Cay đắng vì sơ suất nhỏ, mất hơn 7 tỉ đồng

Một công ty Việt mất 7,5 tỉ đồng vì không chặt chẽ khi giao dịch với đối tác nước ngoài.

LTS: vụ doanh nghiệp Việt có tranh chấp với Công ty Global Home (do ông Otto, chồng ca sĩ Thu Minh, làm tổng giám đốc) và nhiều vụ việc khác cho thấy có nhiều bài học trong làm ăn với đối tác nước ngoài được rút ra.

Công ty gỗ Gia Hân tố Công ty Global Home thiếu nợ mình gần 20 tỉ đồng. Sau khi Gia Hân lên tiếng, nhiều công ty gỗ khác như Cửu Long, Hạnh Phúc... cũng kể lại việc từng làm ăn với Global Home và phải gánh chịu những kinh nghiệm “đau đớn”.

Trước những vụ việc trên, các chuyên gia pháp lý nhận định nguyên nhân một phần là do doanh nghiệp (DN) Việt sơ suất trong thỏa thuận về chất lượng, kiểm định, thời hạn giao hàng, mức độ bồi thường... Điều này có thể khiến DN phải đền gấp nhiều lần so với giá trị hợp đồng.

Bị phạt, nhận lại hàng

Kinh nghiệm về quy trình giám định chất lượng hàng lại được cảnh báo trong vụ Gia Hân làm hàng cho Global Home. Trong cuộc họp do Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM tổ chức mới đây, Công ty Gia Hân tiết lộ rằng tại xưởng của Gia Hân luôn có người của Global Home giám sát chất lượng. Nhưng quy trình, thủ tục thế nào, ủy quyền… ra sao thì không thỏa thuận chặt chẽ, không có giấy ủy quyền. Chính vì thế mới xảy ra tranh chấp.

Tương tự, một thẩm phán chia sẻ câu chuyện về một DN Việt vừa mất khoảng 7,5 tỉ đồng. Cụ thể, Công ty H. đặt hàng Công ty M. sản xuất viên nén gỗ, trị giá khoảng 4 tỉ đồng, với thỏa thuận tỉ lệ bột trấu trong sản phẩm tối đa là 25%.

Sau khi Công ty H. nhận hàng và bán cho đối tác thứ ba bên Hàn Quốc thì bị trả về. Phía Hàn Quốc đưa ra các bản kiểm nghiệm cho thấy tỉ lệ bột trấu trong viên nén gỗ đến 66%, thậm chí có cả vỏ trấu còn nguyên trong sản phẩm! Công ty H. thiệt hại gần 3,5 tỉ đồng tiền vận chuyển container, tiền thuê tàu biển, tiền bồi thường… cho đối tác Hàn Quốc.

Cay đắng vì sơ suất nhỏ, mất hơn 7 tỉ đồng - 1

Doanh nhân nước ngoài đặt mua hàng mỹ nghệ tại hội chợ xuất khẩu TP.HCM. Ảnh: HTD

Trong vụ việc này, Công ty H. đã không chú trọng thỏa thuận rõ chất lượng sản phẩm, cũng không làm văn bản nào khi điều chỉnh về chất lượng (tỉ lệ bột trấu), đồng thời không thỏa thuận cách kiểm soát chất lượng khi nhận hàng, thỏa thuận ràng buộc trách nhiệm bồi thường của các bên.

Vì thiếu sót đó, Công ty H. vẫn phải trả khoảng 4 tỉ đồng tiền đặt hàng viên nén gỗ cho Công ty M. và phải nhận về hơn 100 container viên nén gỗ được đánh giá là “đã xuống cấp không sử dụng được, không tái chế được” mà không bán được viên nào cho đối tác Hàn Quốc.

Bình luận về những vụ việc trên, luật sư Châu Việt Bắc, Phó Tổng Thư ký Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), nhận định tranh chấp về chất lượng hàng thường xuyên xảy ra, do đó DN cần lưu ý các điều khoản về kiểm định chất lượng hàng hóa. Theo đó có thể thỏa thuận giám định tại cảng đi hoặc cảng đến. Chi phí không đáng kể so với lô hàng nhưng giúp DN tránh được tranh chấp.

Đòi bồi thường nhưng thua

Ông Bắc cũng dẫn chứng một vụ tranh chấp về chất lượng tôm sú xuất khẩu. Theo đó, một công ty của Việt Nam xuất tôm sú cho đối tác nước ngoài. Hợp đồng cho phép các bên có quyền kiểm định chất lượng tại cảng đi lẫn cảng đến. Phía nước ngoài nhận tôm, bán ngay ra thị trường. Sau đó có người tiêu dùng mua tôm và khiếu nại rằng tôm bị co rút, không đúng kích cỡ.

Lúc đó, phía nước ngoài đòi công ty Việt Nam bồi thường nhưng thua. Bởi lẽ bên mua có quyền giám định hàng hóa ngay khi nhận hàng nhưng đã không kiểm, coi như đã chấp nhận về chất lượng của hàng, làm sao đòi bồi thường được nữa!

