữa, giữ vai trò là một trong những đơn vị hàng đầu xây dựng các tuyến đường cao tốc. Bộ trưởng khẳng định: "Tái cơ cấu trọng tâm sẽ là CPH. Không thể vốn Nhà nước đầu tư mãi được, đặc biệt trong tình hình kinh tế khó khăn, trần nợ công tăng cao. Khi đã CPH cũng phải theo hướng Nhà nước không chi phối, vì như vậy các nhà đầu tư sẽ không mặn mà. Sở dĩ chúng ta thành công CPH là do Nhà nước không chi phối. Thời gian qua Bộ GTVT đã CPH thành công nhiều Tổng công ty rất khó khăn, tưởng chừng như không thể bán được như: Tổng công ty XD đường thủy, Tổng công ty Vận tải đường thủy, CIENCO 8… nhưng vẫn thành công. Vấn đề là bán giá bao nhiêu, bán như thế nào. Tôi nghĩ VEC thừa sức CPH".
Bộ trưởng cũng cho biết, cùng với CPH, VEC phải tách các dự án để bán, CPH các dự án. Phải tính tới việc CPH đồng thời cả Tổng công ty và các dự án. Phải xác định phần vốn Nhà nước tham gia bao nhiêu, bán bao nhiêu, còn bao nhiêu VEC phải huy động vốn để mua bù. "Chậm nhất 2015 phải hoàn tất CPH VEC. Để thành công, quan trọng nhất là VEC phải xây dựng được phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả sau CPH. Nếu cần một Nghị định của Chính phủ về cơ chế - chính sách và quản lý cao tốc như thế nào, Bộ GTVT sẽ nghiên cứu để báo Thủ tướng ban hành", Bộ trưởng cho biết.