CEO doanh nghiệp nhà nước, hết thời

CEO doanh nghiệp nhà nước, hết thời "sống lâu lên lão làng"

Ai sẽ là tân Tổng giám đốc (CEO) Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN)? Công chúng đang rất quan tâm.

Cũng dễ hiểu, bởi đây là một trong những nhân vật quyền lực nhất tại tập đoàn lớn nhất Việt Nam. CEO trẻ, có năng lực, chắc chắn Tập đoàn sẽ có nhiều đổi mới.

Gió mới ngành dầu khí

Ông Đỗ Văn Hậu, nguyên Tổng giám đốc PVN đã nghỉ hưu theo chế độ từ 1/11/2014. Trả lời câu hỏi của các nhà báo về nhân sự mới cho ghế CEO, tại cuộc họp báo thường kỳ của PVN trong tháng 10 vừa qua, lãnh đạo PVN cho biết, có tới 4 ứng viên cho chức vụ này, gồm cả người trong Ban Tổng giám đốc, thành viên Hội đồng thành viên, cũng như tổng giám đốc tại đơn vị thành viên của PVN. Đây là một trong số ít doanh nghiệp, ghế CEO do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm.

Theo điều lệ của PVN, người đại diện theo pháp luật của PVN là Tổng giám đốc. Bởi vậy, có thể hiểu, nhân vật này có quyền lực, thậm chí trong nhiều trường hợp còn "trên cơ" Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn. CEO PVN do vậy là ghế "nóng" và chắc hẳn diễn ra cuộc đua ngầm giữa các ứng viên để giành được vị trí này.

Có lợi thế là tập đoàn kinh tế lớn nhất Việt Nam, đóng góp tới 30% GDP cả nước, quản lý khối tài sản khổng lồ của quốc gia, song CEO PVN cũng có những bài toán khó cần giải quyết, đó là khai phá những vùng đất mới trong bối cảnh trữ lượng dầu khí tại Việt Nam đang giảm dần. Đồng thời, phải xốc lại hoạt động của một số đơn vị thành viên yếu kém, vốn là hậu quả của một thời đầu tư tràn lan, như Tổng công ty Xây lắp Dầu khí, Tổng công Dầu Việt Nam…

Trước đó, ông Nguyễn Xuân Sơn, Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN mới được bổ nhiệm. Ghế Chủ tịch PVN cũng phải qua cân đo đong đếm quyết liệt ngay từ cấp Tập đoàn.

Trong 10 Sao Đỏ năm 2014, dành cho các doanh nhân trẻ xuất sắc nhất có tuổi đời dưới 45, "họ" dầu khí có tới 3 gương mặt gồm: Cao Hoài Dương, CEO Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (DPM); Đinh Văn Ngọc, CEO Công ty Lọc hóa Dầu Bình Sơn; Phan Thanh Tùng, CEO Tổng công ty Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC).

Trong số những lãnh đạo trẻ nói trên, Tổng giám đốc Cao Hoài Dương của DPM là gương mặt khá nổi bật. Vị tổng giám đốc này hầu như không bao giờ nói về mình, mà nếu được hỏi về thành công của DPM, ông luôn nói về tập thể và sự kế thừa, phát huy, trong đó ông chỉ là một mắt xích.

Tuy nhiên, với một doanh nghiệp lớn như DPM, tại thời điểm năm 2010, việc PVN bổ nhiệm một Tổng giám đốc có tuổi đời trẻ nhất tại các doanh nghiệp thành viên không thể là một quyết mạo hiểm. Nhìn vào chặng đường phát triển của Tổng giám đốc Cao Hoài Dương có thế thấy hai yếu tố quan trọng là ông được đào tạo bài bản và trải qua nhiều vì trí công tác.

Cao Hoài Dương tốt nghiệp kĩ sư lọc hóa dầu tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội năm 1993 và gia nhập PVN với vị trí chuyên viên Phòng Khoa học - Công nghệ - Môi trường. Sau đó, anh học cao học tại Trường Đại học Tổng hợp New South Wales tại Sydney, Australia.

Về nước, anh lần lượt giữ các vị trí phó trưởng các phòng, ban chuyên môn Ban Quản lý dự án Nhà máy Lọc hóa dầu số 2 của PVN, đóng góp quan trọng vào vào việc ra đời Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn và làm Phó tổng giám đốc liên doanh này. Năm 2010, anh được lãnh đạo PVN tin tưởng giới thiệu để bộ nhiệm chức vụ Tổng giám đốc DPM.

Được đào tạo bài bản và trải qua nhiều vị trí công tác nêu trên, có điều kiện phát huy khả năng và tích lũy kinh nghiệm, nên điểm nổi bật ở Tổng giám đốc Cao Hoài Dương mà người tiếp xúc cảm nhận được là sự chững trạc đầy bản lĩnh.