Từ vụ việc này, ông Bắc cũng khuyến cáo việc lấy mẫu như thế nào, cơ quan nào lấy mẫu, lưu mẫu ra sao... là vô cùng quan trọng đối với DN. Bởi trên thực tế đã có vụ tranh chấp xảy ra, bên mua ở nước ngoài trưng văn bản giám định cho thấy chất lượng hàng không đúng như giao kết trong hợp đồng.

Tuy nhiên, thủ tục lấy mẫu giám định có sơ suất, bên mua không thể chứng minh mẫu đã lấy là của lô hàng mà bên bán giao. Chứng cứ không được chấp nhận, người mua vẫn phải nhận hàng và trả tiền.

Bị đối tác thứ ba phạt 22.000 USD

Cũng vì không thỏa thuận rõ tiêu chuẩn chất lượng, một công ty khác cũng phải trả toàn bộ tiền mua hàng mà không dùng được hàng.

Cụ thể, Công ty A đặt Công ty B hơn 1.000 bàn, ghế, giường cho trẻ mầm non. Đến khi B giao hàng, A cho rằng hàng “không phù hợp tiêu chuẩn cho trường mầm non” nên không dùng được.

Tuy nhiên, hợp đồng không thỏa thuận rõ về quy cách, chất lượng hàng. Bên mua cũng không có giấy tờ kiểm định nào để chứng minh lô hàng mà bên bán giao cho mình là không đạt “chất lượng mầm non”. Do đó bên mua vẫn phải nhận lô hàng, trả tiền cho bên bán hơn 1 tỉ đồng.

Ngoài thỏa thuận về chất lượng hàng hóa, các DN cũng phải lưu ý thỏa thuận về cách thức nhận hàng và giám định chất lượng. Thực tế năm 2015, từng có Công ty AP Việt Nam nhận vải để gia công chần gòn cho Công ty S., trị giá khoảng 20.000 USD.

Sau khi nhận sáu đợt hàng, Công ty S. mới phản ánh rằng bên gia công đã làm hỏng vải, chần gòn không đạt chất lượng khiến Công ty S. bị đối tác thứ ba phạt hơn 22.000 USD.

Điều đáng nói là hợp đồng giữa hai bên không nói rõ khi gia công chần gòn thì sản phẩm đầu ra sẽ thế nào, như thế nào là chần đạt tiêu chuẩn. Mặt khác, khi nhận tổng cộng sáu đợt hàng, bên đặt hàng không lập biên bản, không phản ứng gì về chất lượng gia công, mãi cho đến khi bị đối tác thứ ba phạt chất lượng thì mới biết hàng không đạt.

Vì vậy, vụ tranh chấp được giải quyết theo hướng hàng đã được chấp nhận, Công ty S. phải nhận lô hàng và trả tiền cho bên gia công.

Chưa đòi được tiền đã thấy lỗ

Ông Phan Tiến Đam, Phó Giám đốc Công ty Gỗ Cửu Long, kể rằng khi làm hàng cho Global Home có thông báo chậm tiến độ giao hàng và được chấp nhận. Song công ty này vẫn bị tính số tiền phạt đến 60.000 USD/lần chậm. Sau khi giao hai đợt hàng, số tiền phạt cao hơn giá trị hợp đồng. Câu chuyện nghe qua tưởng vô lý nhưng lại thường xuyên xảy ra. Bởi quy định về phạt chậm giao hàng hay phạt vì không đạt tiêu chuẩn hàng là rất khắt khe.

Không chỉ vậy, chi phí luật sư cho các vụ tranh chấp không hề rẻ. Theo luật sư, hỗ trợ pháp lý cho Công ty Gỗ Gia Hân, chỉ riêng chi phí luật sư đã là 1.000-2.000 USD/giờ, chưa kể các chi phí khác. Chưa đòi được tiền đã thấy lỗ!

Công ty Trung Quốc thua

Trong một vụ tranh chấp về mua bán vải, một công ty Việt Nam có lưu mẫu vải. Bên bán Trung Quốc giao hàng kém chất lượng, không đúng chất lượng vải mẫu, bị công ty Việt Nam trả hàng, đòi bồi thường.

Song bên bán cho rằng quy trình lấy mẫu để lưu không đúng quy định. Hai bên đều thừa nhận chỉ làm rất đơn giản là cắt một miếng vải thành nhiều miếng nhỏ, chia cho các bên lưu giữ.

Tuy nhiên, may mắn cho công ty Việt Nam là một đại diện của bên bán có xác nhận mẫu lưu này nên khôi phục được giá trị bằng chứng của mẫu. Trong khi bên bán lại không xuất trình được mẫu lưu của mình nên đã thua.

Lưu ý khi thỏa thuận

Các DN cần thỏa thuận thật cụ thể về cân đong, đo đếm, kiểm tra chất lượng hàng xuất khẩu, trong đó xác định giá trị pháp lý của việc trên. Trong trường hợp không nắm được quy định của nước nhập khẩu, cần quy định rõ trách nhiệm bên mua trong hướng dẫn về chất lượng, kiểm định và buộc họ chịu trách nhiệm về hướng dẫn đó cũng như hệ quả.

Cũng cần chú ý cả khâu bao bì, đóng gói, ký mã hiệu phù hợp với nước nhập khẩu.

TS PHẠM VĂN CHẮT, trọng tài viên VIAC