Tại các ĐHCĐ của DPM, ông trả lời các câu hỏi của cổ đông một cách thỏa đáng và dễ hiểu nhất, cho dù đó là câu hỏi khó. Thế nhưng, trong sinh hoạt thường ngày, ông được các nhân viên trẻ của Tổng công ty yêu mến bởi sự hài hước, hòa đồng và hát hay.

Qua thời "sống lâu lên lão làng"

Cách đây 8 năm, trong đoàn đi công tác ở thị trường nước ngoài do một quỹ đầu tư nước ngoài tài trợ, xuất hiện một thanh niên rất trẻ, tầm tuổi "7x đời cuối". Trong danh sách, anh này có chức danh là tổng giám đốc một công ty chứng khoán có vốn của một tập đoàn kinh tế nhà nước.

Tổng giám đốc một quỹ đầu tư nước ngoài đi cùng, nhưng không biết anh này. Đứng từ xa, tổng giám đốc quỹ hỏi về nhân vật khá nổi bật nêu trên. Sau khi biết chức vụ của anh, vị này nói nhỏ: "Ở Việt Nam, thấy ai trẻ trẻ mà giữ chức vụ cao thì thường là con quan chức".

Đó là câu chuyện mà người viết đã chứng kiến 8 năm về trước. Anh giám đốc trẻ có phần nổi bật và hơi lạc lõng giữa những người xung quanh tầm bằng tuổi anh, nhưng mới chỉ giữ chức vụ chuyên viên ở các tổ chức và doanh nghiệp.

Nhưng có lẽ câu chuyện hơn chục năm qua nay đã khác. Ở khối doanh nghiệp tư nhân, xuất hiện thế hệ lãnh đạo quản lý 7x, 8x, thì ở khối doanh nghiệp nhà nước cũng xuất hiện không ít lãnh đạo trẻ đảm nhận những trọng trách đứng đầu ở các doanh nghiệp lớn.

Trong số các doanh nhân trẻ nổi bật ở khối ngân hàng gần đây có Sao Đỏ 2014 Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch Vietinbank. Vị chủ tịch này nổi tiếng bởi nhiều lý do, xuất thân từ con nhà nông, là một trong những lãnh đạo khiến Vietinbank có nhiều quyết định thay đổi nhân sự nhiều nhất, trong thời gian ngắn nhất trong lịch sử hoạt động của Ngân hàng…

Hà Nội, thành phố vốn có tiếng là thủ cựu trong vấn đề nhân sự, cũng đang có những chuyển biến. Quý II năm nay, UBND Thành phố Hà Nội đã bổ nhiệm CEO mới của Tổng công ty Handico là ông Trương Hải Long, sinh năm 1971. Được biết đến là một trong những chủ đầu tư bất động sản lớn nhất Hà Nội với hàng loạt dự án, được hưởng không ít những ưu ái của Thành phố, song Handico phát triển chưa xứng tầm. Có "tướng" trẻ, nhiều người kỳ vọng, Handico sẽ có nhiều thay đổi theo hướng tích cực.

Ở không ít DNNN, tái cơ cấu thành công khâu nhân sự là một trong những kinh nghiệm dẫn đến thành công của doanh nghiệp. Tại đợt IPO vào đầu năm nay, Viglacera không bán hết cổ phần, nên cũng dễ hiểu khi trong số những nhà đầu tư đã tham gia mua cổ phần của Tổng công ty, có một lực lượng đông đảo người lao động trong doanh nghiệp.

Tại ĐHCĐ lần thứ nhất của Viglacera, hội trường Trung tâm Hội nghị Quốc gia chật ghế. Theo người trong cuộc, có đến gần 90% cổ đông tham dự đại hội là người lao động, bởi vậy, làm cho mình hiện có lẽ là một sức ép với hệ thống Viglacera. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng giám đốc Tổng công ty cho biết: "Vigacera sẽ thực hiện tái cơ cấu mạnh mẽ".

Tái cơ cấu được doanh nghiệp này thực hiện toàn diện trên các mặt trận, trong đó nhân sự là một trong những ưu tiên. Một thành viên HĐQT Viglacera cho biết, giám đốc các đơn vị thành viên được giao quyền 2 năm trở lại đây mà doanh nghiệp không có tiến triển sẽ bị miễn nhiệm.

Hiện độ tuổi của các giám đốc "họ" Viglacera trung bình là 5x. Bản thân ông Nguyễn Anh Tuấn được thế hệ lãnh đạo đi trước nhận xét là "không ngại va chạm, dám làm". Những động thái quyết liệt đó đang tạo ra nhiều thay đổi cho Viglacera. Năm 2012, hệ thống Viglacera lỗ 22 tỷ đồng, năm 2013 có lãi chưa đầy 5 tỷ đồng. Năm 2014, tổng công ty này đặt kế hoạch lãi hợp nhất 270 tỷ đồng. Tính đến hết 10 tháng đầu năm, lợi nhuận hợp nhất đạt 86% kế hoạch năm; trong đó, có 7 đơn vị cán đích lợi nhuận năm 2014.

Minh An - Thủy Nguyễn